Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính thảm họa: Đại dịch Covid-19. Trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa từng có một thời khắc nào mà loài người chúng ta phải đối diện với một cuộc khủng hoảng có quy mô rộng lớn đến như thế. Đại dịch Covid-19 đã tấn công loài người chúng ta trên khắp các chiến tuyến: Từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng trời, từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu sang châu Mỹ… Không một vùng đất nào của Địa Cầu thoát khỏi sự kiềm tỏa của Đại dịch Covid-19. Đây thật sự là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 hầu như phá hủy hạ tầng y tế của nhiều quốc gia: Bệnh viện bị quá tải, máy thở không đủ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, khẩu trang không đủ cho người dân, đồ bảo hộ không đủ cho nhân viên y tế, hệ thống xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm… Chính vì những lý do này mà số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng gia tăng.
Tuy những hậu quả do Đại dịch gây ra về mặt sức khỏe và sinh mệnh của người dân là rõ ràng. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Đại dịch Covid-19 còn gây ra những tác động xấu về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế…
Về mặt tâm lý, Đại dịch đã làm cho mọi người luôn có cảm giác bất an, lo lắng về bản thân, cảm thấy tương lai của mình là bất định. Nhiều người vì thế đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Về mặt xã hội, Đại dịch đã làm cho mọi người ngại tiếp xúc với nhau: Hàng xóm tránh tiếp xúc nhau, bạn bè ngại gặp nhau, đồng nghiệp hạn chế nói chuyện với nhau… Các mối quan hệ xã hội vì thế không thể phát triển được. Do đó có thể nói các thành viên trong xã hội đang bị cô lập thật sự. Điều này làm cho tâm trạng của mọi người càng trở nên u uất hơn. Khủng hoảng tâm lý – xã hội vì thế càng nặng nề hơn. Đặc biệt, về mặt kinh tế, tác hại của Đại dịch đối với nền kinh tế thế giới là có tính phá hủy. Do số ca nhiễm và số ca tử vong hầu như tăng theo cấp số nhân nên các quốc gia buộc phải áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa đối với người dân của mình. Những biện pháp bắt buộc này đã làm cho thương mại quốc tế bị suy giảm, các nền kinh tế bị cô lập, sản xuất bị đình đốn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia vì thế được dự báo là sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng…
Qua những gì đã phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng Đại dịch Covid-19 không chỉ mang tính toàn cầu mà nó còn mang tính toàn diện. Nó đã tấn công vào mọi mặt của đời sống xã hội loài người chúng ta. Nếu xem xét sự việc một cách khách quan thì chúng ta phải thừa nhận rằng nỗ lực chống dịch của hầu hết các chính phủ trên thế giới trong thời gian vừa qua đã thất bại. Đại dịch Covid-19 đang chuẩn bị bùng phát trở lại. Các chính phủ đang bị thử thách lớn về mặt uy tín và niềm tin đối với công chúng. Câu hỏi đặt ra là: (1) Tại sao cộng đồng quốc tế lại thất bại trong cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19? (2) Các chính phủ đã sai lầm ở đâu? (3) Điều gì có thể giúp nhân loại vượt qua được cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay?
Về câu hỏi thứ nhất, chúng ta dễ dàng tìm thấy câu trả lời như sau: Cộng đồng quốc tế thất bại trong cuộc chiến chống Đại dịch là vì thiếu sự hợp tác quốc tế. Do thiếu sự hợp tác quốc tế nên các quốc gia không đủ nguồn lực để chống lại Đại dịch. Italia là một trường hợp điển hình. Khi Đại dịch bắt đầu bùng phát ở nước này, Chính phủ Italia đã liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh trong khối EU viện trợ vật tư y tế để chống dịch, nhưng yêu cầu của Italia đã không được đáp ứng. Ngược lại, những quốc gia đồng minh của Italia trong EU như Đức, Pháp, Tây Ban Nhà… lại đồng loạt đóng cửa biên giới với Italia và tập trung tích trữ vật tư y tế để dự phòng cho nhu cầu của riêng mình. Thực trạng này cho chúng ta thấy được rằng các quốc gia đã không có sự hỗ trợ cần thiết các nguồn lực y tế cho nhau. Một thực trạng khác cũng cho chúng ta thấy sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia là các quốc gia thiếu sự minh bạch trong công tác phòng, chống dịch. Các quốc gia có dịch bùng phát sớm không chịu chia sẻ thông tin đầy đủ cho các quốc gia chưa có dịch. Điều này đã làm cho các quốc gia chưa có dịch không thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, họ đã không áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt ngay từ đầu nên dịch bệnh mới có điều kiện lan rộng ra khắp nơi.
