Tất cả các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA hay viện trợ không hoàn lại, đều do một cơ quan điều phối đó là JICA.
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
“Mục đích cuối cùng của các dự án ODA là tạo dựng mối quan hệ tin cậy giữa Nhật Bản và Việt Nam”. Đây là khẳng định của ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
Không chỉ là một trong những nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1993, Nhật Bản cũng luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam, đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với tư cách là cơ quan triển khai các dự án ODA của Nhật Bản, JICA là đơn vị đã trực tiếp thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà JICA ưu tiên triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới, Phóng viên VOV phỏng vấn ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.
Phóng viên: Thời gian qua, JICA đã và đang nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua các hình thức hợp tác như: Hợp tác Kỹ thuật, Vốn vay ODA và Viện trợ không hoàn lại. Ông có thể đánh giá khái quát kết quả sự hợp tác đó của JICA với Việt Nam?
Ông Shimizu Akira: JICA đã nối lại viện trợ ODA cho VN từ năm 1993, tức là đến nay đã gần 30 năm. Tất cả các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA hay viện trợ không hoàn lại, đều do một cơ quan điều phối đó là JICA.
Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cầu cảng, bên cạnh việc cho vay vốn để xây dựng “phần cứng”, chúng tôi cũng chuyển giao các công nghệ về vận hành, đi kèm với việc đào tạo nhân lực để vận hành các công trình này… Nói cách khác, hiện nay chúng tôi kết hợp 3 hình thức hỗ trợ của JICA để tạo ra các dự án có độ sâu về cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” trong các dự án. Và đây cũng tiếp tục là xu hướng hỗ trợ của JICA trong thời gian tới.
Đặc điểm nữa là chúng tôi triển khai các dự án hỗ trợ tùy theo mức độ phát triển của Việt Nam. Ví dụ như ở giai đoạn đầu Việt Nam phát triển kinh tế, các bạn cần xây dựng hạ tầng xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao uộc sống cho người dân, chúng tôi chú trọng vào các hỗ trợ hạ tầng như xây dựng đường sá giao thông, hệ thống pháp luật….
Và khi Việt Nam có năng lực nhất định trong việc phát triển kinh tế, xã hội rồi thì chúng tôi cũng dần dần thay đổi cách tiếp cận trong các dự án hỗ trợ. Chẳng hạn như lĩnh vực y tế, chúng tôi đã từng triển khai hỗ trợ cho các cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, BV Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện TW Huế trong việc xây dựng hoàn thiện hạ tầng cũng như cử chuyên gia sang để hỗ trợ Việt Nam trong việc vận hành và điều hành các bệnh viện này.
Đó là nền tảng mà chúng tôi cho rằng cần hỗ trợ cho Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển. Năm 2003, lúc xảy ra dịch SARS, chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ các cơ sở y tế của Việt Nam xây dựng các phòng thí nghiệm, nghiên cứu để phân tích các yếu tố dịch tễ, đồng thời chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực này và các dự án vẫn được tiếp tục cho đến thời điểm hiện nay.
Trong dịch bệnh Covid-19 lần này, Việt Nam đã kiểm soát khá thành công dịch bệnh và tôi nghĩ rằng, việc hỗ trợ của JICA từ trước đến nay cũng đã góp phần nào đó vào công cuộc chung của Việt Nam trong việc ngăn ngừa và phòng chống dịch Covid-19.
Phóng viên: Năm 2020 là năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Theo ông, những ưu tiên Việt Nam cần làm trong việc kích thích nền kinh tế phát triển ở giai đoạn “bình thường mới” là gì?
Ông Shimizu Akira: Hiện nay, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh Covid-19. Tôi nghĩ các nước đang cố gắng phát triển vaccine nhưng chưa có loại vaccine nào chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh này. Vì vậy, tôi cho rằng, trước mắt, ngoài vấn đề cơ bản là hoạt động thông tin tuyên truyền để phòng bệnh thì làm sao đối phó và đưa ra phương pháp điều trị và đối phó hiệu quả với dịch bệnh này là điều cấp thiết. Nói cách khác, y tế và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực chúng tôi sẽ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Bên cạnh phòng và chống dịch bệnh, việc tiếp tục duy trì các hoạt động thúc đẩy kinh tế cũng là yêu cầu rất quan trọng trong giai đoạn “bình thường mới” này. Tôi nghĩ rằng, để phục hồi và phát triền nền kinh tế thì điều Việt Nam nên hướng tới đó là triển khai các dự án đầu tư công ở giai đoạn này. Bởi vì đầu tư công sẽ tập trung nhiều vào xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản- mảng mà Việt Nam còn đang thiếu. Nếu như ta đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như kích thích nền kinh tế phát triển. Ở khía cạnh này, JICA đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai những dự án như vậy.
