Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinSự thật về những cuộc thăm dò bầu cử ở Mỹ

Sự thật về những cuộc thăm dò bầu cử ở Mỹ

Theo nhận định của The Hill, Tổng thống Trump không chỉ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 mà thậm chí còn thắng lớn.

Nhận định này trái ngược hoàn toàn với kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở thời điểm hiện tại. The Hill nhận xét, phần lớn các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước và có khả năng giành chiến thắng, thế nhưng có ít nhất 3 vấn đề nổi lên ở đây.

3 yếu tố tác động đến các cuộc thăm dò

Trước hết là cách đặt câu hỏi. Các bằng chứng quan trọng từ tâm lý học hành vi cho thấy cách một câu hỏi được đặt ra có thể quyết định xu hướng trả lời tiềm năng. Trên thực tế, tổ chức thăm dò Gallup nhận thấy rằng, những người được khảo sát có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau hoặc giống nhau đối với những câu hỏi về cùng một chủ đề dựa vào ngôn ngữ được sử dụng. Và việc dùng phép ẩn dụ đôi khi sẽ khiến sự khác biệt giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa trở nên mờ nhạt hơn.

Mặt khác, những người được hỏi thường có xu hướng đưa ra những câu trả lời phù hợp với mong muốn của xã hội. Điều này đã từng xảy ra trong các cuộc thăm dò trước bầu cử năm 2016. Hầu hết mọi người không thích sự đối đầu, vì thế giải pháp đơn giản nhất, dù không phải tốt nhất, là tránh điều đó.

Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến thương mại… việc công khai ý định ủng hộ ông đôi khi có thể đi ngược lại với ý kiến của dư luận. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Cato cho biết, gần 2/3 người dân Mỹ nói rằng môi trường chính trị quá khắc nghiệt đến mức họ không muốn bày tỏ ý kiến thực sự của mình trong vấn đề này.

Thứ hai là việc lựa chọn đối tượng thăm dò. Việc lựa chọn ai sẽ trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, khu vực sinh sống và các yếu tố nhân khẩu học khác. Hơn nữa, nhóm người được hỏi không nhất thiết phải giống nhóm người có khả năng đi bỏ phiếu. Mặc dù các cuộc thăm dò được phép sai số, nhưng kết quả sẽ không đáng tin cậy nếu về cơ bản các đối tượng được lựa chọn không phản ánh một bộ phận lớn dân số. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tự sàng lọc là yếu tố chính góp phần gây ra thất bại của các cuộc thăm dò trong cuộc bầu của năm 2016.

Bên cạnh đó, sự thiếu tin tưởng các tổ chức thăm dò cũng dẫn đến tỷ lệ những người ủng hộ ông Trump đưa ra câu trả lời chính xác thấp hơn. Công ty thăm dò Rasmussen nhận thấy rằng, 17% cử tri Mỹ có khả năng “ủng hộ mạnh mẽ” công việc của Tổng thống Trump không muốn để lộ cho người khác biết họ dự định bỏ phiếu như thế nào trong cuộc bầu cử sắp tới. Trái lại, chỉ 8% những người có khả năng “phản đối mạnh mẽ” công việc của Tổng thống Trump có ý định như vậy.

Việc có một mẫu thăm dò đại diện cho đủ thành phần đi bỏ phiếu sẽ giúp ích đáng kể. Chuyên gia Robert Cahaly của tổ chức Trafalgar lý giải cách thức họ làm việc để lựa chọn mẫu tối thiểu gồm 1.000 cử tri tham gia cuộc thăm dò. Chuyên gia này cho biết họ đã kiên trì theo đuổi “những cử tri ủng hộ ông Trump thầm lặng” để có kết quả chính xác nhất. Trafalgar là một trong những tổ chức thăm dò bang chiến địa thành công nhất trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nói về quá trình làm việc, ông Cahaly cho biết: “Chúng tôi sẽ không tiến hành cuộc thăm dò khi có ít hơn 1.000 người tham gia. Nếu như bạn chỉ lựa chọn từ 400 đến 600 người cho một tiểu bang thì sai số của bạn quá lớn”.

Thứ 3 là những vấn đề thời sự trong thời điểm bầu cử. Những sự kiện diễn ra trong thời gian 2 ứng viên tranh cử sẽ có ảnh hưởng lớn đến thái độ các cử tri, đặc biệt là ở các bang dao động. Chẳng hạn như bê bối thư điện tử cá nhân của Hunter Biden – con trai ứng cử viên Joe Biden, cùng những cáo buộc liên quan đến giao dịch làm ăn của nhân vật này có thể giúp ông Trump xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử. Hơn nữa, nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi thì tin tức tốt này sẽ mang lại lợi thế lớn cho ông Trump.

Kết quả có thể không phản ánh đúng thực tế

Cần phải nhắc lại rằng, không một cuộc thăm dò dư luận nào là hoàn toàn chính xác. Đó là lý do tại sao RealClearPolitics thực hiện thêm một bước khác là “tính trung bình” các kết quả của các tổ chức thăm dò dư luận. Thế nhưng phương pháp này chỉ đúng khi có nhiều kết quả trái ngược nhau. Nếu đa số kết quả đưa ra đều theo cùng một hướng, thì “mức trung bình” vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.

Một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy 56% số người được hỏi nói rằng tình hình tài chính của họ tốt hơn so với 4 năm trước đây. Điều này đã gây bất ngờ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn lây lan mạnh mẽ và sự phân cực về chính trị ngày càng sâu sắc hơn tại nước Mỹ. The Hill đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn về dữ liệu của Gallup kết hợp với số liệu về cử tri đăng ký bầu cử ở 8 bang dao động. Kết quả là, ở những bang mà các cử tri cho biết họ có tài chính vững mạnh hơn, có xu hướng bỏ phiếu cho ông Trump nhiều hơn ông Biden.

Tiếp đến là số lượng cử tri đăng ký bầu cử. Chẳng hạn tại bang Pennsylvania, tính đến tháng 5 vừa qua, số lượng cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đăng ký bầu cử nhiều hơn số lượng cử tri của đảng Cộng hòa là 803.427 người. Tuy nhiên, khoảng cách này đã thu hẹp xuống còn 700.853 người vào tháng 10. Xu hướng tương tự đang diễn ra ở Bắc Carolina và Florida. Trên thực tế, đảng Cộng hòa thu hút được số lượng cử tri đi bầu nhiều hơn gấp 7 lần so với đảng Dân chủ kể từ năm 2016.

The Hill cho biết, các cuộc khảo sát sẽ giúp ích chỉ khi người được hỏi nêu rõ ý kiến của họ và khi các đối tượng được lựa chọn đại diện cho đông đảo các cử tri đi bỏ phiếu, còn nếu không, chúng sẽ dẫn đến những đánh giá sai lầm. Như những gì mà cuộc bầu cử năm 2016 đã chứng minh, kết quả các cuộc thăm dò dư luận có thể không phản ánh đúng thực tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới