Với rất ít dấu hiệu cho thấy Trump sẽ rời Nhà Trắng một cách êm thắm sau khi thất cử, giới chuyên gia và cựu quan chức Mỹ thấy nguy cơ ngày càng cao ông có thể có những động thái vào phút chót nhằm thúc đẩy các ưu tiên của mình, đồng thời trói tay người kế nhiệm.
Giới phân tích cho rằng, nếu Trump quyết định gây tiếng vang trước khi rời Nhà Trắng, có thể trọng tâm nằm ở chính sách đối ngoại, đặc biệt là sử dụng những công cụ mà ông có thể triển khai nhanh chóng và ít gặp trở ngại. Trong đó bao gồm các lệnh hành pháp, những cơ quan ra quy định hoặc bổ nhiệm những vị trí mà không cần Thượng viện thông qua, hoặc chuyển các vị trí bổ nhiệm chính trị sang làm công chức sự nghiệp khó thay thế.
South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia bình luận rằng Trung Quốc có thể nằm trong tầm ngắm, và là một mục tiêu cụ thể, khi mà Trump liên tục đổ trách nhiệm cho Bắc Kinh vì đại dịch đã kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống và làm tiêu tan triển vọng tái đắc cử của ông.
Giám đốc tại China Moon Strategies cũng là Cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia – Jeff Moon – người người nhận thấy khả năng cao chính quyền Trump sẽ có các động thái trừng phạt Bắc Kinh vào phút chót đặt câu hỏi:
“Ông Trump từng hứa sẽ trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19, vì vậy vấn về nằm ở chỗ điều này nghĩa là gì”.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Nhưng một cách có thể làm tệ đi quan hệ Mỹ – Trung vốn đã ảm đảm, và làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Biden trong việc cải thiện hợp tác song phương về các vấn đề sức khỏe và môi trường toàn cầu, có thể liên quan đến vấn đề Đài Loan. Các lựa chọn của Trump có thể bao gồm cử một thành viên nội các khác đến Đài Bắc, thắt chặt mối quan hệ quân sự Mỹ – Đài Loan và thông báo đàm phán hướng đến một hiệp định thương mại tự do.
Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét: “Nhìn chung thì điều này đúng. Họ đang cố gắng đóng đinh nhiều chính sách khó đảo ngược nhất có thể, dù đó là Trung Quốc, Iran hay bất kỳ đâu”.
Vấn đề nhân quyền sẽ là một mục tiêu dễ dàng khác. Ngoài việc thực hiện một bước có khả năng gây bùng nổ khi gán cho Trung Quốc tội “diệt chủng” về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trump có thể chặn thị thực của nhiều quan chức Trung Quốc hoặc gây rắc rối bằng cách hạ lệnh cho các vận động viên Mỹ không tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022.
Mặc dù các lệnh hành pháp này không có giá trị ràng buộc pháp lý và có thể dễ dàng đảo ngược, nhưng nó có thể gây khó khăn cho chính quyền sắp tới của Biden giữa bối cảnh có nhiều lo ngại việc dỡ bỏ các lệnh này sẽ khiến Biden trông mềm mỏng. Việc đảo chiều nhanh chóng các quyết định cũng làm hạ uy tín vốn đã bị tổn hại của Mỹ với tư cách là đồng minh cũng như đối thủ.
Thêm vào bức tranh ảm đạm là mối quan ngại và lo lắng về mặt chính sách ngày càng lớn của người Mỹ giữa lúc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông, răn đe Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á cũng như siết chặt kiểm soát với Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 73% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, tăng 13% so với năm ngoái và 20% với năm 2017 khi Trump nhậm chức.
Thomas Duesterberg, thành viên của Viện Hudson và là cựu quan chức Bộ Thương mại nhận định: “Tất cả những điều đó làm cho đề nghị hợp tác với Trung Quốc trở nên khó thuyết phục hơn”.
Christopher Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher của Đại học Tufts nới với SCMP: “Hiển nhiên là đảng Cộng hòa sẽ chỉ trích Biden là mềm mỏng với Trung Quốc và cộng sản”.
Thomas Duesterberg cũng chỉ ra: Những lựa chọn khác của Trump bao gồm trừng phạt thêm công ty nhà nước Trung Quốc, hạn chế thêm việc xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” cho mục đích quân sự lẫn dân sự, cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc sau chiến dịch TikTok và WeChat, hay chặn mọi hoạt động bán chất bán dẫn cho tập đoàn công nghệ Huawei xa hơn việc dùng cho mạng 5G. Và Washington cũng có thể tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, khiến nước này phải chịu các mức thuế trừng phạt.
Nguồn hình ảnh, Alamy/EPA/Alamy
Ngay cả khi không có các động thái đáng lo ngại trong giờ chót, nội các sắp nắm quyền của Biden sẽ phải đối đầu với một Bắc Kinh táo bạo hơn. Sarah Kreps, giáo sư dạy môn chính phủ và luật của Đại học Cornell nói: “Quyền lực của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong bốn năm qua. “Do đó, tôi mong đợi những chính sách của Biden sẽ có một số điểm giống với chính quyền Trump.”
SCMP trích lời Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ theo xu hướng bảo thủ và là cựu quan chức trong chính quyền George W. Bush: “Sẽ rất khó về mặt chính trị nếu chỉ đơn giản bỏ một sắc thuế mà không nhận lại được gì đó. Câu hỏi đặt ra là đòi hỏi gì để Bắc Kinh có thể thực hiện nhanh chóng và tạo ra kết quả thực sự”.
Việc giải quyết hàng trăm triệu đôla thuế nhập khẩu áp đặt trong chiến tranh thương mại cũng có thể là điều kiện tiên quyết để thiết lập lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích nói, một trong những biện pháp này có thể là bãi bỏ Điều khoản 232 về thuế quan với thép và nhôm, được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia. Điều này có thể được biện minh là cần thiết để hàn gắn mối quan hệ cần có với các đồng minh lâu đời ở châu Âu và châu Á để chống lại sự thúc ép của Bắc Kinh.
Theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS),một nội các sắp ra đi thường hay có những thay đổi hành chính vào phút cuối, một phương pháp được gọi là “làm luật nửa đêm”. Trump đã nhiều lần công kích “chính quyền ngầm”, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể sẽ tăng gấp đôi nỗ lực phá hoại các cơ quan chính phủ.
Ông Green nói: “Tôi lo lắng về việc tiêu hủy nhiều tài liệu tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao, điều khiến nội các sắp nắm quyền phải cố gắng hiểu những thỏa thuận trước đây là gì và những gì đã được nói với ai.
Tuy nhiên, giới kỳ cựu ở Washington cho rằng, việc đấu đá nội bộ có thể cản trở mọi nỗ lực trừng phạt Trung Quốc và Biden của Trump.
Một số bộ trưởng có thể tiếp tục ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao có thể tìm cách từ chối cấp thị thực cho quan chức hàng đầu của Trung Quốc; Bộ Quốc phòng và Thương mại có thể cổ súy việc hạn chế xuất khẩu nhiều hơn; và Bộ Tư pháp có thể buộc tội thêm các sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng những hành động đó có thể vấp phải sự phản đối từ Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ – vốn muốn bảo vệ cái mà họ coi là một thành tựu nổi bật: Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1.
Ngay cả Trump cũng thể có những chương trình nghị mâu thuẫn.
Green nói: “Nội bộ chính quyền Trump sẽ bị căng thẳng giữa bên theo phe diều hâu nhắm vào Trung Quốc muốn trói tay đội ngũ sắp nắm quyền của Biden, và của gia đình ông Trump trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh để đảm bảo các khoản đầu tư tương lai của Trung Quốc và các hoạt động kinh doanh xuôi chèo mát mái ở nước này”.