Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinLiệu Anh có đưa tàu sân bay tới Biển Đông?

Liệu Anh có đưa tàu sân bay tới Biển Đông?

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gợi ý các tướng lĩnh quân đội của nước này triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh.

Tờ Express hôm qua (6/10) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa gợi ý các tướng lĩnh quân đội của nước này triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng với Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Ông Ben Wallace nhấn mạnh: “Quan điểm của Anh thời kỳ hậu Brexit là chúng tôi sẽ trở thành nhà hỗ trợ và nhà tập hợp quốc phòng lớn. Tàu sân bay của chúng tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông – điều mà tất cả các nước châu Âu đều nhất trí, Anh sẽ triển khai tàu sân bay đến khu vực này vào một thời điểm nào đó để phối hợp với các đồng minh và đối tác. Chúng tôi có thể hợp tác với Hà Lan, Đan Mạch hoặc bất cứ quốc gia nào ủng hộ luật pháp quốc tế”.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trị giá 3,2 tỷ bảng Anh hiện đang dẫn đầu các cuộc tập trận của NATO ở Biển Bắc sau khi gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh lần đầu tiên kể từ khi được đưa vào hoạt động. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Anh triển khai tàu sân bay nặng 65.000 tấn này đến Biển Đông, nơi Trung Quốc gia tăng thực hiện các hành vi gây hấn để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này và Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự. Đã có lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang tại khu vực này.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đã kiến nhiều tướng lĩnh quân sự của phương Tây lo ngại. Tuần trước, người đứng đầu quân đội Anh – tướng Mark Carleton-Smith tiết lộ khả năng mở rộng dấu ấn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua việc thiết lập một “chỗ đứng vững chắc” tại Brunei. Ông Carleton-Smith, dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hoặc các hành vi gây hấn của nước này ở Biên Đông, nhưng cho biết quân đội Anh cần “có một sự hiện diện lâu dài hơn” ở châu Á.

Theo ông, các căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và những tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia có thể tạo “bước đệm” giúp quân đội Anh hoạt động cùng với các đồng minh.

Ông Carleton-Smith khẳng định, sự hiện diện lâu dài của Anh trong khu vực sẽ “làm thay đổi cục diện, trấn an đồng minh và răn đe đối thủ”, cũng như giúp Anh có thêm nhiều “lựa chọn về chiến lược và sự ảnh hưởng”.

Theo Express, Anh hiện đang mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn của Trung Quốc cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới