Thursday, November 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam đứng đầu thị trường XK của TQ: Thận trọng...

Việt Nam đứng đầu thị trường XK của TQ: Thận trọng…

Cần thận trọng những chiêu trò lách luật, gian lận thương mại, mượn thị trường để rửa nguồn.

Hàng hóa Việt Nam bị Hàng hóa Việt Nam liên tục ‘dính đòn’ phòng vệ thương mại.

Việt Nam vừa được thống kê là thị trường xuất khẩu đứng đầu của Trung Quốc, chiếm tới 29% kim ngạch xuất khẩu nước này trong 9 tháng đầu năm 2020. Những lý do được đưa ra là do Trung Quốc đã thay đổi trong chuỗi cung ứng mà cụ thể là làn sóng dịch chuyển các nhà máy Trung Quốc tại Hoa Kỳ sang Việt Nam đã khiến cho xuất khẩu linh kiện của Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh.

Trước diễn biến trên, ThS Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương mại đã có phân tích những lợi thế cũng như nguy cơ hàng hóa cũng như nền sản xuất trong nước có thể phải đối diện.

Trước hết vị chuyên gia khẳng định, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc cũng không quá ngạc nhiên, do từ trước tới nay Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu các loại thành phẩm và  nguyên liệu.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất trong nước đình trệ, chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa bị đứt đoạn, hoạt động sản xuất, xuất khập khẩu đi các nước bị giảm sút nghiêm trọng. Thị trường Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là điều cần phải được phân tích kỹ.

Những lý do như Trung Quốc thay đổi chuỗi cung ứng, chuyển nhà máy từ Mỹ sang Việt Nam khiến nhu cầu nhập khẩu linh kiện tăng lên cũng có thể hiểu được, tuy nhiên, điều ThS Nguyễn Bình Minh lo ngại hơn là những chiêu trò lách luật, gian lận thương mại để “rửa nguồn” xuất xứ hàng hóa, mượn thị trường Việt Nam xuất khẩu đi các nước nhằm lách luật quốc tế. Nếu chuyện này xảy ra, Việt Nam sẽ trở thành người bị vạ lây.

Vị chuyên gia cho rằng, đây có thể chính là nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng hàng hóa Việt Nam liên tục “dính đòn” phòng vệ thương mại từ Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều quốc gia khác trong thời gian gần đây mà Việt Nam phải hết sức thận trọng.

Bằng chứng từ thống kê của WTO mới đây cho biết, tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như cả năm 2019 chỉ ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì trong 9 tháng đầu năm 2020 số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc), trung bình 8 ngày 1 vụ việc.

Thống kê cũng cho thấy, đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất…

“Thực trạng trên khiến chúng ta thật sự lo ngại, bởi trong các quy định luôn có những điểm giao thoa khó rạch ròi, nếu bị lợi dụng việc làm sai vẫn sẽ xảy ra.

Tôi lấy ví dụ với quy định về tỉ lệ nội địa hóa để được gọi là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, với quy định này, nhà sản xuất muốn có được tỉ lệ phần trăm sản phẩm nội địa theo ý muốn chỉ cần tăng tỉ lệ gia công một vài linh kiện, phụ kiện là đạt tỉ lệ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, thực tế, linh kiện, nguyên liệu hoàn toàn được nhập khẩu từ nước họ và Việt Nam chỉ là bãi đáp hoàn thiện lắp ráp, hợp thức hóa nhãn mác, nguồn gốc cho sản phẩm để xuất đi. Việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thương hiệu, chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm hàng hóa trong nước khi xuất đi các nước. Một khi uy tín, chất lượng hàng hóa bị nghi ngờ, thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu giảm sút, nền kinh tế cũng bị đe dọa.

Vì thế, Việt Nam cần siết chặt các quy định, tránh tình trạng chuyển đổi công nghệ hình thức, coi Việt Nam là trạm lánh nạn”, vị chuyên gia cảnh báo.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng cần phải thận trọng với xu hướng dịch chuyển chuỗi dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào Việt Nam từ việc nhân danh chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Việc này đòi hỏi cơ quan quản lý phải nâng cao trình độ quản lý cũng như kiên quyết, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ lạc hậu, bắt tay làm liều.

Về phía doanh nghiệp, ThS Nguyễn Bình Minh cho hay, sự xuất hiện thêm một nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ làm sân chơi trong nước bị thu hẹp lại, chật chội hơn, cạnh tranh nhiều hơn cũng khó khăn hơn.

Những vấn đề doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh không chỉ có thị trường mà còn phải chịu áp lực không nhỏ về nguồn nhân lực, giá thành sản phẩm… Vì thế, ngoài việc chờ đợi vào những giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phải thay đổi, tự nâng cao sức sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh để nâng cao sức phòng vệ cho chính sản phẩm của doanh nghiệp khi phải đối diện với những đối thủ cạnh tranh vừa mạnh, vừa lắm chiêu trò.

Bên cạnh những nguy cơ, vị chuyên gia cũng cho biết xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài ít nhiều sẽ tạo ra những cơ hội, nếu doanh nghiệp trong nước nắm bắt tốt chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.

“Nếu việc chuyển đổi các nhà máy là một cuộc chuyển đổi công nghệ mới, hiện đại thì đây sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với những dây chuyền công nghệ mới, tiến tới từng bước làm chủ những công nghệ hiện đại này.

Hơn nữa, khi chuyển đổi cơ cấu, nhà đầu tư có xu hướng mở rộng sản xuất sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, từ đó giúp lao động nâng cao tay nghề, gia tăng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, uy tín cũng như tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trong nước với các quốc gia trên thế giới.

Đó sẽ là những lợi thế có thể phát triển tốt nếu chúng ta có được cơ chế quản lý tốt, chặt chẽ và doanh nghiệp có ý thức để vươn lên”, vị chuyên gia cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới