Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTP HCM: Đề xuất 4 vị trí làm cảng biển ở Cần...

TP HCM: Đề xuất 4 vị trí làm cảng biển ở Cần Giờ

Trong 4 vị trí được đề xuất làm cảng biển ở Cần Giờ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM không đồng ý vị trí tại xã Thạnh an vì không có quy hoạch giao thông bộ.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP, góp ý kiến về quy hoạch phát triển cảng biển TP trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn dến năm 2050.

Theo đó, Sở GTVT đã có ý kiến đối với báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn) lập, dự kiến bổ sung quy hoạch cảng container, tổng hợp, hàng rời tại 4 vị trí trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Đối với vị trí số 1, tiếp giáp sông Lòng Tàu (xã Bình Khánh, Cần Giờ), theo đơn vị tư vấn, dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 250 ha, có thể đón tàu 30.000 – 50.000 DWT.

Theo đánh giá của Sở GTVT, vị trí này có thể kết nối giao thông thuận lợi với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được xây dựng nên có khả năng xem xét nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng biển. Tuy nhiên, Sở cho rằng cần nghiên cứu diện tích khu dịch vụ phía sau cầu cảng.

Đối với vị trí số 2, tiếp giáp sông Lòng Tàu (thuộc xã Thạnh An, Cần Giờ), dự kiến quy hoạch cảng biển với quy mô 50 ha, có thể đón tàu đến 100.000 DWT, nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Theo đánh giá của Sở GTVT, vị trí này không có quy hoạch giao thông bộ kết nối nên đề xuất không nghiên cứu.

Đối với vị trí số 3, tiếp giáp luồng Sài Gòn – Vũng Tàu (thuộc xã Long Hoà, Cần Giờ), dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 150 ha, có thể tàu đến 150.000 DWT, nằm trong vùng đệm  Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Sở GTVT phân tích vị trí này có kết nối giao thông vào tuyến đường Rừng Sác, nằm tại cửa biển, tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn và tiếp nhận được tàu khách quốc tế. Nếu nghiên cứu quy hoạch cảng biển cần nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường thủy, hạn chế tối đa vận chuyển đường bộ. Đồng thời, Sở đề xuất cần lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với quy hoạch vì nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đối với vị trí số 4, tiếp giáp luồng Cái Mép – Thị Vải (thuộc địa phận Cù Lao Ông Chó), dự kiến quy hoạch cảng biển chuyên dụng với quy mô 100 ha, có thể đón tàu đến 200.000 DWT.

Ở vị trí này, Sở GTVT TP đánh giá tuy không có quy hoạch giao thông đường bộ kết nối vào cảng nhưng do nằm tại cửa biển giáp với tuyến luồng hàng hải quan trọng là tuyến Luồng Cái Mép – Thị Vải và luồng Sài Gòn – Vũng Tàu nên có thể tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn. Vì vậy, khu vực này nên nghiên cứu quy hoạch cảng biển chuyên dụng và thực hiện trung chuyển hàng hoá bằng đường thủy nội địa.

Ngoài 4 vị trí được đề xuất, đơn vị tư vấn cũng đề xuất xem xét nghiên cứu quy hoạch cảng biển nước sâu tại bờ phải sông Thị Vải, khu vực Cù lao Gò Gia, huyện Cần Giờ để phục vụ tàu biển 80.000 DWT. Cảng này được để xuất quy hoạch giai đoạn sau năm 2030.

Hiện nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP HCM (bao gồm tàu biển và phương tiện thủy nội địa) năm 2019 là 168,56 triệu tấn, đã vượt quy hoạch đến năm 2030 là 159,98 triệu tấn.Sở GTVT cũnga đề xuất xem xét nghiên cứu mở rộng khu cảng biển Cát Lái (là khu cảng biển chính của TP HCM trong giai đoạn hiện nay) trên sông Đồng Nai về phía thượng lưu (đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến sông Tắc) phục vụ cho tàu biển trọng tải đến 30.000 DWT.Ngoài ra, Sở GTVT thống nhất đề xuất nghiên cứu phát triển thêm khoảng 600 m cầu cảng tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân Cảng Phú Hữu (Bến cảng Bến Nghé), quận 9 về phía hạ lưu đế đảm bảo tính liên tục với hệ thống cầu cảng hiện hữu và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
RELATED ARTICLES

Tin mới