Chữ Hán ra đời cách nay hơn 3.300 năm, từng có đóng góp lớn cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc (TQ). Chữ Hán là thứ tượng trưng cho văn hóa Trung Hoa, là báu vật thiêng liêng tổ tiên để lại.
Người Hoa coi chữ Hán như chữ của thần thánh, mấy nghìn năm qua không ai dám nhận xét, cải tiến, phát triển loại chữ này. Cho tới nay ai đánh giá không tốt về chữ Hán sẽ bị dư luận đả kích ngay. Thiển nghĩ, nếu cứ để chữ Hán phát triển tự nhiên trong đông đảo dân chúng thì rất có thể nó cũng có lịch sử tương tự các loại chữ viết cổ đại khác (chữ Ai Cập cổ, chữ hình Nêm), tức là biến mất và thay bằng loại chữ tiên tiến hơn. Tiếc rằng, chữ Hán sau khi ra đời đã bị tầng lớp vua quan và trí thức phong kiến coi là thứ công cụ độc quyền dùng để giữ vững chế độ phong kiến, thi hành chính sách ngu dân nhằm dễ dàng áp bức bóc lột nhân dân lao động.
Tính biểu ý là đặc điểm chủ yếu nhất của chữ Hán. Hầu hết chữ viết trên thế giới đều là chữ biểu âm (phonograph, còn goi là chữ ghi âm, chữ phiên âm), riêng chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph, còn gọi là chữ ghi ý). Hán ngữ có đặc điểm là ngôn ngữ âm thanh (tiếng nói) không quan trọng bằng ngôn ngữ thị giác (tự hình, tức hình dạng chữ viết). Hán ngữ có rất nhiều phương ngữ (tiếng địa phương), tổng cộng có 7 phương ngữ lớn và hàng trăm phương ngữ nhỏ, người TQ phấn đấu đến năm 2020 mới phổ cập 100% tiếng Phổ thông thống nhất trong cả nước, nhưng tới nay mới đạt hơn 80%. Hán ngữ có rất nhiều chữ/từ đồng âm khó phân biệt khi nghe bằng tai, phải viết ra chữ mới phân biệt được. Bởi vậy chữ Hán có vai trò cực kỳ quan trọng. Nói đến Hán ngữ, chủ yếu là nói “chữ”, chứ không phải “tiếng”.
Chữ viết là công cụ ghi chép ngôn ngữ, mà công cụ thì phải đáp ứng yêu cầu càng đơn giản, càng tiện dụng càng tốt. Muốn vậy phải đánh giá xem công cụ chữ Hán đã tốt chưa. Đánh giá ngôn ngữ của dân tộc khác là một việc cần thận trọng. Bài này trình bày sơ qua về sự đánh giá của các học giả TQ đối với chữ Hán. Cần thấy rằng do tâm lý sùng bái tổ tiên quá nặng nên người TQ bắt đầu đánh giá chữ Hán quá muộn.
Năm 1894, nhà Thanh thua to trong cuộc chiến tranh với nước Nhật, giới trí thức TQ tỉnh dậy sau mấy nghìn năm ngủ say trong giấc mơ nước mình giỏi nhất, mạnh nhất thế giới. Thua trận, TQ phải mở cửa đất nước; văn hóa phương Tây tràn vào. Nhờ đó người TQ có điều kiện so sánh chữ Hán với chữ phiên âm của phương Tây.
Học giả Đỗ Tử Kình nói: Nước người ta mạnh vì họ phổ cập giáo dục chứ không chỉ vì có tàu to súng lớn, mà “sở dĩ phổ cập được giáo dục là do họ dùng chữ viết kiểu phiên âm rất tiện lợi. Chữ viết của ta quá lạc hậu khiến cho giáo dục phát triển méo mó, quốc gia ngày càng suy yếu. Vì thế [các nhà ngôn ngữ] Tống Hành, Đàm Tự Đồng, Lương Nhiệm Công đều tuyên bố chữ Hán có tội và đề xướng cải tạo chữ Hán. Trong sách Nhân học, Đàm Tự Đồng chủ trương phế bỏ chữ Hán; đây là phát súng đầu tiên bắn vào chữ Hán trong hơn 2.000 năm.” Từ đó chữ Hán bị lôi ra khỏi điện thờ, bị phê phán thậm tệ.
Năm 1892, học giả Lô Tráng Chương (1854-1928) đầu tiên đưa ra phương án chữ phiên âm (thời ấy gọi là thiết âm) cho Hán ngữ. Lô nói: Chữ TQ khó nhất thế giới, ngoài TQ ra, các nước đều dùng chữ phiên âm chỉ có ba chục chữ cái.
Thực ra ngay từ năm 1602, nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đã bước đầu thành công dùng chữ cái Latin ghi được âm của chữ Hán, mở đầu phong trào Latin hóa chữ Hán ở TQ và ở các nước trong vành đai Hán ngữ, như Nhật, Triều Tiên, Việt Nam.
Cho tới năm nổ ra Cách mạng Tân Hợi (1911) các học giả đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm, nhưng họ chủ trương không bỏ chữ Hán mà dùng song song chữ Hán và chữ phiên âm (Pinyin). Tuy 28 phương án này đều chưa được thực thi nhưng họ đã làm được hai việc: Đả phá “Thuyết chữ Hán thiêng liêng”, xây dựng “Thuyết chữ Hán (là) công cụ”; và đưa chữ phiên âm vào TQ dùng làm hệ tham chiếu để đánh giá chữ Hán.
Năm 1908 trên tờ “Tân thế kỷ chu san” nhà ngôn ngữ Ngô Trĩ Huy tuyên bố TQ cần bỏ Hán ngữ, dùng Thế giới ngữ Esperanto. Một số học giả đề nghị dùng chữ La Mã (tức chữ Latin).
Thời Ngũ Tứ là thời kỳ khai sáng, dân khắp nơi đòi khoa học và dân chủ, phủ định thuyết chữ Hán thiêng liêng, chủ trương bỏ chữ Hán. Phó Tư Niên (sinh viên Đại học Bắc Kinh) nói: Nguồn gốc chữ viết của TQ cực kỳ dã man, hình dạng hết sức kỳ dị, học chữ cực bất tiện, ứng dụng cực kỳ không kinh tế… tuyệt đối nên thay chữ Hán bằng chữ phiên âm, Hán ngữ tuyệt đối có khả năng biểu đạt bằng chữ phiên âm. Năm 1918 trên báo “Tân Thanh niên”, lá cờ đầu của phong trào Ngũ Tứ là nhà ngôn ngữ Tiền Huyền Đồng (1887-1939, có con trai là Tiền Tam Cường, được gọi là Cha đẻ Bom nguyên tử TQ) nêu chủ trương cải cách chữ Hán, đề xuất chữ Giản thể (tức chữ bớt nét). Năm 1923 ông viết bài “Cách mạng chữ Hán” đăng trên “Quốc ngữ nguyệt san – Hán tự cách mạng”, có tiếng vang lớn: Tuyệt đối có thể làm cách mạng chữ Hán, chuyển sang dùng chữ phiên âm với chữ cái La Mã thông dụng. Chữ Hán có tội ác khó học, khó viết, cản trở việc phổ cập giáo dục và truyền bá tri thức…, điều tồi tệ nhất là không hòa nhập với văn hóa thế giới hiện đại.
Cù Thu Bạch (1899-1935, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ) nói: Chữ Hán đã trở thành thây ma cứng đờ; ngôn ngữ TQ phải phát triển tiếp; muốn có đời sống văn hóa mới hiện đại thì phải hoàn toàn bỏ chữ Hán; như vậy mới có thể thực sự phát triển được văn bạch thoại nói và viết, đồng thời thoát khỏi sự trói buộc của chữ Hán – thứ chữ thực sự là hố phân bẩn thỉu nhất thời trung thế kỷ.
Đại văn hào Lỗ Tấn (1881-1936) nói: “Chữ Hán là báu vật thời cổ truyền lại, nhưng tổ tiên ta còn cổ xưa hơn cả chữ Hán, cho nên chúng ta càng là báu vật thời cổ truyền lại. Vì chữ Hán mà hy sinh chúng ta, hay là vì chúng ta mà hy sinh chữ Hán?… Chữ Hán là khối u trên cơ thể đại chúng lao khổ TQ, con virus tiềm ẩn bên trong khối u ấy, nếu không cắt bỏ khối u thì kết quả sẽ chết. Tôi cho rằng chữ Hán khối vuông bản thân là một triệu chứng của sự chết, ăn chút nhân sâm hoặc nghĩ biện pháp nào đó cố nhiên có thể kéo dài sự sống nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được…” Khi ốm nặng, ông trăng trối: “Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước.”
Trong nửa đầu thế kỷ 20 người TQ đã thiết kế một số phương án chữ phiên âm để thay cho chữ Hán, trong đó phương án Chữ Quốc ngữ La Mã và phương án Chữ mới Latin hóa tương đối có ảnh hưởng. Chính phủ Quốc dân không thừa nhận Chữ quốc ngữ La Mã là chữ viết, chỉ thừa nhận là ký hiệu chú âm quốc ngữ, lại càng phủ nhận Chữ Latin hóa. Nhưng tại chiến khu của đảng Cộng sản TQ, chữ phiên âm Latin hóa được ủng hộ mạnh.
Sau ngày nước CHND Trung Hoa ra đời (1/10/1949), việc đánh giá chữ Hán vẫn kế thừa truyền thống “Cách mạng chữ Hán” của phong trào Ngũ Tứ, tiếp tục cho rằng chữ Hán phức tạp rối rắm khó học khó dùng, cản trở phát triển giáo dục và khoa học, nhưng đã loại bỏ quan điểm lệch lạc phủ định toàn diện chữ Hán, bỏ chữ Hán. Tháng 3/1956, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách chữ viết Ngô Ngọc Chương nói: “Trong tương lai, chúng ta sớm muộn sẽ có một ngày phải chuyển sang dùng chữ viết phiên âm – đây là quy luật khách quan của sự phát triển chữ viết thế giới.”
Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc về cải cách chữ Hán (10/1955) viết: Chữ Hán phải cải cách, việc cải cách căn bản cần phải theo phương hướng chung của thế giới là chữ phiên âm; nhưng trước mắt phải dần dần đơn giản hóa chữ Hán đồng thời ra sức phổ cập tiếng Phổ thông lấy ngữ âm Bắc Kinh làm âm tiêu chuẩn – tức tiếng nói chung của dân tộc Hán.
Ngày 26/10/1955 Nhân dân Nhật báo ra xã luận “Cố gắng đẩy mạnh cải cách chữ Hán, phổ cập tiếng Phổ thông, thực hiện quy phạm hóa Hán ngữ”. Xã luận viết: Ai cũng thừa nhận chữ Hán từng có cống hiến vĩ đại trong lịch sử văn hóa lâu đời nước ta. Mấy nghìn năm qua, các thư tịch của TQ cổ đại đều nhờ chữ Hán mà được bảo tồn. Sau đây, trong thời kỳ xây dựng và cải tạo CNXH, chữ Hán sẽ được đông đảo quần chúng sử dụng rộng rãi hơn. Trong tương lai lâu dài chữ Hán vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và được nhiều người nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận chữ Hán có những khuyết điểm nghiêm trọng, vì thế đem lại khó khăn rất lớn cho việc học tập và sử dụng. Do chữ Hán khó nhận biết, khó viết, khó nhớ, làm cho giáo dục phổ thông của nước ta hao phí nhiều thời gian hơn vào việc dạy và học chữ. Chữ Hán là một gánh nặng trầm trọng trong giáo dục nhi đồng, giáo dục người lớn và công tác xóa nạn mù chữ. Nếu giữ nguyên hiện trạng của chữ Hán mà không cải cách thì sẽ nghiêm trọng cản trở việc phổ cập và nâng cao giáo dục văn hóa nhân dân, rất bất lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.
