Biển Đông là một trong những vấn đề ưu tiên của Mỹ tại Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới, theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Đại sứ Atul Keshap.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan dự kiến sẽ được tổ chức trực tuyến từ 12-15/11 tới. Tại Hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và các đối tác sẽ cùng thảo luận về các vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới.
Trước thềm Hội nghị, Đại sứ Atul Keshap, phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đã có bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các ưu tiên của Mỹ. Bài phát biểu được đưa ra tại hội thảo chuyên đề trực tuyến của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Mỹ (CSIS).
Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Đại sứ Keshap khẳng định: “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và với các ưu tiên của các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
“Nó dựa trên các nguyên tắc thúc đẩy hòa bình và an ninh, bao gồm sự minh bạch, công bằng thương mại và có đi có lại, tuân thủ luật pháp quốc tế, an ninh năng lượng, cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Tầm nhìn nhất thiết phải là tầm nhìn dài hạn, nhưng Mỹ luôn chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các nhu cầu trước mắt của khu vực. Năm nay và trong năm tới, những nhu cầu trước mắt đó tập trung vào việc ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19″, ông nói.
Cùng với các nỗ lực song phương để đảm bảo an ninh và thịnh vượng kinh tế của khu vực, Mỹ công nhận tầm quan trọng của các diễn đàn như EAS, với ASEAN là trung tâm.
COVID-19
Tại EAS, Mỹ sẽ thảo luận về những tiên phong của nước này trong lĩnh vực y tế công cộng và hỗ trợ nhân đạo. “Chúng tôi đã đầu tư hơn 20 tỷ USD cho cuộc chiến quốc tế chống lại COVID-19. Và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng có vaccine an toàn và hiệu quả và có sẵn càng nhanh càng tốt”.
Bên cạnh đó, Mỹ dự kiến đề cập hoạt động hợp tác với ASEAN trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, xung quanh các chương trình và dự án y tế công cộng rộng lớn của Mỹ trong khu vực.
Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương trong việc hỗ trợ ứng phó COVID-19.
Biển Đông: Mỹ ủng hộ UNCLOS
Theo ông Keshap, Mỹ tiếp tục lên án các yêu sách hàng hải trái pháp luật của Bắc Kinh ở Biển Đông và sự đe dọa của họ đối với các quốc gia ven biển ASEAN là “không thể chấp nhận được”.
Đại sứ Mỹ nhắc lại các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc về việc không có ý định theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng lại đi ngược tuyên bố với hàng loạt động thái khiêu khích, “để khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển mà Bắc Kinh không có yêu sách hàng hải hợp pháp”. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thường xuyên quấy rối tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ và phát triển của các quốc gia láng giềng.
“Vào tháng 6, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh rằng giải quyết các tranh chấp trên biển như thế này và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Chúng tôi ủng hộ điều đó”.
Mekong
Về Mekong, Mỹ dự định nêu lên những quan ngại xung quanh việc Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thủy văn và cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc kiểm soát dòng chảy. “Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích ASEAN coi khu vực Mekong trở thành trung tâm cho sự thịnh vượng và lợi ích tập thể của họ, như họ đã làm với Biển Đông”.
Các vấn đề quan tâm khác của khu vực và thế giới cũng sẽ được Mỹ dự định đề cập là Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Triều Tiên, Rakhine.