Dù độ che phủ rừng đạt tới 42% với 14,6 triệu ha đất có rừng vào năm 2019, nhưng rừng nguyên sinh ở Việt Nam còn nguyên chỉ có 0,25%.
Diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên đang giảm dần từng năm.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong hai ngày 11 và 12/11, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực (Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ), nhận định:
“Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%”.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết toàn quốc hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có 3,95 triệu ha rừng tự nhiên, 0,69 triệu ha rừng trồng.
Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019, và diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng tăng nhẹ từ 0,61 triệu ha năm 2010 lên 0,69 triệu ha năm 2019.
Tính tới thời điểm hiện tại, dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy diện tích rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình là trên 1 triệu ha (chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên).
Như vậy, có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.
Trước đó, trong phần tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp vào chiều 5/11, bà Ksor H’Bơ Khăp dẫn con số ông Nguyễn Xuân Cường báo cáo về thành tích gây rừng và cho biết nó “vô lý và sai sai”.
Bà Ksor H’Bơ Khăp chất vấn: “Bộ trưởng nói từ lúc 9 triệu lên 14 triệu (ha rừng), nhưng con số đó rất là vô lý và có cái gì đó thực sự là sai sai. Mỗi kỳ họp chúng ta liên tục được nghe những dự án, công trình để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ – đó là rừng tự nhiên, thì làm gì có con số 14 triệu đấy?”.
Nữ đại biểu này cho biết cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó được hết. Cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc. Tôi nghĩ, Bộ trưởng cần nghiên cứu lại dự án này cần điều chỉnh như thế nào với các cây gỗ rừng tự nhiên”.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp báo cáo, rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Từ chỗ 9 triệu ha năm 1990, đến nay diện tích rừng ở Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu. Ông Cường cho rằng “đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”.
Trong phiên chất vấn ngày 3/11, ông Cường cũng gây tranh cãi khi phát ngôn “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hoá học đã huỷ hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung”.