Trong bài “Cải cách chữ Hán và cơ giới hóa chữ viết ở nước Nhật” đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 3/5/1964, Quách Mạt Nhược (1892-1978, Chủ tịch Viện Khoa học TQ) viết: “Chữ Hán là loại chữ viết sáng tạo độc đáo của TQ, thư pháp của TQ là một nghệ thuật có tính sáng tạo độc đáo. Nhưng thẳng thắn mà nói, xét trên mặt sử dụng chữ viết thì loại chữ tốt đẹp có tính sáng tạo độc đáo này đúng là một công cụ khó nắm bắt. Số lượng chữ quá nhiều, âm đọc không chính xác. Tuy đã dùng chữ Hán hơn 60 năm nhưng cho tới nay tôi vẫn còn gặp những chữ mình chưa biết, không tra tự điển thì không xong.” “Chúng ta đang xây dựng CNXH nhanh nhiều tốt rẻ, yêu cầu thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật với tốc độ cao. Ở đây có một vấn đề mấu chốt là phải phổ cập và nâng cao giáo dục với hiệu suất cao hơn. Muốn giải quyết tốt vấn đề này thì xem ra việc đơn giản hóa hoặc hiện đại hóa chữ viết là không thể tránh được. […] Cơ giới hóa, tự động hóa và cao tốc hóa công tác chữ viết là một quá trình nổi bật trong sinh hoạt văn hóa hiện đại. Cơ giới hóa công tác chữ viết đòi hỏi số lượng đơn nguyên ký hiệu chữ viết không được quá nhiều; chữ phiên âm rất thích hợp yêu cầu này. Số lượng đơn nguyên chữ Hán quá nhiều, tuy có thể chế tạo các loại máy chữ Hán nhưng sử dụng rất không thuận tiện linh hoạt, hiệu suất quá thấp mà giá thành quá cao.”
Từ sau ngày TQ thi hành chính sách cải cách mở cửa (1979), giới học thuật TQ tranh luận sôi nổi hơn, việc nghiên cứu chữ Hán có phát triển mới, thảo luận rộng rãi hơn.
Dưới đây trình bày quan điểm đại diện cho những kết quả mới nhất về nghiên cứu đánh giá chữ Hán. Qua đó có thể thấy hiện nay việc nghiên cứu chữ Hán đã thoát ra khỏi các hạn chế trước đây, đi lên con đường khoa học.
Học giả Nghê Hải Thự nói (7/1979): Trước đây nói không cải cách chữ viết thì không xóa được nạn mù chữ, không phổ cập được giáo dục… nay lại nói không cải cách chữ viết thì không thực hiện được hiện đại hóa. Nói như vậy phải chăng là thiếu phân tích. Các nước Mỹ Latinh đã cải cách chữ viết nhưng số người mù chữ còn rất nhiều… Đây là vấn đề chế độ giáo dục và chế độ xã hội. Một số nước chưa cải cách chữ viết như Nhật, Hàn Quốc đã thực hiện hiện đại hóa. Nhưng một số nước đã cải cách chữ viết như Mông Cổ, Indonesia, Việt Nam lại chưa thực hiện hiện đại hóa…. Phiến diện nói chữ Hán hoặc nói chữ phiên âm tốt, người ta đều không chịu. Chữ Hán có ưu điểm, chữ phiên âm có khuyết điểm, phải xem xét toàn diện. Thập niên 50 ta phiến diện phê bình, phủ định chữ Hán. Hồ Kiều Mộc nói chữ Hán như một đại thụ; anh phê bình chỗ lá này của nó không tốt, chỗ cành kia không tốt; sự phê bình ấy không rung chuyển được cái gốc của nó.
Năm 1985 Trương Chí Công nêu hai ưu điểm nổi trội của chữ Hán. Thứ nhất, chữ Hán thích ứng với Hán ngữ, thể hiện trên hai mặt: Hán ngữ là ngôn ngữ phi hình thái, không dùng âm tố để biểu thị sự biến đổi hình thái; Hán ngữ chủ yếu là ngữ tố đơn âm tiết. Chính vì thế chữ Hán mới dùng một ký tự để biểu thị một âm tiết, một ngữ tố. Thích ứng với Hán ngữ là nguyên nhân căn bản nhất làm cho chữ Hán giàu sức sống. Nếu không thì chữ Hán không sống nổi. Thứ hai, không thể coi nhẹ tác dụng do “hình” của chữ Hán gây ra. “Hình” này có hai tác dụng lớn nhất: Có lợi cho việc đọc chữ; và nếu vận dụng tốt sẽ có lợi cho phát triển trí lực.
Ông Trương nói chữ Hán ít nhất có 2,5 khó khăn rất không dễ giải quyết: 1) Mới học (trong khoảng 500-1000 chữ) thấy khó, vì trong giai đoạn này chữ Hán rất khó liên hệ với ngôn ngữ. Mới học đã thấy khó, điều này làm tổn hại sự tự tin và tự tôn, hứng thú học của trẻ, ức chế sự phát triển trí lực. 2) Khó giao lưu văn hóa quốc tế. Ta không thể ép người nước khác học chữ Hán, hơn nữa chữ Hán không thể ghi được ngôn ngữ các nước; chữ Hán gây trở ngại cho việc giao lưu văn hóa với quốc tế. Ngoài ra, khó cơ giới hóa việc ghi và truyền chữ viết, mang lại rất nhiều khó khăn cho việc sử dụng máy chữ, máy tính, máy telex, dịch máy. Sở dĩ nói đây là một nửa (0,5) khó khăn, vì khó khăn này có thể dần dần giải quyết bằng kỹ thuật, tuy sẽ mất nhiều công sức, thời gian… Tóm lại chữ Hán vừa có tính ưu việt vừa có những khuyết điểm khá nghiêm trọng. Cũng nên thấy rằng một số mặt lợi của chữ Hán đồng thời tất nhiên đem lại một số mặt bất lợi. Ví dụ tự hình có mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại như sinh ra bệnh nhìn chữ đoán nghĩa, tạo thuận tiện cho việc tự bịa ra từ ngữ, dễ lẫn lộn văn ngôn với bạch thoại v.v…
Tháng 12/1986, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Lã Thúc Tương (1904-1998) nói:
Chữ Hán có ưu điểm cũng có khuyết điểm. Chữ phiên âm cũng vậy. Tôi cần nói rằng: thứ nhất, dù chữ Hán hay chữ phiên âm, ưu điểm và khuyết điểm của chúng đều gắn với nhau; thứ hai, ưu điểm của chữ Hán lại chính là khuyết điểm của chữ phiên âm; khuyết điểm của chữ Hán lại chính là ưu điểm của chữ phiên âm.
Chữ Hán có những ưu điểm: 1) Mỗi chữ Hán đại diện cho một ngữ tố trong Hán ngữ, nó tập hợp ba yếu tố tự hình, âm đọc chữ và nghĩa chữ (tự nghĩa) vào một, tiện cho việc độc lập sử dụng; 2) Âm như nhau mà nghĩa khác nhau, tiện cho việc phân biệt các chữ đồng âm; 3) Âm đọc chữ Hán khác nhau tùy theo địa phương, tùy theo thời đại, vì thế văn viết bằng chữ Hán thì nơi nào, thời nào cũng hiểu được. 4) Dùng chữ Hán in sách, phần chữ chiếm ít diện tích, tiết kiệm được giấy in.
Thế nhưng các ưu điểm trên cũng đem lại những khuyết điểm tương ứng. Thứ nhất, ưu điểm đầu tiên cũng là đặc điểm cơ bản nhất của chữ Hán, đem lại nhiều khuyết điểm: 1) Do tự hình không biểu thị âm đọc chữ (“Chữ hình thanh” thực sự cùng âm chỉ là số ít) và cũng chẳng thể nhìn tự hình là biết tự nghĩa, vì thế phải có thầy dạy từng chữ, không tiện cho việc tự học; 2) Vì một ngữ tố là một chữ nên số lượng chữ Hán vô cùng nhiều, việc phân biệt tự hình và nhớ âm đọc chữ cũng như tự nghĩa rất mất công sức; 3) Do cấu tạo của tự hình lắm hình lắm dạng nên rất khó thu xếp được một thứ tự vừa rõ ràng chính xác vừa giản tiện, vì thế gây bất tiện cho việc soạn từ điển, soạn biên mục (index).
Thứ hai, ưu điểm âm như nhau mà chữ khác nhau tuy có tiện cho việc phân biệt các chữ đồng âm nhưng cũng dễ làm người ta viết sai chữ. Phần lớn chữ viết sai là do âm đọc như nhau hoặc gần như nhau gây ra.
Thứ ba, ưu điểm “văn viết bằng chữ Hán thì nơi nào, thời nào cũng hiểu được” phải trả giá bằng việc chữ viết tách rời lời nói (khẩu ngữ). Âm đọc chữ Hán khác nhau tùy theo địa phương, điều đó khiến cho không thể dùng nó làm công cụ phổ cập tiếng Phổ thông. Bạch thoại và văn ngôn đều viết bằng chữ Hán, do đó dễ sinh ra loại chữ chẳng văn ngôn cũng chẳng bạch thoại, nửa văn ngôn nửa bạch thoại.
Thứ tư, dùng chữ Hán in sách có thể tiết kiệm giấy in nhưng khi đọc sách sẽ tốn công và hại mắt bởi lẽ cùng con chữ chì (để sắp chữ trên máy in cổ), chữ Hán nhiều nét, chữ phiên âm ít nét. Hiện nay học sinh từ tiểu học đến trung học có tỷ lệ đeo kính cận tăng theo sự lên lớp, điều đó có phần do sách giáo khoa và sách in dùng chữ cỡ nhỏ.
Chữ phiên âm có những ưu khuyết điểm: Thứ nhất, ứng với các khuyết điểm ở nhóm 1 của chữ Hán: 1) Chữ Hán nhìn mặt chữ mà không biết âm đọc và nghĩa của chữ. Trong chữ phiên âm, nếu biết đánh vần thì sẽ biết đọc âm của chữ, đọc được thì biết nghĩa của chữ; 2) chữ Hán phải phân biệt hàng nghìn tự hình còn chữ phiên âm chỉ cần phân biệt 26 chữ cái là được; 3) chữ Hán không có thứ tự cố định còn thứ tự của chữ phiên âm thì cố định; chữ dùng các chữ cái ghép lại đều có thứ tự cố định, rất tiện khi soạn tự điển, soạn biên mục (index). Thứ hai, chữ Hán có nhiều chữ đồng âm. Trong chữ phiên âm, do lấy từ làm đơn vị ghép vần nên ít chữ đồng âm (nếu không đánh dấu giọng thì cũng có khá nhiều chữ đồng âm, song vẫn ít hơn ở chữ Hán). Thứ ba, chữ Hán tách rời với lời nói còn chữ phiên âm kết hợp với tiếng nói nên có lợi cho việc phổ cập tiếng Phổ thông. Thứ tư, cùng một con chữ rời (để sắp chữ khi in), chữ cái phiên âm trông thanh thoát hơn (vì ít nét hơn chữ Hán).
Mọi người có thể từ các ưu điểm của chữ Hán mà suy ra khuyết điểm của chữ phiên âm, qua đó sẽ tự đánh giá tổng quan về hai thứ chữ này. Chú ý: trong chữ phiên âm không dễ phân biệt thấy ngữ tố của Hán ngữ. Nói chung một âm tiết đơn độc không thể biểu thị một ý nghĩa chính xác rõ ràng, nghĩa là không thể phân biệt các ngữ tố đồng âm….
Châu Hữu Quang (1906-2017, cha đẻ phương án Pinyin chữ Hán) nhận xét: Bản thân chữ Hán có tính kỹ thuật và tính nghệ thuật. Người coi trọng tính kỹ thuật chủ trương cải cách chữ Hán. Người coi trọng tính nghệ thuật không muốn cải cách chữ Hán. Bất cứ chữ viết nào cũng có tính hai mặt, nhưng chữ phiên âm có tính kỹ thuật mạnh mà tính nghệ thuật yếu. Chữ Hán yếu tính kỹ thuật, mạnh tính nghệ thuật. Đó là do chữ viết càng gần hình vẽ nguyên thủy thì tính nghệ thuật càng mạnh; càng xa hình vẽ nguyên thủy thì tính nghệ thuật càng yếu. Chữ phiên âm cách hình vẽ nguyên thủy rất xa, “gene nghệ thuật” trở nên yếu, cho nên tuy chữ phiên âm cũng cần viết cho ưa nhìn, nhưng “nghệ thuật thư pháp” của nó không thể phát triển được. Khi kỹ thuật viết chữ từ viết tay tiến lên đánh máy rồi xử lý trên máy tính thì “nghệ thuật thư pháp” viết tay bị thoái hóa. Chữ Hán thì khác, nó cách hình vẽ nguyên thủy không xa cho nên “gene đồ họa” của nó không bị thoái hóa. Vì vậy sau khi các “chữ viết ý âm” (như chữ hình nêm, chữ Thánh thư) rút ra khỏi sân khấu lịch sử thì “nghệ thuật thư pháp” của chữ Hán thực sự một mình chiếm vũ đài. Nhưng vì thế mà nó mang lại tác dụng phụ như yêu thích lệch về nghệ thuật, coi nhẹ kỹ thuật, ưu thế nghệ thuật của chữ Hán đã che lấp nhược điểm về kỹ thuật. Trong thời gian chuyển tiếp từ văn minh cổ đại sang văn minh hiện đại, tính hai mặt của chữ Hán còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa hai loại văn minh. Chữ Hán vừa là “báu vật” của văn minh cổ đại lại vừa là “gánh nặng” của văn minh hiện đại. Khi đã nhận thức được như vậy thì rất khó có thể lại khẳng định chữ Hán chỉ là “báu vật” mà không phải là “gánh nặng”.
Nhìn chung quan điểm của Châu Hữu Quang được nhiều người tán thành.
Tóm lại, người xưa cho rằng chữ Hán là “báu vật”, còn giới học giả TQ hiện đại cho rằng chữ Hán vừa là “báu vật” vừa là “gánh nặng”. Dư luận TQ phổ biến coi sự chuyển biến này trong nhận thức đánh giá chữ Hán là một bước tiến.
Biên bản Hội nghị thảo luận học thuật vấn đề chữ Hán (12/1886) viết: Nhiều người có xu hướng sử dụng “Nhất ngữ lưỡng văn” [tức “chế độ Song văn”. Nhất ngữ: phổ cập một thứ tiếng Phổ thông trong cả nước. Lưỡng văn hoặc song văn: đồng thời dùng hai thứ chữ viết, là chữ Hán và chữ Pinyin Latin hóa; chữ Pinyin chỉ dùng với tính chất phụ trợ để ghi âm đọc của chữ Hán]. Từ nay Nhà nước không đặt vấn đề cải cách chữ Hán theo hướng phiên âm hóa nữa, coi đó là việc của các học giả; tương lai của chữ Hán sẽ do con cháu sau này quyết định.
Thế hệ trẻ người TQ hiện nay đều được học và nắm được chữ Hán cùng chữ Pinyin Hán ngữ, thể hiện qua việc họ dùng thành thạo máy tính và điện thoại thông minh để đánh máy chữ Hán. Điều đó cho thấy chủ trương sử dụng “Nhất ngữ lưỡng văn” là đúng đắn và được dân chúng hoan nghênh.