Saturday, December 28, 2024
Trang chủQuân sựMỹ triển khai tên lửa siêu thanh ở Âu - Á để...

Mỹ triển khai tên lửa siêu thanh ở Âu – Á để kiềm chế Nga – Trung

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Washington đang xem xét bố trí các tên lửa siêu thanh ở châu Âu và Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Nga – Trung.

Mỹ sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nếu cần thiết để kiềm chế Nga – Trung. Tuyên bố này được Cố vấn Tổng thống Mỹ về An ninh quốc gia Robert O’Brien đưa ra tại Viện Washington Hudson hôm 28/10.

“Chúng tôi đã rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) và chế tạo ra vũ khí siêu thanh. Chúng tôi đang xem xét bố trí các hệ thống tên lửa đạn đạo này, nhằm đảm bảo an ninh của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi, đồng thời kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi sẽ triển khai các tên lửa tương tự, nếu cần, ở châu Âu để kiềm chế Nga”, cố vấn Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Theo ông O’Brien, Washington có thể thực hiện các bước tương tự ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc, quốc gia không tham gia Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Bắc Kinh cũng “triển khai hàng nghìn tên lửa” nhằm vào “các đồng minh của Mỹ”, cũng có thể sử dụng để chống lại Hải quân Mỹ trong khu vực.

“Họ đã làm điều này bằng cách lợi dụng việc chúng tôi bị giới hạn bởi một thỏa thuận với Nga, mà Trung Quốc không bị giới hạn”, ông O’Brien cho biết. “Do đó, Tổng thống đã quyết định rằng, chúng ta sẽ không để an ninh quốc gia bị đe dọa vì Hiệp ước INF”, ông O’Brien nói.

 Cố vấn Mỹ cho rằng bằng cách triển khai những vũ khí siêu thanh này, Washington không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, mà còn giúp tiến hành các cuộc đàm phán thực sự về kiểm soát vũ khí trong tương lai. Ông O’Brien dẫn minh chứng tương tự như bối cảnh những năm 1980, khi Mỹ triển khai tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu, buộc Liên Xô ngồi xuống bàn đàm phán và đồng ý thảo luận việc ký Hiệp ước INF.

Bình luận về triển vọng gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), theo ông O’Brien, Nga và Mỹ sẽ gia hạn START-3 trong 1 năm, nếu hai nước có thể giải quyết các vấn đề liên quan.

“Chúng tôi đang thực hiện quy trình xác minh trong khoảng thời gian một năm nay. Nếu vấn đề xác minh được giải quyết, tôi nghĩ hai bên có thể đi đến một thỏa thuận”, ông O’Brien nói. Đồng thời, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đảm bảo rằng Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận, và tin tưởng rằng điều này đáp ứng lợi ích của cả Matxcơva và Washington.

Ông O’Brien cũng thừa nhận rằng Tổng thống Donald Trump và toàn bộ chính quyền Mỹ “không nhiệt tình” với START-3, khi tin rằng nó “xa thực tế”, vì không bao gồm kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Cố vấn Mỹ một lần nữa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc từ chối tham gia quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng Nga – Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới