Yahoo News cho biết 4 đặc vụ CIA (cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) được cho là chết đuối ngoài khơi bờ biển Philippines sau khi một cơn bão nhiệt đới đánh chìm tàu của họ năm 2008.
Theo Yahoo News hôm 22-9, 4 đặc vụ CIA lúc đó đang theo dõi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Họ bao gồm Stephen Stanek, Michael Perich, Jamie McCormick và Daniel Meeks.
Bốn đặc vụ này đi tàu từ Malaysia đến một khu vực tranh chấp ở biển Đông để đặt thiết bị theo dõi ngụy trang thành tảng đá nhằm theo dõi tín hiệu điện tử của tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, cơn bão nhiệt đới Higos – được gọi là Pablo ở Philippines – đã đánh chìm con tàu dài 12 m chở 4 đặc vụ khiến tất cả được cho là thiệt mạng. Yahoo News cho biết thêm người thân của 4 đặc vụ không hay biết họ đang làm nhiệm vụ do thám.
Việc con tàu bị đánh chìm làm cho nhiệm vụ đặt thiết bị ngụy trang, sau đó đi tàu đến Nhật Bản của 4 đặc vụ không bao giờ được hoàn thành. Theo Yahoo News, con tàu do CIA bí mật sở hữu. Các đặc vụ trên tàu “sử dụng thiết bị lặn biển bán sẵn trên thị trường thay vì thiết bị do chính phủ Mỹ cung cấp”.
Do tin vào dự báo bão Higos sẽ di chuyển ra khỏi khu vực mà họ hoạt động vào ngày 28-9-2008 nên nhóm tiếp tục nhiệm vụ. Không may là cơn bão không thay đổi đường đi, dẫn đến sự cố nói trên. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã rà soát khu vực theo yêu cầu của CIA nhưng không tìm thấy gì.
Một cựu thành viên của Cơ quan Hoạt động Đặc biệt Mỹ (SAD) nói với Yahoo News rằng con tàu có một đèn hiệu theo dõi của CIA, cho thấy nó biến mất trong cơn bão. CIA sau đó đưa người thân của 4 đặc vụ đến trụ sở chính ở Langley, bang Virginia – Mỹ để thông báo vụ việc.
Các sĩ quan CIA cũng đổ lỗi cho Giám đốc SAD thời điểm đó là Bob Kandra vì gây ra cái chết của 4 đặc vụ. Ông Bob bị cáo buộc “gây áp lực để các đặc vụ CIA chứng tỏ năng lực trong cuộc cạnh tranh với hải quân Mỹ”.
Năm 2016, hải quân Trung Quốc từng phát hiện một máy bay không người lái (UAV) do Mỹ chế tạo ngoài khơi bờ biển Philippines. Bắc Kinh đồng ý bàn giao lại chiếc UAV sau khi Lầu Năm Góc nói đó là “hệ thống dùng để thu thập dữ liệu hải dương học”.