Theo EurAsian Times, chính quyền Tổng thống Trump đã dùng đủ mọi cách để vũ trang cho Đài Loan, từ đó “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến với Trung Quốc.
Trong lúc Mỹ ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng với Đài Loan, Trung Quốc đang tích cực vũ trang cho một trong những đối thủ lớn nhất của Mỹ.
Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt thỏa thuận bán 66 tiêm kích F-16 mới cho Đài Loan, sau khi thông qua thỏa thuận cung cấp 108 xe tăng M1A2T Abrams, tên lửa Stinger và một số trang thiết bị khác cho Đài Bắc. Thỏa thuận mới nhất đạt được giữa hai phía bao gồm cả các tên lửa chống tàu Harpoon trị giá 2,4 tỷ USD.
Trước đó, dù liên tục đưa ra các cảnh báo để phản đối những thỏa thuận vũ khí này, Bắc Kinh vẫn không ngăn cản được Đài Bắc. Tuy nhiên giờ đây, Trung Quốc đã tìm ra một phương thức mới để “chọc tức” Mỹ, đó là vũ trang cho đối thủ Latinh của Washington – Venezuela.
EurAsian Times cho hay, Trung Quốc là “chủ nợ” lớn nhất của Caracas – quốc gia đang ngày càng gặp bất ổn về chính trị và kinh tế.
Trong những năm gần đây, giữa hai phía không phát sinh thêm hoạt động cho vay tín dụng mới nào. Song, mối quan hệ ở mức thấp chưa từng thấy giữa Mỹ-Trung hiện nay có thể thúc đẩy Bắc Kinh hăng hái hậu thuẫn Caracas bằng cách cung cấp khí tài và trang bị.
Trước đó, Moscow đã bán nhiều loại vũ khí tiên tiến cho Venezuela, còn Trung Quốc mới cung cấp nhiều vũ khí nhỏ lẻ và trang bị tổng quát. Giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế đang lao dốc và đại dịch toàn cầu, Caracas đã quyết định tăng cường trang bị vũ khí Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã chấp nhận bán cho Venezuela một loại tên lửa đáng gờm.
Gần đây, một đoạn video tuyên truyền do chính phủ Venezuela công bố đã cho thấy sự xuất hiện của tên lửa hành trình chống tàu cận âm C-802A của Trung Quốc. Trong đoạn video, tên lửa C-802A được phóng đi từ một tàu chiến.
Thỏa thuận mua tên lửa của Trung Quốc đã được Caracas thông báo trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bộ chỉ huy Chiến lược Venezuela. Tại buổi lễ này, Tổng thống Maduro còn tuyên bố về việc Venezuela sẽ tự phát triển vũ khí phòng thủ.
“Chúng tôi có mọi thứ chúng tôi cần để tạo ra hệ thống vũ khí của riêng mình, trong khi vẫn duy trì hợp tác với Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran và toàn thế giới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp nhận từ họ những sự hỗ trợ về khoa học, công nghệ, một số yếu tố liên quan tới vũ khí, và tất nhiên là cả những sự trợ giúp mang tính chiến lược, nhưng chúng tôi cần tiến tới mục tiêu độc lập” – Ông Maduro nói.
Cây viết H I Sutton trên trang tin USNI News chỉ ra rằng, đoạn video về tên lửa C-802A được ông Maduro chia sẻ trên twitter thực chất được cắt ra từ cảnh quay một vụ thử nghiệm loại tên lửa này của Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN). Vụ phóng được thực hiện từ khinh hạm HTMS Kraburi của RTN.
Tuy nhiên, điều này không hẳn có nghĩa Trung Quốc chưa cung cấp hệ thống tên lửa cho Venezuela. Sutton dẫn các nguồn tin mở cho biết, các tên lửa C-802A có vẻ sẽ được trang bị trên các tàu tuần tra lớp Guaiquerí của Venezuela.
Ngoài Nga và Trung Quốc, Caracas cũng có mối quan hệ thân thiết với Tehran. Bên cạnh vũ khí, Iran cũng đang tích cực tăng cường quan hệ thương mại với Venezuela.
Mặc dù không rõ Venezuela sẽ làm cách nào để chi trả cho tên lửa Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu về dầu thô của Bắc Kinh có thể tạo ra một sự trao đổi có lợi cho cả 2 phía.
Bắc Kinh vốn là khách hàng lâu năm của Caracas. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 350.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Venezuela.
Theo báo cáo của Reuter, vào năm ngoái, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu số 1 từ Venezuela- một mặt trận khác trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh.