Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TQ vẫn chật vật lấp đầy “khoảng trống” Mỹ để...

Vì sao TQ vẫn chật vật lấp đầy “khoảng trống” Mỹ để lại?

Những tưởng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ khiến Trung Quốc thuận lợi trong việc lấp đầy khoảng trống Washington để lại, nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn chật vật thực hiện mục tiêu này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại kỳ họp thường niên lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Khoảng trống khó lấp đầy

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, UNESCO và thỏa thuận hạt nhân Iran. Washington cũng thông báo sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và làm tê liệt hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách ngăn việc bổ nhiệm thành viên mới vào Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc, quốc gia cáo buộc Mỹ “nghiện từ bỏ”, đã tiến hành nhiều động thái nhằm thể hiện việc ủng hộ toàn cầu hóa. Các quan chức Trung Quốc đứng đầu 4 trong số 15 cơ quan của Liên Hợp Quốc, đồng thời nước này cũng cam kết sẽ đóng góp cho WHO 2 tỷ USD.

Bắc Kinh còn thúc đẩy hoạt động các thể chế đa phương của mình, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu Carnegie–Tsinghua tại Bắc Kinh: “Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để tận dụng việc Mỹ rút khỏi các tổ chức nhằm thúc đẩy các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gặp khó khăn để chuyển từ sự gia tăng ảnh hưởng sang thành công về chính sách đối ngoại”.

Mặc dù Trung Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19, là một trong những quốc gia đi đầu về quá trình phát triển vaccine nhưng việc không thể xử lý hiệu quả khi dịch bệnh bùng phát giai đoạn đầu ở Vũ Hán đã khiến nước này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, các động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương và Biển Đông, cùng với chính sách ngoại giao “chiến lang” quyết liệt đã làm suy giảm thiện cảm của các nước với Trung Quốc, ngay cả khi các chính sách của Tổng thống Trump được cho là đã làm suy yếu vị thế của Mỹ.

Chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới 5 nước châu Âu nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các đồng minh của Washington, vốn không hài lòng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Trump, đã không thu được kết quả như mong đợi.

Theo quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ phụ trách khu vực châu Á Susan Thornton: “Nhiều người cho rằng việc Mỹ rút khỏi các tổ chức toàn cầu dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc ở khu vực, nhưng điều đáng nói là chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đã làm suy giảm khả năng tận dụng lợi thế trên của quốc gia này”.

Thiện cảm với Trung Quốc ngày càng suy giảm

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế ở các quốc gia khác, trong đó bao gồm cả Mỹ, đã gia tăng trong năm qua.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho hay, hồi tháng 4, một báo cáo nội bộ ở Trung Quốc đã cảnh báo, Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng thù địch gia tăng sau đại dịch Covid-19 khi thái độ chống Trung Quốc trên toàn cầu ở mức cao nhất kể từ năm 1989.

Nếu ông Biden giành chiến thắng, cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, song cũng sẽ hợp tác với các đồng minh và các tổ chức quốc tế theo cách truyền thống hơn. Ứng viên đảng Dân chủ cho biết ông Biden sẽ tiếp tục duy trì sự tham gia của Mỹ trong WHO và tái gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đang “nói nhiều hơn làm”?

Mặc dù gia tăng cả về ảnh hưởng kinh tế và quân sự nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định nước này là một quốc gia đang phát triển và không muốn thay thế Mỹ.

Các quan hệ ngoại giao của nước này có xu hướng mang tính giao dịch nhiều hơn, với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và yêu cầu nhận được cách hành xử tương tự.

Dù vậy, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vấp phải những ý kiến trái chiều và thành công của Trung Quốc khi có một ứng viên trở thành người đứng đầu Interpol đã kết thúc sau khi Chủ tịch cơ quan này – Mạnh Hoành Vĩ bị bắt giữ vì tình nghi nhận hối lộ.

“Những tham vọng cụ thể của Trung Quốc để “lãnh đạo cuộc cải cách hệ thống quản trị toàn cầu” vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những tuyên bố này thường được che đậy bằng những nhận định sáo rỗng và điều đó tức là, phần còn lại của thế giới sẽ phán xét Trung Quốc qua việc theo dõi các động thái của nước này thay vì tin vào những lời hứa hẹn”, Julian Gewirtz, học giả cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới