Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ đang ‘vũ khí hóa’ sông Ấn ở nơi thượng nguồn Tây...

TQ đang ‘vũ khí hóa’ sông Ấn ở nơi thượng nguồn Tây Tạng?

Trung Quốc xây đường ống chuyển nước nhằm đổi hướng dòng chảy sông Ấn Độ, sau khi đã xây các đập thủy điện trên sông Brahmaputra ở đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc.

Cách làm của Trung Quốc đối với sông Brahmaputra cũng giống kiểu xây la liệt các đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông chia sông thành nhiều khúc và chặn không cho nước xuống hạ nguồn.

Việc Trung Quốc tham vọng dẫn dòng chuyển nước từ Tây Tạng về Tân Cương còn đặt ra những mối lo ngại khác, trong đó có nghi vấn rằng Trung Quốc đang “vũ khí hóa” các con sông?.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới Himalaya của hai nước vẫn tiếp tục âm ỉ, và các chuyên gia cho rằng, những kế hoạch của Trung Quốc nhằm chuyển hướng dòng chảy của hai con sông xuyên Himalaya, nguồn nuôi sống hàng triệu người ở các vùng hạ lưu ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đã khiến mối lo ngại sẵn có của Ấn Độ đối với Trung Quốc lại thêm phần gia tăng. Ấn Độ nên thiết lập một “khuôn khổ đa phương quốc tế” để đối phó với các kế hoạch của Trung Quốc, trong đó bao gồm một dự án mà một kỹ sư địa kỹ thuật người Trung Quốc nói rằng “sẽ biến Tân Cương trở thành California”.

Brahmaputra và Indus

Hai con sông hùng vĩ được nói đến ở đây là Brahmaputra và Indus, chúng đều bắt nguồn từ Tây Tạng. Sông Indus chảy qua tây bắc Ấn Độ đổ vào Pakistan, còn sông Brahmaputra chảy qua đông bắc Ấn Độ đổ vào Bangladesh. Cả hai đều nằm trong số những con sông dài nhất và lớn nhất trên thế giới.

The Epoch Times cho hay, trong nhiều năm, Trung Quốc đã lên kế hoạch chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra – ở trên đất Tây Tạng nó được gọi là sông Yarlung Zangbo, và sông Indus khỏi vị trí nguyên sơ của chúng để chảy tới các khu vực khô cằn ở Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Cả hai sông này đều chảy từ cao nguyên Tây Tạng đổ vào hai bang của Ấn Độ đều là những nơi đều đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Dòng sông Indus chảy vào bang Ladakh, nơi thuộc sự quản lý của chính phủ liên bang, và cũng là nơi kể từ tháng Năm đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột với Trung Quốc. Còn dòng sông Yarlung Zangbo chảy vào Arunachal Pradesh, một bang của Ấn Độ, nơi có biên giới chung với Bhutan, cũng là nơi mà Trung Quốc tuyên bố yêu sách lãnh thổ.

Đường hầm 1000 km xuyên Cực Thứ ba

“Dự án hiện tại đề xuất chuyển hướng dòng chảy từ Yarlung Tsangpo ở miền nam Tây Tạng bằng cách khoan một đường hầm dài 1000 km xuyên qua “cực thứ ba” (Third Pole) của thế giới, hay còn được gọi là “tháp nước của châu Á”, làm tan băng vĩnh cửu, thu hẹp lại đoạn sông băng nơi cao nguyên Tây Tạng đến Taklamakan khô cằn [một sa mạc ở tây nam Tân Cương], tiến sĩ Burzine Waghmar thuộc Viện SOAS Nam Á, London cho The Epoch Times biết, trong một email.

Kế hoạch làm chuyển hướng dòng chảy của sông Yarlung Zangbo từ Tây Tạng để đến Tân Cương đã được tính đến kể từ thời triều đại nhà Thanh vào thế kỷ 19, nhưng chi phí khổng lồ và những thách thức về mặt kỹ thuật, cũng như vị trí quốc tế của dòng sông, khiến dự án không bao giờ được khởi công, Waghmar cho biết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hồi sinh dự án và một đợt thử nghiệm đang diễn ra ở tỉnh Vân Nam, nơi các được hầm đang được khoan với các kỹ thuật, công nghệ và thiết bị sẽ được nhân rộng ở Tân Cương. Công trình xây dựng trên một đoạn đường hầm Vân Nam dài 600 km đã bắt đầu từ tháng 8/2017.