Phóng viên: Như ông vừa nói thì JICA sẽ dành ưu tiên vào các dự án ở lĩnh vực y tế và đầu tư công ở Việt Nam trong thời tới. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các trụ cột trong những lĩnh vực đó?
Ông Shimizu Akira: JICA luôn triển khai các dự án theo 3 trụ cột. Đó là hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, trợ giúp cho những người yếu thế hơn trong xã hội và quản trị công. Song song với đó, việc hỗ trợ cho Việt Nam trong phòng chống thiên tai cũng là lĩnh vực chúng tôi quan tâm, đặc biệt khi Việt Nam đang đối phó với mưa lũ ở miền Trung hiện nay.
Còn về hạ tầng, chúng tôi cũng quan tâm đến việc phát triển hạ tầng ở các địa phương để làm sao nâng cao mức sống, sinh kế cho người dân. Đó có thể không phải các dự án hạ tầng quy mô lớn nhưng là hạ tầng phục vụ thiết yếu cho người dân. Đó là những trọng tâm trọng điểm mà JICA sẽ hướng tới.
Phóng viên: Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới chính sách trong việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA. Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của Việt Nam trong việc thực hiện các dự án và liệu còn khó khăn nào đòi hỏi hai bên cùng tháo gỡ hay không?
Ông Shimizu Akira: Khi triển khai các dự án ODA, với cảm nhận của 1 người nước ngoài, tôi thấy rằng các thủ tục vẫn còn nhiều phức tạp. Chẳng hạn như để thực hiện 1 dự án có nhiều hạng mục và mỗi hạng mục đều đòi hỏi phải phê duyệt trong khi đó thủ tục để phê duyệt thì khá phức tạp. Hay như các thủ tục để ký kết hợp đồng cũng khá là mất thời gian.
Tất nhiên, tôi hiểu người Việt Nam phải tuân thủ rất nhiều quy tắc, luật lệ trong việc triển khai, đó là yếu tố để phát triển xã hội nhưng phải chăng chúng ta nên linh hoạt và có độ “mở” để thúc đẩy nhanh cho các bước thủ tục hành chính. Tôi biết rằng, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề đó, như là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho các thủ tục hành chính. Đây là điều tôi kỳ vọng và tôi cũng rất mong chờ từ những sự cải cách này.
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ của mình, ông có kỳ vọng gì vào mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản thông qua các dự án của JICA?
Ông Shimizu Akira: Tôi nghĩ rằng, ODA chỉ là một phương thức hỗ trợ các quốc gia phát triển nhưng mục đích cuối cùng là tạo dựng mối quan hệ tin cậy giữa hai nước. Dù là thông qua các hình thức hợp tác nào, tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa các chương trình đối tác phát triển, giao lưu nhân dân chẳng hạn thông qua đào tạo, du học, giao lưu văn hóa từ đó tạo dựng mối quan hệ tin cậy. Đó là mục đích cuối cùng khi chúng tôi triển khai các dự án hỗ trợ của mình tại Việt Nam.
Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng, trong khi Nhật Bản đã có sự chững lại. Cũng có thể, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp với Nhật Bản. Trong quá trình ấy, thông qua các dự án ODA, hai bên có cơ hội cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển. Có thể nói, Nhật Bản là quốc gia đi theo mô hình phát triển khác với các nước phương Tây.
Mô hình phát triển của Nhật Bản “theo kiểu châu Á” và có thể được các nước trong khu vực nhìn nhận. Chính vì thế, thông qua các dự án của mình, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ những bài học của Nhật Bản, của mô hình “phát triển kiểu châu Á” của chúng tôi cho Việt Nam để cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn.