Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBình luận về thái độ không khoan nhượng của Jakarta

Bình luận về thái độ không khoan nhượng của Jakarta

Trong số các quốc gia ở Đông Nam Á, Indonesia có diện tích lớn nhất. Nhưng điều đó cũng không được chú ý bằng thái độ cứng rắn, trước sau như một của nước này, nhất là những ứng xử đàng hoàng về các vấn đề Biển Đông, và không khoan nhượng trước sự hung hăng Trung Quốc. Điều này khác xa so với Philippines và Campuchia vốn sớm nắng chiều mưa.

Việc một nước có tiếng nói trọng lượng như Indonesia ra mặt phản đối quyết liệt các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông, chính là sự khích lệ, sự hậu thuẫn quý giá cho các đồng minh ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc. Nếu quốc gia nào cũng tỏ thái độ dứt khoát, đàng hoàng như Indonesia thì các hành vi chèn ép, bắt nạt của Bắc Kinh sẽ thất bại.

Mới đây, hôm 6/10, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định, cho dù đất nước của bà đang hợp tác với Trung Quốc về vắc-xin Covid-19, song lập trường của họ về Biển Đông là bất di bất dịch. Không thể vì những lợi ích kinh tế mà bất chấp sự nhiễu nhương của các thế lực bên ngoài, làm vẩn đục bầu trời thế giới.

Các nhà báo quốc tế nêu câu hỏi: Liệu sự hợp tác phát triển vắc-xin có ảnh hưởng đến lập trường của Indonesia trên vùng biển tranh chấp? Bà Marsudi trả lời ngay: “Tôi có thể trả lời chắc chắn rằng không! Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”.

Chính phủ Indonesia từng nhiều lần khẳng định, nước này không phải là một quốc gia tranh chấp Biển Đông và “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tưởng tượng ra, để tuyên bố phần lớn chủ quyền vô lối. Đã “không có cơ sở pháp lý” thì làm sao lại cứ xưng xưng đòi chủ quyền, đòi các nước khác phải chịu nhượng bộ?

Được biết, Indonesia đang hợp tác với Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc-xin Covid-19. Ngoài ra, quốc gia này còn hợp tác với công ty Sinopharm của Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung vắc-xin cho 260 triệu công dân Indonesia.

Khi cuộc đua vắc-xin Covid-19 “tăng nhiệt” thì căng thẳng trên Biển Đông cũng gia tăng. Vì thế mà con bài “cây gậy và củ cà rốt” đang được Bắc Kinh tận dụng triệt để. Hồi đầu năm 2010, Hải quân Mỹ tuyên bố một tàu khu trục mang tên lửa hành trình Mỹ đã di chuyển đến gần quần đảo Hoàng Sa – Việt Nam để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Còn hôm tháng 9 vừa qua, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna. Những hoạt động của hai nước lớn đều được tính toán kỹ càng. Và mọi động thái đều được các nhà phân tích theo dõi rất sát.

Bình luận về những tình huống này, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi khẳng định, tàu của nước khác có thể hiện diện tại EEZ của Indonesia, nếu nó chỉ đi ngang qua, không phải để thực hiện yêu sách lãnh thổ. Còn ngược lại thì buộc chúng tôi phải đáp trả.

Trong những năm qua Indonesia kiên trì khẳng định một trong những điểm quan trọng nhất của phán quyết: không một thực thể nào đang bị tranh chấp ở Biển Đông có thể được xem là “đảo” theo định nghĩa pháp lý của từ này hiểu theo Luật Biển Liên hợp quốc. Theo đó “không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của riêng mình”.  

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này còn xác định rõ: “Indonesia nhắc lại rằng bản đồ đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử, rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc vi phạm Công ước về Luật biển (UNCLOS) 1982. Quan điểm này cũng đã được phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng tài xác nhận, theo đó toàn bộ những quyền lịch sử mà Trung Quốc đưa ra để chiếm hữu các nguồn tài nguyên khoáng sản hay hải sản đều bị bãi bỏ do những giới hạn về vùng biển ghi trong UNCLOS 1982”.

Rõ ràng, nếu không có Jakarta thúc đẩy việc thực hiện phán quyết thì Bắc Kinh còn ngạo mạn, coi thiên hạ như rác. Bởi lúc này, khối ASEAN rất chia rẽ, với các vấn đề liên quan Biển Đông thường chỉ được chú ý một cách giới hạn, với những tuyên bố chung chung, nhạt thếch, chủ yếu trong các cuộc gặp đa phương lớn.

Việc Indonesia thể hiện lập trường cứng rắn trước âm mưu của Trung Nam Hải hòng biến Biển Đông thành ao nhà, rất đáng quan tâm trên hai cấp độ.

Một là, việc nước này đưa phán quyết 2016 vào trong chính sách của riêng mình về Biển Đông được coi là dấu hiệu Indonesia sẵn sàng có một cách tiếp cận cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc trong khuôn khổ hiệp hội 10 nước Đông Nam Á.

Hai là, việc Indonesia sẵn sàng viện dẫn phán quyết để phản đối Trung Quốc, sẽ thôi thúc Việt Nam kiên quyết hơn trong việc đập tan những luận điệu của Bắc Kinh, để có thể “nghiêm túc xem xét”, chuẩn bị một hành động pháp lý (có thể Hà Nội sẽ kiện ra Trung Quốc ra Tòa án quốc tế).

Cần lưu ý, các động thái mới đây của Indonesia không phải là một sự thay đổi lập trường, mà là sự phát triển thêm chính sách hiện hành dưới thời tổng thống Joko Widodo.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Hoan nghênh Jakarta. Trong sự hoan nghênh có lời cảnh báo với những ai đó còn “đu dây” giữa các quốc gia, có thái độ lập lờ về các vấn đề nghiêm trọng trên Biển Đông. Đối với Trung Quốc chậm một ngày là cái lá dâu địa chính trị thêm một vài lỗ thủng. Chiến thuật “Tằm ăn dâu” là chiến thuật ăn người của kẻ “miệng Nam mô, bụng bồ dao găm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới