Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSơn Đông làm nóng thêm Biển Đông

Sơn Đông làm nóng thêm Biển Đông

Không chỉ để khẳng định sức mạnh, phô trương thanh thế hải quân, trong bối cảnh yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” ngày càng bị nhiều nước phản đối, thêm một tàu sân bay đồng nghĩa với việc Trung Quốc tăng thêm sức mạnh răn đe nhằm vào các đối thủ trên biển.

Tàu sân bay Sơn Đông và thông điệp cứng rắn của TQ trên Biển Đông

Những tháng cuối năm, dù bị đại dịch Covid quần cho điên đảo, Mỹ vẫn điều các nhóm tác chiến hải quân, kể cả tàu sân bay, ra vào Biển Đông, lúc bảo tập trận, lúc nói thực thi “tự do hàng hải”. Thái độ ngạo mạn cùng sự nghênh ngang của Mỹ khiến Trung Quốc tức tối. Có lẽ vì thế, Bắc Kinh càng ráo riết tăng cường phát triển các tàu sân bay của mình. Và vừa qua, hoạt động của tàu sân bay thứ hai của hải quân Trung Quốc đã được loan báo.

Liên quan sự kiện này, Bắc Kinh không những không hề úp mở, mà còn cố tình công khai ầm ĩ như muốn phô trương trước cả thiên hạ. Cụ thể, Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm có tiếng là “hiếu chiến”, thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với thông tin tàu sân bay Sơn Đông được điều xuống Biển Đông, còn trích dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự trong nước hoan hỷ nhấn mạnh rằng: đoạn hình ảnh quay cảnh huấn luyện mới nhất của hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc, với cảnh tiêm kích đa năng J-15 cất cánh, hạ cánh,hoạt động bắn đạn thật, sự xuất hiện của máy bay trực thăng Z-9S…cho thấy, con tàu đã đạt được năng lực cơ bản và sẵn sàng đi đến những khu vực rộng lớn hơn để nâng cao năng lực chiến đấu của mình thông qua thời gian tập luyện.

Tàu sân bay được coi là biểu tượng sức mạnh của lực lượng hải quân quốc gia. Lâu nay, Trung Quốc, trong lĩnh vực này được coi là “không có số má”, so với các cường quốc quân sự phương Tây, nhất là Mỹ.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên là Liêu Ninh, nhập lực lượng hải quân vào năm 2012. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn bôi bác, đó là “hàng không mẫu hạm què”, do nó được cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mà Ukraine bán đổ, bán tháo và được Trung Quốc mua lại năm 1998. Một tàu sân bay như thế, sao có thể nói tới chuyện cạnh tranh sức mạnh với Mỹ trên đại dương ?

Thế nên, Trung Quốc quyết tâm để có được các tàu sân bay hiện đại. Không chỉ để khẳng định sức mạnh, phô trương thanh thế hải quân, trong bối cảnh yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” ngày càng bị nhiều nước phản đối, thêm một tàu sân bay đồng nghĩa với tăng thêm sức mạnh răn đe nhằm vào các đối thủ trên biển.

Đưa tàu Liêu Ninh vào biên chế hải quân, Trung Quốc gần như đồng thời, bắt tay vào đóng tàu sân bay thứ hai. Nhiệm vụ được giao cho Công ty Công nghiệp Đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh thực hiện từ tháng 11/2013. Tới tháng 4/2017, chiếc tàu này hạ thủy, được đặt tên là Sơn Đông. Tháng 12/2019, được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc.

Về thông số kỹ thuật: Sơn Đông dài khoảng 315 mét, có thể chở tổng cộng 44 máy bay, bao gồm 24 máy bay chiến đấu J-15, 3 máy bay chiến đấu tác chiến điện tử J-15D EW, 6 máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm Z-18F (ASW), 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm và kiểm soát Z-18Y, hai trực thăng vận tải Z-18A VIP, một trực thăng y tế Z-8JH và hai trực thăng Z-9S.

Trong mắt giới chuyên gia và dư luận, tàu Sơn Đông do Trung Quốc tự phát triển – tức hàng nội địa – còn lâu so đọ được với Mỹ. Điển hình nhất, Sơn Đông vẫn chỉ sử dụng hệ thống phóng và thu hồi “cất cánh ngắn, có móc hãm đà” đơn giản hơn nhiều so với các tàu sân bay tối tân của phương Tây. Tuy nhiên, việc hạ thủy Sơn Đông vẫn chứng tỏ rằng, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng, có ý nghĩa nền tảng về kỹ thuật và công nghệ trong một lĩnh vực mà lâu nay, thế thượng phong vốn chỉ thuộc về phương Tây và Nga.

Trở lại sự kiện tàu Sơn Đông, dư luận cho rằng: chẳng phải ngẫu nhiên, Sơn Đông được Bắc Kinh đưa xuống hoạt động ở khu vực Biển Đông. Điều đó chắc chắn liên quan đến việc trong năm 2020, Mỹ liên tục tiến hành các hoạt động “thực thi tự do hàng hải”, cùng các cuộc tập trận quân sự tại khu vực này. Nghĩa là, đây là một hành động đáp trả Mỹ – đối thủ mà Trung Quốc coi đó chẳng khác nào “côn đồ đột nhập vào cửa”.

Thế nên, Biển Đông đã nóng. Thêm sự xuất hiện của tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc, khu vực này sẽ còn nóng hơn nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới