Friday, November 8, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnYêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về COC.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Ngày 1/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đặt câu hỏi về bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trước việc Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật ở gần Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là cuộc tập trận lần thứ 3 của Trung Quốc gần Hoàng Sa trong năm nay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đầy đủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Thông tin thêm về quá trình đàm phán COC, người phát ngôn cho biết, việc nối lại đàm phán COC sau thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19 là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc. Chia sẻ ưu tiên này, Việt Nam mong muốn cùng các nước liên quan nối lại đàm phán COC, tiến tới sớm đạt được COC chất lượng, tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS 1982).

Bình luận về việc Anh – Pháp – Đức gửi Công hàm tới Liên hợp quốc bày tỏ lập trường chung về Biển Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau.

Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Để làm được điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là thiết yếu.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước bao gồm các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

Cũng tại cuộc họp báo, thông tin về chuyến thăm Hà Nội của đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Marsall Billingslea, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, hai bên duy trì gặp gỡ, tiếp xúc ở các cấp để thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Chuyến thăm của đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về việc kiểm soát vũ khí Marsall Billingslea đến Hà Nội nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

RELATED ARTICLES

Tin mới