Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu TQ có hỏa thuận quân sự với Campuchia ở vịnh...

Liệu TQ có hỏa thuận quân sự với Campuchia ở vịnh Thái Lan?

Dù Campuchia nhiều lần lên tiếng bác bỏ, nhưng những diễn biến thực tế lại đang củng cố sự đáng tin của báo cáo về thỏa thuận quân sự giữa nước này với Trung Quốc liên quan các căn cứ ven vịnh Thái Lan.

Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng về thông tin vừa được công bố bởi chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ). Cụ thể, cùng ngày 3.10 (theo giờ VN), AMTI công bố báo cáo liên quan diễn biến mới ở căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville (Campuchia) nằm bên bờ vịnh Thái Lan.

Từ bất thường

Theo AMTI, hình chụp vệ tinh ngày 1.10 cho thấy chính quyền sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream. So sánh với hình ảnh vệ tinh trước đó, AMTI nhận định việc phá dỡ có thể xảy ra vào ngày 10.9.

Lãnh đạo Campuchia không muốn mạo hiểm?

Ngày 3.10, một nhà báo Campuchia chuyên về các vấn đề quốc tế đã trả lời Thanh Niên xoay quanh các diễn biến ở căn cứ Ream mà AMTI công bố. Nhà báo này cho rằng: “Những diễn biến gần đây chỉ mới chỉ ra quá trình Bộ Quốc phòng Campuchia nâng cấp căn cứ quân sự. Quá trình này đã được chính quyền công bố. Bên cạnh đó, các lãnh đạo Campuchia cũng nhiều lần bác bỏ thông tin lực lượng quân sự Trung Quốc hoạt động ở các căn cứ của Campuchia”.
Nhà báo này cũng nói thêm: “Nếu để lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng các căn cứ quân sự của Campuchia thì điều đó sẽ rất nguy hiểm và “thiếu khôn ngoan” đối với một quốc gia như Campuchia. Tôi tin rằng các lãnh đạo Campuchia hiểu điều này và họ sẽ không mạo hiểm để cho phép Trung Quốc khai thác căn cứ quân sự của Campuchia”.

Phản ứng sau báo cáo này, Lầu Năm Góc đặt vấn đề: “Chúng tôi quan ngại việc cơ sở của Mỹ bị san phẳng có thể nằm trong kế hoạch của Campuchia về việc cho phép tài sản, lực lượng quân đội Trung Quốc hiện diện ở căn cứ hải quân Ream”.

 
Phía Campuchia chưa đưa ra phản ứng chính thức liên quan vụ việc. Trong khi đó, tháng trước, truyền thông Campuchia đưa tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Tea Banh có cuộc gặp với ông W.Patrick Murphy, Đại sứ Mỹ tại Campuchia. Qua cuộc gặp, ông Tea Banh được cho là đã cam kết với phía Mỹ rằng chỉ hải quân Campuchia được sử dụng căn cứ Ream.
Liên quan căn cứ này, tờ The Wall Street Journal năm 2019 dẫn một số nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân này. Theo đó, thỏa thuận cho phép tàu chiến và quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Sau khi tờ The Wall Street Journal đăng tải thông tin này, phía Campuchia đã lên tiếng bác bỏ.

Đến những diễn biến đáng lo

Liên quan vấn đề hợp tác Trung Quốc – Campuchia, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15.9 thông báo trừng phạt Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG) – một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Phía Mỹ với cáo buộc UDG đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong (Campuchia) có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Ngoại trưởng Mỹ giữ nguyên chuyến công du châu Á

Trả lời họp báo tại Croatia hôm qua 3.10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận không có sự thay đổi nào trong lịch trình công du châu Á của ông, theo Reuters. Ngoại trưởng Pompeo dự kiến đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ từ ngày 4 – 8.10, nhưng đã phải cân nhắc lại kế hoạch sau khi Tổng thống Donald Trump bị nhiễm Covid-19.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 2.10 nói không có thay đổi nào trong lịch trình của Ngoại trưởng Pompeo đến Nhật Bản. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á David Stilwell hôm qua cho biết chuyến đi nhằm chứng minh cam kết mạnh mẽ của Mỹ với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Về cuộc gặp của ngoại trưởng nhóm bộ tứ an ninh (Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Úc) tại Nhật Bản, ông Stilwell cho hay các bên sẽ tập trung bàn bạc về những chiến thuật hung hăng, cưỡng ép ngày càng gia tăng tại khu vực.
Bảo Vinh

Liên quan dự án Dara Sakor, tờ The New York Times năm ngoái có bài viết dẫn các nhận định cho rằng dự án này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Theo đó, dự án Dara Sakor có sân bay với đường băng dài nhất Campuchia. Bài báo dẫn lời trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, đặt vấn đề: “Lầu Năm Góc lo ngại đường băng và các cơ sở đang được xây dựng ở Dara Sakor với quy mô có thể phục vụ mục đích quân sự, vượt quá nhu cầu hạ tầng dân sự cũng như năng lực dự báo cần thiết cho thương mại”. Theo trung tá Eastburn, nếu Campuchia cho phép quân đội nước khác hiện diện tại Dara Sakor có thể gây xáo trộn cho an ninh ở Indo-Pacific.

Lo ngại Bắc Kinh

Thực tế, các căn cứ ở Campuchia giữ vai trò tiền đồn quan trọng đối với khu vực phía nam Biển Đông, cũng như khu vực tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, thời gian qua Bắc Kinh liên tục phát triển hạ tầng và quân sự hóa các thực thể ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trong đó, hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập đủ sức vận hành các loại chiến đấu cơ đa nhiệm và cả oanh tạc cơ hạng nặng.
Chính vì thế, nếu Trung Quốc hiện diện quân sự ở Dara Sakor và căn cứ Ream thì nước này có thể kết hợp cùng các cơ sở trên các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm hình thành một mạng lưới căn cứ trải rộng từ đảo Hải Nam đến sát Ấn Độ Dương. Mạng lưới này có thể phục vụ các loại máy bay, tàu chiến Trung Quốc, lại được hỗ trợ thêm bởi các loại tên lửa mà Bắc Kinh đang bố trí ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều đó ẩn chứa rủi ro lớn cho an ninh khu vực, nhất là khi Bắc Kinh liên tục thể hiện tham vọng bá quyền trên khắp Biển Đông và vươn rộng ở khu vực tây Thái Bình Dương, cho đến cả Ấn Độ Dương.
RELATED ARTICLES

Tin mới