Sự thiếu minh bạch cũng có thể xem là cơ sở cho đáp án của câu hỏi thứ hai. Thật vậy, vì thiếu thông tin nên chính phủ các nước có dịch bùng phát chậm đã có thái độ chủ quan, khinh địch. Điều này được nhìn thấy qua hành vi của Thủ tướng Anh Johnson vào hôm 3/3/2020 – ông vẫn bắt tay người dân sau khi đi thăm các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sự chủ quan, khinh địch còn được thể hiện qua phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/3/2020 – trên Twitter, ông đã so sánh Covid-19 với cúm mùa. Một sự so sánh khập khiễng mà thực tế đã chứng minh là sai lầm. Chính vì thiếu thông tin nên các nhà lãnh đạo của những quốc gia có dịch bùng phát chậm đã có những phán đoán thiếu chính xác. Điều này đã làm cho chính phủ của họ có những phản ứng sai lầm trước diễn biến của Đại dịch.
Tất nhiên, sai lầm của những chính phủ này còn do một nguyên nhân khác, đó là do các nhà lãnh đạo của những chính phủ này còn có toan tính riêng cho bản thân. Họ sợ rằng nếu phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội nghiêm ngặt để chống dịch thì sẽ phá hủy những thành tựu kinh tế đã đạt được trong nhiệm kỳ của họ. Viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả tái tranh cử của họ. Vì thế, họ ngại sử dụng đến các biện pháp chống dịch quyết liệt khi dịch bệnh bắt đầu lan truyền đến đất nước họ. Đây thật sự là một tình thế nan giải đối với các chính trị gia này. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Bolsonaro… là những ví dụ cụ thể.
Đáp án cho câu hỏi thứ ba chính là giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Nhà khoa học Mỹ Jared Diamond đã xây dựng một mô hình vượt qua khủng hoảng cho các quốc gia. Trong tác phẩm mới nhất của ông vừa ra mắt công chúng năm 2019 – Biến Động (Upheaval), vị giáo sư của Đại học California, Los Angeles đã kể cho chúng ta về câu chuyện các quốc gia vượt qua khủng hoảng và giải thích rõ vì sao họ thành công. Theo Jared Diamond, tiến trình vượt qua khủng hoảng thành công chịu sự tác động của 12 nhân tố
-
- Đồng thuận quốc gia trong một nước đang có biến cố (khủng hoảng).
- Thừa nhận trách nhiệm quốc gia để xử lý.
- Dựng một hàng rào để khoanh lại các vấn đề của quốc gia cần xử lý.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ về vật chất và tài chính từ các quốc gia khác.
- Dùng các quốc gia khác như hình mẫu về cách thức giải quyết các vấn đề.
- Căn tính quốc gia.
- Đánh giá quốc gia một cách trung thực.
- Kinh nghiệm lịch sử của các biến cố quốc gia trước đó.
- Đối phó với thất bại quốc gia.
- Tính linh hoạt quốc gia trong tình huống đặt biệt.
- Giá trị cốt lõi quốc gia.
- Thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị.
Trong tác phẩm của mình, Jared Diamond đã luận giải xuất sắc sự tác động của các nhân tố này đến tiến trình ra quyết định của các quốc gia và cách các quốc gia tận dụng các nhân tố này để vượt qua khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ mô hình vượt qua khủng hoảng của Jared Diamond thì chúng ta thấy rằng mô hình này không thích hợp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Đơn giản là vì mô hình này dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng mang tính quốc gia, còn cuộc khủng hoảng mà loài người chúng ta đang phải đối mặt là cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Ở chương thứ 11 trong Biến Động (Upheaval), Jared Diamond cũng đã thừa nhận sự bất lực của mô hình mà ông đã đề xuất trước các vấn đề của thế giới. Vì thế giới thiếu những điều mà một quốc gia có thể có được. Quốc gia có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài nhưng thế giới thì không (nhân tố 4), quốc gia có thể xác định cho mình một bản sắc riêng nhưng thế giới này quá đa dạng, mọi người khó đồng thuận với nhau về một bản sắc chung cho cả thế giới (nhân tố 6)…
Chương thứ 11 trong Biến Động (Upheaval) là chương mà tác giả bàn đến những vấn đề toàn cầu. Trong chương này, Jared Diamond đã nêu ra một số vấn đề toàn cầu và đề xuất một số lộ trình để giải quyết các vấn đề ấy. Nhưng những vấn đề và những lộ trình mà Jared Diamond nêu ra đều có tính dài hạn. Vì vậy, những lộ trình có tính giải pháp của ông không khả dụng đối với tình thế cấp bách của chúng ta hiện nay. Các tác phẩm của Jared Diamond đều rất xuất sắc nhưng đáng tiếc là tác phẩm mới nhất của ông, mặc dù được đánh giá rất cao và rất hấp dẫn, lại không cung cấp được cho chúng ta một giải pháp hữu hiệu để chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay.
