Friday, January 10, 2025
Trang chủThâm cung bí sửLời sám hối của "kiến trúc sư trưởng" cuộc chiến tranh xâm...

Lời sám hối của “kiến trúc sư trưởng” cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara đã qua đời vào ngày 6/7/2009 tại Washington ở tuổi 94.

Robert Strange McNamara khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Ông chủ một thời của Lầu Năm Góc, đồng thời cũng được coi là tư tưởng gia của cuộc chiến tại Việt Nam, đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ trong giai đoạn 1961-1968 qua hai đời Tổng thống John Kennedy và Lindon Johnson.

Dù phải trải qua không ít những thăng trầm trong cuộc đời, nhưng McNamara trong một thời gian dài từng được coi là một trong những nhân vật có khả năng “hô phong hoán vũ” trên bầu trời chính trị nước Mỹ.

Từ chuyên gia kinh tế tới chính trị gia diều hâu hàng đầu của nước Mỹ

Robert McNamara sinh ngày 9/6/1916 tại San-Francisco, trong gia đình của một giám đốc thương mại bán sỉ giày dép. Năm 1937, McNamara tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp California về chuyên ngành kinh tế. Năm 1939, ông tiếp tục tốt nghiệp Trường kinh doanh Harvard và ở lại đây làm công tác giảng dạy một thời gian.

Năm 1943, McNamara nhập ngũ, phục vụ quân đội trong vai trò chuyên gia phân tích hiệu quả những vụ ném bom của Mỹ, từng tham gia trực tiếp vào việc lên kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản dưới quyền của tướng Curtis LeMay. “Chúng tôi đã đốt đến chết khoảng 100 ngàn công dân Nhật; kể cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em – McNamara tâm sự với đạo diễn Morris trong bộ phim tài liệu đã đoạt giải Oscar của ông này – LeMay đã thừa nhận rằng, điều ông ta đã làm có thể coi là phi đạo đức nếu như bên ông ta bị thua. Nhưng điều gì có thể giúp biến đổi quan niệm phi đạo đức nếu bạn thua trở thành chuyện tốt đẹp nếu bạn thắng?”.

Đến năm 1946, McNamara chuyển ra ngoài làm việc tại Hãng Ford Motors, khi đó đang lâm vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất. Với tài năng và sự quyết đoán, McNamara đã giúp cho hãng này vượt qua được khủng hoảng, để rồi trở thành chủ tịch đầu tiên của Ford Motors mà không phải là thành viên của gia đình nhà Ford vào năm 1960. Tuy nhiên, McNamara chỉ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Ford Motors vỏn vẹn có 5 tuần, trước khi chuyển sang làm Bộ trưởng Quốc phòng theo lời mời của chính quyền John Kennedy.

Ban đầu, Kennedy thật ra định mời McNamara ra nắm chiếc ghế Bộ trưởng Kinh tế, nhưng không biết vì lý do gì đã thay đổi ý kiến. Có những nhà phân tích còn cho rằng, lịch sử đã có thể khác đi nếu như Lầu Năm Góc khi đó không nằm dưới quyền của một quan chức “diều hâu” như McNamara.

Ngay sau khi lên nắm quyền tại Lầu Năm Góc, McNamara đã yêu cầu phải tăng ngay số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ từ 450 lên 950, biện hộ đây là một đối trọng với khả năng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Quyết định này được coi là điểm khởi đầu cho một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới. Những quan điểm diều hâu của McNamara cũng nhận được sự ủng hộ của cả hai ông chủ Nhà Trắng mà ông ta từng phục vụ.

Ngay cả thất bại thảm hại tại Vịnh Con Lợn và cả đòn bất ngờ mà Mỹ phải hứng chịu từ cuộc khủng hoảng tên lửa Caribe chỉ có tác dụng củng cố thêm địa vị của McNamara trong chính quyền Kennedy và người kế nhiệm Lyndon Johnson. Đến năm 1963, McNamara trên thực tế đã trở thành viên bộ trưởng có ảnh hưởng nhất trong nội các, thậm chí còn có tác động rất lớn tới việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong suốt cuộc đời của mình, McNamara luôn được đánh giá là một nhân vật có tài năng – một sinh viên xuất sắc, một nhân viên năng nổ, một chuyên gia lập kế hoạch và nhà tổ chức lãnh đạo tài giỏi – tất cả đã giúp cho ông ta nhanh chóng leo lên những bậc thang cao nhất của đế chế quyền lực tại Washington. Nhưng cuộc chiến tại Việt Nam đã làm mờ đi tất cả những điểm son này.

Vết nhơ từ cuộc chiến Việt Nam

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã được coi là một vết thương không bao giờ liền da đối với McNamara trên cương vị của một nhà tư tưởng chính của hành động phiêu lưu quân sự này. Theo quyết sách của ông ta, quân đội Mỹ đã đổ bộ vào khu vực Đông Nam Á ngay từ những năm đầu tiên của cuộc xung đột quân sự tại Việt Nam, về sau đã leo thang trở thành một cuộc chiến cay đắng và gây chia rẽ nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ – với 58.000 lính Mỹ thiệt mạng cùng vô số những hậu quả lâu dài khác về mặt xã hội.

Uy danh và tiếng tăm của McNamara trên thực tế đã bị chôn vùi tại Việt Nam, khi nhiều người dân Mỹ vẫn coi ông ta là nhân vật chịu trách nhiệm chính của cuộc phiêu lưu nhục nhã và vô ích của quân đội tại đây. Cuộc chiến Việt Nam xét về khía cạnh đối với nước Mỹ có thể coi là “Cuộc chiến của McNamara” vì nó được triển khai chủ yếu theo những chiến lược, chiến thuật, công nghệ, số liệu phân tích, vũ khí và các sơ đồ tổ chức v.v… của chính ông ta để chống lại một đội quân có thành phần chủ yếu là nông dân tại một quốc gia nhỏ bé và kém phát triển. Thế nhưng nghịch lý đã xảy ra khi đội quân nông dân này đã giành chiến thắng.

Trong lần đầu tiên đặt chân tới miền Nam Việt Nam vào năm 1962 (thời điểm Mỹ chưa thực sự đổ quân ồ ạt vào miền Nam), McNamara đã rất tự tin khi tuyên bố, “mỗi một phép đo mang tính định lượng đều cho thấy, chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này!”.

Câu nói trên của McNamara thường được trích dẫn trong những phê phán về sau này nhằm vào ông ta, vì nó được coi như cách tóm tắt rõ ràng nhất cho những ảo tưởng sai lầm của ông ta về cách tiếp cận cuộc chiến. Quân đội Mỹ rõ ràng đã có ưu thế vượt trội trong những trận đánh lớn, và cả trong toàn bộ cuộc chiến theo các số liệu thống kê và so sánh, nhưng kết cục vẫn phải chịu thua, đồng nghĩa với một thất bại lớn nhất trong cuộc đời McNamara.

Là một quan chức có tài năng, McNamara thật ra đã từng bước nhận ra được sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của mình chỉ không lâu sau những tuyên bố huênh hoang ban đầu. Chẳng hạn như ngay sau khi phong trào đấu tranh của Phật giáo làm rung chuyển cơ cấu chính trị của Sài Gòn vào năm 1964, McNamara đã nhận xét rằng, Việt Cộng có được “sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp dân chúng bản địa”, được “liên kết với nhau bởi lòng trung thành”.

McNamara thừa nhận ngay trong nhiệm kỳ của mình tại Lầu Năm Góc rằng, kế hoạch leo thang đánh bom miền Bắc Việt Nam và đường mòn Hồ Chí Minh cũng chẳng thể ngăn cản được quyết tâm của “Việt Cộng”.

Ngay trên thực tế, khi ông ta nói trước Quốc hội rằng, mục đích của việc đánh bom đường mòn Hồ Chí Minh là nhằm giảm bớt sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào miền Nam, nhưng các chuyên gia phân tích của báo chí ngay lập tức đã đưa ra dẫn chứng, biểu đồ số liệu của Lầu Năm Góc còn cho thấy “mức độ xâm nhập của quân Bắc Việt” thậm chí còn tăng lên.

Rồi nhiều năm sau đó, ông ta lại thú nhận đã không thể (hoặc không dám) áp dụng những đánh giá trên vào chính sách để có thể lôi kéo chính quyền Johnson ra khỏi bãi lầy Việt Nam – một lời thừa nhận được nhà báo David Halberstam sau đó đánh giá rằng, McNamara đã trở thành “tù nhân của nền tảng quan niệm chủ quan trước đó của chính ông ta” chính vì không dám dũng cảm thừa nhận và sửa chữa sai lầm của mình.

Bi kịch của McNamara còn thể hiện ở chỗ, con ông ta khi còn là sinh viên đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại chiến tranh Việt Nam ngay cả vào thời điểm cha mình đang là nhân vật hàng đầu điều hành cuộc chiến này.

Hối tiếc!

Từ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 1968, McNamara chuyển sang làm Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) trong suốt 13 năm, được đánh giá cao vì những nỗ lực không mệt mỏi nhằm thuyết phục các nước phát triển đóng góp nhiều hơn để giúp đỡ các quốc gia nghèo đói.

Sau khi rời khỏi vị trí này, McNamara còn tiếp tục lãnh đạo và cố vấn cho nhiều công ty quốc gia và tư nhân khác nhau. Nói chung, McNamara luôn cố gắng tránh những lần hiện diện công khai trước công chúng như tham gia các bài diễn thuyết hay các chương trình truyền hình. Thời gian còn lại được ông chủ yếu tập trung vào những nỗ lực nhằm cải thiện các vấn đề giáo dục, chính phủ và y tế tại Mỹ và nước ngoài.

Theo tờ The Washington Post, thất bại thảm hại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam và phản ứng tiêu cực của người dân Mỹ đối với cuộc chiến này đã ảnh hưởng nặng nề tới phần đời còn lại của McNamara, với tư cách là kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến đẫm máu. Bản thân ông ta không bao giờ cố gắng biện hộ trước những chỉ trích về vai trò của mình trong cuộc chiến. Trong suốt hai thập kỷ kể từ khi rời khỏi Lầu Năm Góc, McNamara luôn tìm cách lảng tránh đề tài Việt Nam trong những tuyên bố công khai của mình.

Mãi tới năm 1995, McNamara lần đầu tiên mới quay trở lại đề tài nhạy cảm này với việc cho xuất bản cuốn hồi ký có nhan đề “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và những bài học từ Việt Nam) thu hút được sự quan tâm của công chúng về cuộc chiến tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong cuốn sách, McNamara đã cay đắng thừa nhận, ông ta và các đồng nghiệp cao cấp của mình đã “sai lầm, thậm chí sai lầm tệ hại” khi theo đuổi cuộc chiến này. Ngoài một loạt những sai lầm về chiến lược và chiến thuật, McNamara cũng thú nhận dù đã nhận ra cuộc chiến Việt Nam là hoàn toàn vô ích, nhưng không đủ can đảm để thuyết phục Tổng thống Johnson quay đầu lại.

Đến năm 1999, McNamara tiếp tục cho ra mắt cuốn sách tiếp theo, tiêu đề của nó – “Argument Without End: In Search of Answers to the Vietnam Tragedy”. (Tranh luận chưa có hồi kết: Tìm kiếm câu trả lời cho bi kịch Việt Nam) – cũng đủ cho thấy, ông ta đã trăn trở thế nào mà vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho thất bại cay đắng nhất trong sự nghiệp của mình.

Năm 2003, đến lượt đạo diễn Errol Morris đi sâu vào phân tích vai trò của McNamara trong cuộc chiến Việt Nam bằng cuốn phim tài liệu “The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara” (Sương mù của cuộc chiến: 11 bài học từ cuộc đời của Robert McNamara) về sau đã được nhận giải Oscar.

RELATED ARTICLES

Tin mới