Hải quân Mỹ bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình sản xuất tàu ngầm hạt nhân, sẽ thách thức vị trí dẫn đầu của Mỹ trong cuộc chiến ngầm ở khu vực.
Trong báo cáo thường niên năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ rõ sự phát triển của quân đội Trung Quốc, trong đó đánh giá về khả năng Bắc Kinh sẽ gia tăng sức mạnh tàu ngầm.
Theo phân tích các bức ảnh vệ tinh, Bắc Kinh đã hoàn thành việc mở rộng quy mô nhà máy đóng tàu Bột Hải, nằm ở tỉnh Liêu Ninh. Nhà máy này chuyên đóng các tàu ngầm hạt nhân cho quân đội Trung Quốc. Do đó, Hải quân Mỹ lo ngại về sự gia tăng tốc độ đóng tàu ngầm hạt nhân của nước này trong thời gian tới ở khu vực tây Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tàu ngầm Trung Quốc đe dọa hạm đội Mỹ
Trở ngại lớn nhất của Hải quân Mỹ khi tiếp cận Trung Quốc từ Tây Thái Bình Dương qua Biển Hoa Đông và Biển Đông là những tên lửa tầm xa của Bắc Kinh được bố trí dọc bờ biển. Ngoài ra, mối nguy hiểm khác xuất hiện từ các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.
Hiện nay, trong biên chế Hải quân Trung Quốc có các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm diesel-điện.
Theo đó, lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế để trả đũa trong trường hợp bị Mỹ tấn công hạt nhân. Lực lượng này không tham gia trực tiếp vào việc chống Hải quân Mỹ tiếp cận vùng biển của Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng cũng được trang bị tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên mặt đất, thậm chí có thể vươn tới căn cứ Apra Harbour ở đảo Guam, căn cứ Yokosuka và căn cứ Sasebo ở Nhật Bản.
Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng 6 tàu ngầm tấn công Type 09III, di chuyển đến Tây Thái Bình Dương và tấn công các đơn vị Hải quân Mỹ ở đó. Ở biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc có ít nhất 48 tàu ngầm diesel-điện (loại 039C, 039A, 039 và tàu ngầm lớp Kilo) có thể tổ chức phục kích và tấn công tàu chiến Mỹ.
Sức mạnh tàu ngầm Mỹ bị phân tán
Mỹ hiện không sử dụng tàu ngầm diesel-điện, chỉ có tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Theo đó Hải quân Mỹ có 36 tàu ngầm loại Los Angeles đang bắt đầu lạc hậu, 3 tàu ngầm hạng nặng lớp Seawulf và 19 tàu ngầm mới nhất lớp Virginia. Ngoài ra, Mỹ cũng sở hữu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Tổng cộng Washignton sở hữu 60 tàu ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf (SSN 21) của Hải quân Mỹ.
Trong chiến lược quân sự hiện nay của Mỹ, Trung Quốc và Nga là những đối thủ chính. Iran cũng được coi là đối thủ trong điều kiện thứ yếu. Vì vậy Washington không thể tập trung tất cả các tàu ngầm về hướng Tây Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và Biển Đông, nhằm vào Trung Quốc.
Hải quân Mỹ cần kiềm chế sự trỗi dậy của Hải quân Nga ở nhiều khu vực và ngăn chặn Iran ở Vùng Vịnh. Do đó các tàu ngầm Mỹ phải tuần tra khắp khu vực Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.
Trong số các tàu ngầm tấn công của Mỹ, 24 chiếc hiện đang neo đậu tại bờ biển Thái Bình Dương (Trân Châu Cảng ở Hawaii, cảng Apra ở Guam, Bremerton ở bang Washington và San Diego ở California). Trong đó có 17 tàu lớp Los Angeles, 3 tàu lớp Seawulf và 4 tàu lớp Virginia.
24 tàu ngầm tấn công này được phân bố để thực hiện nhiệm vụ bao đảm an ninh và ngăn chặn Hải quân Trung Quốc trong khu vực rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương đến Hoa Đông và Biển Đông. Các tàu ngầm này cũng thường làm nhiệm vụ bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay và tuần tra khu vực từ phía Bắc Thái Bình Dương đến Bắc Băng Dương, cũng như Ấn Độ Dương.
Do các tàu này cần được bảo dưỡng hoặc sửa chữa, nên Hải quân Mỹ chỉ có thể sử dụng tối đa 18 tàu ngầm trong cùng một thời điểm. Từ đó cho thấy, lực lượng tàu ngầm Mỹ bị phân tán và gặp một số hạn chế nhất định trong quá trình tác chiến trên biển.
Trung Quốc thách thức Mỹ trên biển
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể triển khai 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Đây là con số nhỏ so với số lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, khi Washignton có thể sử dụng ít nhất 12 tàu ngầm tấn công cho các hoạt động nhằm vào Trung Quốc. Do đó, hiện tại, người Mỹ đang có lợi thế trước Trung Quốc về tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, Mỹ không có tàu ngầm diesel-điện, trong khi Trung Quốc sở hữu hơn 48 chiếc. Trong những năm gần đây, tàu ngầm diesel-điện hiện đại đã có nhiều tiến bộ công nghệ, và thực hiện các cải tiến thiết kế phục vụ cho nhiệm vụ tấn công.
Hai tàu ngầm hạt nhân Type 094A của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Mỹ là quốc gia không có tàu ngầm thông thường trong vài thập kỷ, song gần đây hải quân nước này đã lên tiếng ca ngợi các tàu ngầm diesel-điện mới nhất (ví dụ như tàu Soryu của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản). Có nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ cũng cần có các tàu ngầm thông thường này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất Mỹ không còn có thể chế tạo tàu ngầm diesel-điện nữa, vì công nghệ gần đây họ sử dụng chỉ dành cho tàu ngầm hạt nhân.
Ngay cả khi Lầu Năm Góc nắm quyền chỉ huy tất cả các tàu ngầm thông thường của Nhật Bản (22 chiếc) theo Hiệp ước Hợp tác và tương trợ an ninh, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, với số lượng tàu ngầm diesel-điện áp đảo.
Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây đã lên tiếng về việc cần tăng cường sức mạnh tàu ngầm hạt nhân cho Hải quân Mỹ.
Theo sáng kiến của ông Esper, hai nhà máy đóng tàu General Dynamics Electric Boat và Newport News Shipbuilding cần tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba sản lượng. Sau đó, trong 10 năm tới, hơn 30 tàu ngầm sẽ được chế tạo, và hạm đội Mỹ sẽ có hơn 90 chiếc.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội và Văn phòng Kiểm toán liên bang đã cho thấy sự sụt giảm năng suất của các xưởng đóng tàu tư nhân đóng và sửa chữa tàu ngầm, tàu thủy. Thời hạn hợp đồng không được tôn trọng và điều này có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến Hải quân Mỹ. Vậy nên, ý tưởng của ông Esper sẽ khó thành hiện thực.
Trong khi đó, sự tăng tốc sản xuất tàu ngầm tại nhà máy đóng tàu Bột Hải của Trung Quốc đã được minh chứng cụ thể. Trước đây, nhà máy này chỉ có một xưởng sản xuất tàu ngầm hạt nhân, nhưng hiện nay đã xuất hiện thêm 2 xưởng, để có thể chế tạo đồng thời hai tàu ngầm cùng một lúc. Nhà máy đóng tàu Bột Hải sẽ có thể đóng đồng thời 4 hoặc 5 tàu ngầm hạt nhân (còn tàu diesel-điện sẽ do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Wuchang ở Vũ Hán sản xuất).
Do đó, trong tương lai gần, sẽ có nhiều tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc thách thức Hải quân Mỹ trong khu vực từ Tây Thái Bình Dương đến Biển Đông.