“Dự án chuyển dòng nước ở trung tâm Vân Nam là một dự án thao diễn”, nhà nghiên cứu Zhang Chuanqing thuộc Viện Khảo sát Địa chất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nói với nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Nó cho thấy rằng chúng tôi có khối óc, sức vóc và công cụ để xây những đường hầm siêu dài ở những địa hình nguy hiểm mà chi phí không quá tốn kém”, Chuanqing nói về dự án 11,7 tỷ đô la.

Tờ Economic Times cho hay, những lo ngại về các dự án chuyển hướng sông này ngày càng tăng, bởi Trung Quốc đã chặn Xiabuqu, một nhánh của sông Yarlung Zangbo trên phần đất Tây Tạng, để điều nước chảy về dự án đập thủy điện Lalho.

“Gần đây, sau cuộc đụng độ biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan hồi tháng Năm, Trung Quốc đã chặn sông Galwan, một nhánh của sông Indus bắt nguồn từ khu vực Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, do đó đã thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông vào Ấn Độ”, Ameya Pratap Singh và Urvi Tembey cho biết trong một phân tích công bố trên Viện Lowy ngày 23/7. Nhà Tây Tạng học gốc Pháp Claude Arpi trong một nghiên cứu đăng trên blog của mình cũng nói về các đề xuất của Trung Quốc nhằm chuyển hướng dòng Indus.

“Các “nhà nghiên cứu” đề xuất đưa thêm một đoạn Tây Nam vào Tuyến đường chuyển nước sang phía Tây, là một phần thứ ba của Dự án chuyển nước từ phía Nam sang phía Bắc”, Arpi nói, và trích dẫn các nguồn tin khác nhau của Trung Quốc: “Nó sẽ liên quan đến việc chuyển hướng của các dòng chảy từ sông Indus ở phía tây Tây Tạng (trước khi nhánh này chảy vào Ladakh) về phía lưu vực Tarim ở Tân Cương”.

Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc cũng đưa tin rằng 20 học giả Trung Quốc đã gặp nhau tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương vào tháng 7/2017 để thảo luận làm thế nào để chuyển hướng dòng chảy của những con sông từ Tây Tạng đến Tân Cương.

‘Biến Tân Cương thành California’?

Kế hoạch của Trung Quốc để chuyển hướng sông Yarlung Zangbo bao gồm việc xây một đường hầm dài nhất thế giới, 621 dặm (1000 km) với đề xuất chuyển nước từ cao nguyên Tây Tạng đến Tân Cương và liên quan đến nhiều khúc sông và các thác nước – một dự án mà một kỹ sư địa kỹ thuật Trung Quốc cho biết sẽ “biến Tân Cương thành California“, theo một bài báo của Naseer Ahmed và Xiangzhou được công bố trong Đại hội đồng Liên minh Khoa học Địa chất Châu Âu lần thứ 22 vào tháng 5 năm nay.

Tiến sĩ Satoru Nagao, một học giả tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington DC, trong một email đã cho The Epoch Times biết, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng, chuyển từ các thành phố bão hòa ở phía đông sang các vùng có độ cao và địa hình gồ ghề chưa khai thác hoặc các vùng khô cằn ở Tây Tạng và Tân Cương, thì chuyển hướng sông và các dự án thủy điện được tích hợp với sự phát triển nền kinh tế và đây cũng là chiến lược phát triển của nước này.

“Đối với chính phủ Trung Quốc, sự phát triển ở phía Tây là yếu tố sống còn đối với phía Đông. Đó là lý do nếu Trung Quốc muốn phát triển Tây Cương Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc nhất thiết phải tìm được nguồn nước ở Tân Cương Duy Ngô Nhĩ. Nếu ở đó không đủ nước, Trung Quốc nhất thiết phải đưa nước từ Tây Tạng đến”, ông Nagao nói và cho biết thêm rằng các dự án này cũng thiết yếu cho sự canh tác nông nghiệp và khai thác tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc.

Dự án dẫn dòng Tây Tạng – Tân Cương đòi hỏi 1 tỷ nhân dân tệ (xấp xỉ 147,3 triệu đô la) cho mỗi km đường ống sẽ mang lại 10-15 tỷ tấn nước mỗi năm. Dự án này “được dự tính sẽ giải quyết vấn đề nước, lương thực, và hạn hán ở vùng nông thôn”, Abbasi và Xu, thuộc trường Kỹ thuật Thủy lợi đại học Công nghệ Đại Liên Trung Quốc, cho biết. Theo Abbasi và Xu, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ xây dựng 29 hồ chứa với sức chứa 21,8 tỷ mét khối nước, trong khi Ấn Độ và Bangladesh rơi vào tình trạng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực. Việc chuyển hướng dòng chảy sẽ “phá vỡ đa dạng sinh học” và “tăng khả năng xảy ra động đất và lũ lụt”.

Waghmar nêu bật tác động tàn phá của các dự án như vậy trong lịch sử, ông nói: “Sự cạn kiệt hoàn toàn của hồ muối Lopnor, mà ngay từ thời nhà Thanh, các sông như Tarim và Kongque đã bị cố ý chuyển dòng để nuôi các tầng nước ngầm trong ốc đảo và các dòng chảy trên đồi, do đó khiến các lòng sông khô cạn, dẫn đến sa mạc hóa, hủy hoại những bụi cây liễu bách (tamarisk) vốn có chức năng ổn định cát và chống xói mòn ở khu vực”. “Cũng như Uzbekistan Xô viết, việc ĐCSTQ ấn định sản xuất bông ở Tân Cương đã cho thấy rõ ​​rằng các chính sách nông nghiệp xã hội chủ nghĩa cấp tiến đã hủy hoại môi trường mãi mãi”, Waghmar nói.

Tại sao Ấn Độ nên lo lắng?

Theo Waghmar, dự kiến việc điều chuyển nguồn nước ở Yarlung Tsangpo sẽ xảy ra ở địa khu Sangri, nơi gần biên giới tranh chấp của Ấn Độ, cùng với bang Sikkim và rằng không tồn tại hiệp ước về nguồn nước nào giữa Trung Quốc và Ấn Độ hoặc Bangladesh, nơi con sông cuối cùng nhập vào Vịnh Bengal.

Hồi tháng 5, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau ở phía đông bắc Sikkim, và trước đó là xung đột nghiêm trọng giữa hai bên trong khu vực vào năm 2017, khi Trung Quốc cố gắng mở rộng một con đường qua Doklam, cao nguyên giữa Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc mà Bhutan quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Giới chức Bhutan tìm kiếm sự hỗ trợ của quân đội Ấn Độ, và cuộc đối đầu xuyên biên giới đã dẫn đến căng thẳng kéo dài 73 ngày giữa quân đội hai nước. Sau nhiều tuần đàm phán, cả hai bên rút quân, nhưng kể từ đó Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng với quy mô khổng lồ trong khu vực.

Vào ngày 15/6, một cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra tại thung lũng Galwan ở lãnh thổ Ladakh, 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Kể từ đó, hai bên tranh giành vị trí chiến lược và ồ ạt củng cố các lực lượng trong khu vực.

“Các cuộc đụng độ gần đây ở biên giới Trung – Ấn đã làm rõ rằng, Ấn Độ cần phải đánh giá xem Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” lợi thế của mình so với các nước ở hạ nguồn ra sao”, hai nhà nghiên cứu Singh và Tembey nói. “Việc kiểm soát các con sông này một cách hiệu quả sẽ giúp Trung Quốc kìm hãm nền kinh tế của Ấn Độ”.

Nagao nói rằng, dự án chuyển nước liên quan tới vấn đề chiến lược, và Ấn Độ nên nâng cao sự lo ngại, nhất là sau vụ xung đột ở Galwan. Ông cho biết, nếu Trung Quốc chuyển hướng các con sông ở những khu vực nhạy cảm này, họ cũng sẽ triển khai quân đội để bảo vệ dự án, và bất kỳ hoạt động củng cố quân sự nào cũng sẽ gây ra nhiều lo ngại hơn nữa cho Ấn Độ.

“Kịch bản ác mộng này đã bắt đầu. Vì Trung Quốc cần nhiều nước hơn để phát triển, họ đã bắt đầu kế hoạch chuyển hướng dòng chảy của sông. Trung Quốc càng xây dựng phát triển Tây Tạng, sẽ càng có nhiều binh đoàn Trung Quốc được triển khai để xiết chặt an ninh ở các nguồn nước này. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc (xung quanh Tây Tạng) sẽ gia tăng”, ông Nagao nói. Ông cũng cho biết, xung đột hiện tại bắt đầu từ việc Trung Quốc triển khai cơ sở hạ tầng ở biên giới, Ấn Độ xây dựng một con đường và điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến bế tắc hiện tại.

Ông Waghmar cho biết, việc chuyển nước từ Yarlung Tsangpo, có chung nguồn với sông Indus, cũng sẽ tác động bất lợi đến Pakistan khi nó chảy qua khu vực Gilgit-Baltistan vào Punjab, vựa lúa của Pakistan.

Theo tiến sĩ Nagao, để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc ở biên giới, Ấn Độ nên tăng cường khả năng phòng thủ và tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Ông nói: “Ấn Độ nên mời Mỹ, Nhật Bản và Úc tham gia cân bằng quyền lực trong khuôn khổ nếu có thể”.

RELATED ARTICLES

Tin mới