Chuyên gia quốc tế lo ngại về việc lực lượng hải quân Thái Lan, có dấu hiệu phớt lờ chỉ đạo của chính phủ, để đạt một số thỏa thuận mật với Trung Quốc có thể gây bất lợi cho tình hình Biển Đông.
Tờ Pattaya Mail đưa tin Hải quân hoàng gia Thái Lan vừa tổ chức lễ chào tư lệnh mới là đô đốc Chatchai Sriworakan. Theo đó, đô đốc Luechai Ruddit về hưu từ ngày 30.9 vừa qua.
Thỏa thuận ngầm ?
Dưới thời đô đốc Luechai Ruddit, hải quân Thái Lan đã có nhiều hợp tác sâu rộng về quân sự với Trung Quốc. Theo truyền thông Thái Lan, đô đốc Luechai là người đã bảo vệ cho các kế hoạch mua tàu chiến từ Trung Quốc. Cụ thể là các hợp đồng gồm 3 tàu ngầm lớp Nguyên (Type-039A) và 1 tàu đổ bộ tấn công Type-071 của Trung Quốc. Năm 2017, ông Luechai khi đó đang là tham mưu trưởng hải quân Thái Lan đã đại diện nước này ký kết với Trung Quốc về hợp đồng mua 3 tàu ngầm. Đến năm 2019, ông Luechai cũng là người ký kết hợp đồng mua tàu Type-071.
Đến tháng 8 vừa qua, vì kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, chính phủ Thái Lan tạm hoãn xúc tiến kế hoạch mua 2 tàu ngầm còn lại trong đơn hàng 3 tàu ngầm trên. Thế nhưng, sau khi chính phủ đưa ra quyết định này, đô đốc Luechai được cho là đã gửi thư để ngầm thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tiếp tục xúc tiến việc mua 2 tàu ngầm còn lại.
Cụ thể, vừa qua, tờ Khaosod của Thái Lan đã đăng tải bản chụp bức thư được cho là do đô đốc Luechai gửi cho ông Xu Zhanbin, Cục phó Cục Công nghệ công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Trong bức thư, ông Luechai đề nghị Bắc Kinh cử đại diện bí mật sang Thái Lan trước ngày 30.9 để ký kết các thỏa thuận cần thiết nhằm xúc tiến kế hoạch mua tàu ngầm thứ 2 và 3. Hành động này của ông Luechai bị cho là đi ngược lại chỉ đạo từ chính phủ Thái Lan.
Không những vậy, trong bản sao bức thư, đô đốc Luechai còn đề xuất chiếc tàu Type-071 mà Thái Lan mua cũng được trang bị vũ khí tương đương với các tàu Type-071 của hải quân Trung Quốc. Điều đó, theo ông là giúp tạo ra “biện pháp răn đe chiến lược khi Thái Lan điều động tàu đổ bộ Type-071 hoạt động ở vịnh Thái Lan hoặc ở Biển Đông. Như thế sẽ khiến cho “các bên khác” hiểu rằng tàu Type-071 có khả năng hoạt động xa bờ một cách không giới hạn”.
“Điều đó chứng minh khả năng răn đe và sự sẵn sàng của hải quân Trung Quốc ở Đông Nam Á”, một đoạn khác trong bức thư nêu khi đề cập việc cần để tàu Type-071 của Thái Lan giống với tàu Trung Quốc.
Tàu Type-071 trong một lần tập trận ở Biển Đông Ảnh: Chinamil.com.cn |
Nỗi lo bị Trung Quốc chia rẽ
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng lá thư trên của đô đốc Luechai có nhiều vấn đề đáng bàn.
“Thứ nhất, điều bất thường là việc lực lượng hải quân, chứ không phải chính phủ nước này, đưa ra yêu cầu trực tiếp đến Trung Quốc. Như thế, quan hệ song phương ở trên không phải chính thể quốc gia mà là từ lực lượng quân sự. Điều này đặt ra vấn đề cần nghiêm túc làm rõ về vai trò của quân đội trong chính trường Thái Lan”, PGS Nagy phân tích.
Thứ hai, theo ông Nagy, những gì diễn ra cũng cho thấy rằng Trung Quốc thực tế đang can thiệp vào chính trị nội bộ nước khác, mà điển hình là “vận động hành lang” thông qua quân đội Thái Lan như đã thấy.
Vấn đề thứ ba ông đặt ra là: “Thực tế trên cho thấy ít nhất là từ một bộ phận của quân đội Thái Lan và Trung Quốc đang tích cực phối hợp ở Biển Đông, thậm chí sẵn sàng điều động tàu chiến để giúp Bắc Kinh răn đe ở vùng biển này. Như thế là đi ngược lại với lợi ích của nhiều thành viên ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông”.
“Thực tế này chỉ ra sự đồng thuận của ASEAN đang bị tác động tiêu cực ngay từ bên trong do sự hợp tác giữa quân đội một thành viên với bên ngoài khối, dẫn đến quá trình hoạt động của ASEAN bị suy giảm hiệu quả”, PGS Nagy lo ngại.
Thực tế, nếu “đi đêm” với Bắc Kinh quá sâu, hải quân Thái Lan có thể trở thành “tai mắt” cho Trung Quốc ở phía nam Biển Đông. Thậm chí, qua sự “hữu hảo” mà đô đốc Luechai thể hiện với Trung Quốc trong bức thư trên, dư luận có quyền lo ngại tàu ngầm lớp Nguyên sẽ được hải quân Thái Lan triển khai ở phía nam Biển Đông có thể giúp hải quân Trung Quốc thu thập các dữ liệu về dòng chảy, thông tin môi trường… Đây là những yếu tố quan trọng cho hoạt động tàu ngầm.
Điều đó gây ra rủi ro lớn cho sự ổn định ở Biển Đông – vùng biển mà Trung Quốc đang nuôi tham vọng độc chiếm.