Ngày 5/11, Quốc hội tiếp túc ngày làm việc thứ 3 để thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước…
Tại đây, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nhận định, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thiên tai, dịch bệnh để đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Đáng chú ý, ông Cường nhấn mạnh hai chỉ số quan trọng trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 là chỉ số phát triển con người (HDI) và thu nhập bình quân đầu người/GDP.
Mục tiêu các tập đoàn lớn là trụ cột chuỗi giá trị
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để đánh giá chính xác thành tựu kinh tế – xã hội trong 5 năm, cần chia rõ 2 giai đoạn là trước Covid-19 và trong giai đoạn Covid-19. Cụ thể, trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe người dân, song Việt Nam vẫn là “ngôi sao sáng” trên toàn cầu với mức tăng trưởng dương.
Đại biểu Cường khẳng định, với những kết quả trên, Việt Nam có quyền ước mơ với mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Ông Cường cho hay, nếu nước ta đạt tăng trưởng 6,5-7%/năm thì có khả năng tăng gấp đôi sau 10 năm. Theo đó, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt 7.000 – 8.000 USD, đến năm 2045 có thể đạt 20.000 – 25.000 USD.
Đại biểu cường phát biểu, kinh nghiệm của các quốc gia đã “cất cánh” đó là cần có giai đoạn tăng trưởng rất cao (10%/năm). Điều này là nhờ vào tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, lấy các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.
Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mức chi cho giáo dục của một sinh viên đại học lớn ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/10-1/15 sinh viên ở các quốc gia phát triển, nhưng trình độ của sinh viên Việt được đánh giá tương đương (trừ ngoại ngữ). Do vậy, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đại học là lĩnh vực có hiệu quả cao nhất. Đại biểu Cường chỉ ra, cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học để có thể có nhiều trường ngang tầm quốc tế.
Ngoài nguồn vốn FDI, ông Cường cũng cho rằng cần xem xét việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, dù điều này sẽ dẫn đến việc tăng tỷ lệ nợ công. Từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Chính sách KHCN mới cần phù hợp với khu vực miền núi
Liên quan đến các chiến lược khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn) cho biết cần nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật, quy hoạch phù hợp. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc hỗ trợ cải tạo nhà ở của người dân vùng thoát lũ, xả lũ…
Theo ông Nguyễn Lâm Thành, tại khu vực miền núi, phát triển sản xuất đã đạt ngưỡng. Do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN để chuyển đổi về chất tại những “điểm sáng” như Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn. Song, hiện nay vẫn chưa có quy trình khép kín từ nghiên cứu đến triển khai, kết nối thị trường tạo nên chuỗi sản xuất, chuỗi quản lý. Do vậy, ông Thành đề nghị sửa đổi luật KHCN, có chính sách phù hợp cho khu vực miền núi…