Vậy chúng ta có thể tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay từ đâu? Có lẽ, chúng ta nên căn cứ vào tính chất của cuộc khủng hoảng này và tìm cách giải quyết. Cuộc khủng hoảng này – như đã phân tích ở trên – vừa có tính toàn diện, vừa có tính toàn cầu. Thế nên, giải pháp dành cho nó phải là một hệ thống các biện pháp đáp ứng được hai tính chất mà chúng ta đã chỉ ra.
Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là các đường biên giới quốc gia không có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus Corona. Vì vậy, không một quốc gia nào có đủ nguồn lực để có thể đơn độc chống lại Đại dịch Covid-19. Cuộc chiến chống lại Đại dịch Covid-19 là cuộc chiến chung của toàn nhân loại. Chúng ta biết rằng, kể từ khi xảy ra thảm họa hồ Toba hơn 70.000 năm trước cho đến nay, Đại dịch Covid-19 là một trong số ít các thảm họa có khả năng đe đọa đến cuộc sống của toàn nhân loại. Thế nên, không một ai được phép đứng ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này cần đến sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Vì thế, để bảo đảm sự hợp tác giữa các quốc gia thành công thì chúng ta cần đến một cơ chế hợp tác quốc tế mới.
Chúng ta có thể bắt đầu từ đâu? Đáp án: Liên Hiệp Quốc. Ngoài nhiệm vụ cơ bản ban đầu là duy trì hòa bình trên thế giới, Liên Hiệp Quốc còn có thêm một số nhiệm vụ cơ bản khác, như duy trì an ninh quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung. Vì vậy, việc Liên Hiệp Quốc đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến chống lại Đại dịch Covid-19 là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, từ khi Đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay thì vai trò của Liên Hiệp Quốc lại quá mờ nhạt trong việc xử lý khủng hoảng. Có lẽ, khi bị Đại dịch tấn công bất ngờ, các nhà lãnh đạo của các nước bị tầm nhìn quốc gia che khuất nên chưa nhìn thấy được vai trò toàn cầu của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Thực tế là, Liên Hiệp Quốc có khả năng thống nhất hành động của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thật vậy, cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ). Mà khi nghị quyết của HĐBALHQ đã phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì các quốc gia thành viên buộc phải chấp hành. Vì thế, HĐBALHQ chỉ cần ra một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 trong đó có kèm theo những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các quốc gia vi phạm các quy định phòng, chống dịch mà nghị quyết đã đề ra thì các quốc gia trên toàn thế giới sẽ buộc phải hành động vì mục tiêu chung là dập tắt trận Đại dịch này.
Chúng ta biết rằng nghị quyết của HĐBALHQ chỉ có thể được thông qua với sự đồng thuận của 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Nếu một trong năm nước này ra đòn phủ quyết thì nghị quyết của Hội đồng Bảo an không thể thông qua được. Nhưng hiện nay Mỹ và Nga đang tồn tại nhiều bất đồng còn Mỹ và Trung Quốc thì đang xung đột với nhau cực kỳ căng thẳng. Vấn đề đặt ra: Liệu các nước thành viên thường trực HĐBALHQ với những mối mâu thuẫn như thế có thể tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 hay không? Chúng ta có quyền hy vọng câu trả lời là có. Vì các nước này đã từng đứng chung trong một liên minh để chống lại mối đe dọa của Chủ nghĩa Phát xít đối với hoà bình thế giới thì việc hôm nay họ cùng nhau hợp tác để xử lý một thảm họa toàn cầu là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Sự hợp tác giữa các cường quốc đối địch không phải là điều không thể xảy ra. Điều này đã từng có tiền lệ: Năm 1985, trước những mối đe dọa mơ hồ của người ngoài hành tinh, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cùng thống nhất với nhau rằng nếu một trong hai nước bị người ngoài hành tinh tấn công thì lập tức sẽ nhận được sự hỗ trợ của nước còn lại. Chỉ là một một mối đe dọa có tính mơ hồ mà hai siêu cường đối địch đã có thể hỗ trợ cho nhau còn hôm nay thế giới đang phải đối mặt với một thảm họa toàn cầu thật sự thì tại sao các cường quốc lại không thể hợp tác với nhau để cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung?
Trong thời điểm khó khăn này của thế giới, 5 nước thành viên thường trực HĐBALHQ cần phải chứng minh cho tất cả mọi người trên thế giới thấy rằng họ là những cường quốc có trách nhiệm. Họ cần phải hợp tác với nhau để xử lý cuộc khủng hoảng này. Nếu 5 nước này đạt được sự đồng thuận với nhau để HĐBALHQ thông qua một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 thì liệu cuộc chiến chống lại Đại dịch của cộng đồng quốc tế có diễn ra thuận lợi không? Câu trả lời: Không chắc chắn.
Vì chúng ta biết rằng hành động của một cường quốc là rất khó dự đoán và kiểm soát. Cho dù nghị quyết đã được HĐBALHQ thông qua thì 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã biểu quyết thông qua nó, vẫn có khả năng vi phạm nghị quyết, làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế. Thế nên, để bảo đảm cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19 thắng lợi và trách nhiệm của mình trước toàn thể nhân loại thì trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra HĐBALHQ biểu quyết, 5 nước thành viên thường trực HĐBALHQ phải tự giới hạn hành động của mình bằng một hiệp ước có tính ràng buộc. Hiệp ước này sẽ được 5 nước thành viên thường trực HĐBALHQ ký kết. Hiệp ước sẽ được công khai với cộng đồng quốc tế. Hiệp ước này cần phải có quy định rằng nếu một nước thành viên nào đó của Hiệp ước vi phạm các quy định phòng, chống dịch hay có những việc làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của bốn nước còn lại và cộng đồng quốc tế. Nếu một hiệp ước như vậy được ký kết thì nó sẽ biến 5 nước thành viên thường trực HĐBALHQ thành một liên minh các cường quốc chống Đại dịch Covid-19 và cộng đồng quốc tế sẽ có thể cùng phối hợp với liên minh các cường quốc này để cùng nhau chống lại Đại dịch. Khi đó, cuộc chiến mà loài người chúng ta phát động chống lại Đại dịch Covid-19 sẽ có khả năng thành công vô cùng to lớn.
Vì thế, có thể nói, thế giới chúng ta đang thật sự cần đến hai văn bản này: Hiệp ước phòng, chống Đại dịch Covid-19 của 5 nước thành viên thường trực HĐBALHQ và Nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 của HĐBALHQ. Hai văn bản này sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác quốc tế mới để cộng đồng quốc tế xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Đây chính là giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Nghĩa là chúng ta đã tìm ra cách để dập tắt tính toàn cầu của cuộc khủng hoảng.
Vậy còn tính toàn diện của cuộc khủng hoảng hiện nay thì chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Đáp án: Tính toàn cầu của giải pháp sẽ tạo ra tính toàn diện của giải pháp. Thật vậy, khi Liên Hiệp Quốc đã có được hai văn bản mà chúng ta đã nói nghĩa là Liên Hiệp Quốc đã thống nhất được hành động của tất cả các quốc gia thành viên cho cuộc chiến vì sức khỏe và tính mệnh của con người. Khi đó, các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… sẽ cùng vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. WHO lúc ấy sẽ không chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ cường quốc nào nữa. Nó sẽ là một cơ quan chuyên môn đúng nghĩa. WHO lúc ấy sẽ có thể đưa ra được những lời cảnh báo kịp thời nhất, những phác đồ điều trị chính xác nhất… cho các quốc gia trên thế giới. FAO sẽ phối hợp với các quốc gia trên thế giới để cùng đưa ra những giải pháp cụ thể bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới chúng ta. WB, IMF sẽ phối hợp với các quốc gia trong nhóm G20 để ngăn chặn bất kỳ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nào có thể xảy ra trong thời gian này, bảo đảm cho nền kinh tế thế giới vẫn vận hành thông suốt. Khi ấy, có thể nói, những bế tắc trong cuộc sống mà Đại dịch Covid-19 gây ra cho chúng ta đã được giải quyết.
Như vậy, trước mắt chúng ta đã hiện lên được giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Giải pháp này có tính khả thi hay không? Câu trả lời: Điều này phụ thuộc vào diễn biến của Đại dịch Covid-19. Nếu vì một nguyên nhân tự nhiên nào đó mà virus Corona càng ngày càng giảm độc tính và Đại dịch cũng không còn khả năng đe dọa đến cuộc sống chúng ta thì giải pháp này không cần dùng đến. Nhưng nếu độc tính của virus Corona được giữ nguyên như hiện nay hay càng ngày càng tăng và Đại dịch kéo dài trong nhiều năm thì có lẽ, không sớm thì muộn, cộng đồng quốc tế sẽ phải dùng đến giải pháp này. Vì một thực tế đơn giản là, nếu độc tính virus Corona không giảm và Đại dịch tiếp tục lan rộng thì không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nguồn lực để có thể đơn độc chống lại trận Đại dịch này.