Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVấn đề Biển Đông trong chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ...

Vấn đề Biển Đông trong chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống mới

1. Trong bối cảnh chính quyền Trump đang bước vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên của mình, có hàng loạt cuộc mổ xẻ về chính sách của Washington trong 4 năm qua và những bước đi cụ thể trong việc triển khai chính sách. Một trong những nội dung được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm là vấn đề Biển Đông vì nó liên quan trực tiếp đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Có thể thấy trong 4 năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Trump đã để lại một di sản lớn trên vấn đề vấn đề Biển Đông cả về mặt pháp lý lẫn các hoạt động trên thực địa.

Thứ nhất, về mặt pháp lý: các chính quyền trước của Mỹ đã luôn đề cao vấn đề duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong 4 năm cầm quyền của chính quyền Trump, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông đã có sự thay đổi về chất. Trước thời kỳ của Tổng thống Trump, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông có mấy điểm đáng chú ý sau: (i) trong khi giữ trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ khẳng định có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, nhấn mạnh tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; (ii) Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các nỗ lực ngoại giao thông qua cơ chế tập thể, khuyến khích các bên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử toàn diện trên Biển Đông; (iii) thúc giục tất cả các bên làm rõ các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông dựa trên các điều luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; (iv) Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, Mỹ công khai thách thức và chất vấn “đường lưỡi bò” Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông.

Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Washington tiếp tục kế thừa các chính sách trên vấn đề Biển Đông của các chính quyền tiền nhiệm, nhưng thể hiện ở mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn qua các phát biểu, tuyên bố chỉ trích trực diện các yêu sách và hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Trump đã thể hiện rõ lập trường pháp lý trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông bằng các văn bản chính thức.

Ngày 01/6/2020, Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc tuyên bố “các yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS 1982 và can thiệp phi pháp vào các quyền của Mỹ cùng các nước khác”. Tiếp đó, ngày 14/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra Tuyên bố về lập trường pháp lý của Mỹ đối với Biển Đông.

Điểm mới rất quan trọng trong Tuyên bố 14/7 của Mỹ là không còn đề cập đến việc “giữ trung lập” trên vấn đề Biển Đông mà khẳng định rõ đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông chống lại sự cường quyền, bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ luật pháp quốc tế. Điều này tạo cơ sở pháp lý cho những bước đi tiếp theo của Mỹ, kể cả các hành động trên thực địa ở Biển Đông.

Thứ hai, hành động trên thực địa: ngay dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã triển khai các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, song có thể thấy sự tăng cường hiện diện trên Biển Đông được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump đã xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Tần suất các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông được tăng lên từ khi ông Trump lên nắm quyền. Các tàu chiến tham gia hoạt động FONOP cũng áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông, thách thức các yêu sách như đường cơ sở thẳng Bắc Kinh vẽ ra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng với hoạt động của tàu chiến Mỹ là sự tăng cường hoạt động của không quân Mỹ ở Biển Đông, bao gồm các máy bay trinh sát hiện đại nhất và các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ với tần xuất ngày càng gia tăng.

Theo Washington, Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc, Mỹ cùng các nước khác có quyền tự do đi lại, hoạt động và khai thác dầu khí ở những khu vực được luật quốc tế cho phép. Các quan điểm nêu trong các văn bản chính thức của Mỹ gửi Liên hợp quốc và trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ trở thành cơ sở pháp lý cho Mỹ triển khai các hoạt động trên thực địa. Để đáp trả chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc đe dọa các nước trên Biển Đông, Washington điều động thêm các tàu chiến đấu ven bờ thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ đến tham gia các hoạt động FONOP ở Biển Đông và đang tính việc mở các căn cứ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở khu vực.

Tóm lại, sau 4 năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã để lại một di sản quan trọng liên quan đến Biển Đông, đó là sự vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông được đặt trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở được Tổng thống Trump nêu tại Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam năm 2017. Theo đó, Washington đã đưa ra lập trường pháp lý rõ ràng về các tranh chấp ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện thường xuyên, liên tục của các lực lượng Mỹ (hải quân, không quân và tuần duyên) trong khu vực, bao gồm Biển Đông.

Có thể thấy chính quyền Tổng thống Trump đã bước đầu thành công trong việc tập hợp lực lượng kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Các nước trong khu vực hoan nghênh sự hiện diện và đóng góp của Mỹ vào hòa bình ổn định, duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Nhiều đồng minh của Mỹ (như Úc, Anh, Pháp, Đức) đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm pháp lý về Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc; một số nước khác công khai bày tỏ lập trường phản đối các yêu sách và cách hành xử của Bắc Kinh. Washington đạt được thành quả ban đầu trong việc tăng cường phối hợp của nhóm “Bộ Tứ” trên các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông.

2. Trong những ngày này, thế giới lại đang đưa ra những dự báo về chính sách của Mỹ đối với Biển Đông và khu vực trong nhiệm kỳ mới. Một vài ý kiến lo ngại rằng việc ông Biden làm Tổng thống có thể khiến Washington bớt “cứng rắn” hơn với Trung Quốc so với nhiệm kỳ vừa qua của ông Trump. Song, đại đa số ý kiến cho rằng bất kể ai làm Tổng thống nước Mỹ thì chính sách của Washington đối với Biển Đông và khu vực cũng không thay đổi. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng ông Biden sẽ “không dịu giọng” với Trung Quốc mà có thể còn gây khó khăn nhiều hơn cho Bắc Kinh ở khu vực, kể cả ở Biển Đông. Những nhận định đó hoàn toàn có cơ sở bởi những yếu tố sau:

Một là, Mỹ có lợi ích chiến lược quốc gia ở Biển Đông, trong đó tự do hàng hải thuộc về giá trị của Mỹ nên bất kể là chính quyền của đảng phái nào cũng đều cần bảo vệ những lợi ích và giá trị của Mỹ. Sau 4 thập kỷ Mỹ thi hành chính sách tiếp cận để chuyển hóa đối với Trung Quốc xem ra thất bại. Quan niệm giá trị của Trung Quốc có xu thế ngày càng rời xa quan niệm giá trị phương Tây, khiến Mỹ không chỉ còn coi Trung Quốc là “kẻ thù giả tưởng” như trước đây, mà nhận thức rõ rằng Trung Quốc thực sự trở thành đối thủ của Mỹ. Theo đó, Washington có khả năng sẽ tiếp tục chính sách tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông thông qua việc thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không và diễn tập quân sự. Các học giả nhận định rằng việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước láng giềng Việt Nam, Philippines và Malaysia ở Biển Đông trong những năm qua sẽ buộc ông Biden tiếp tục một số biện pháp đối phó của ông Trump.

Hai là, ông Biden từng là người ủng hộ việc giao thiệp với Bắc Kinh từ những năm 1970, và đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhất 8 lần trong sự nghiệp chính trị kéo dài 5 thập kỷ của ông. Tuy nhiên, lập trường của ông Biden đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trong thời gian qua khi mà tâm lý chống Trung Quốc ngày càng nổi lên ở Mỹ và đã trở thành nhận thức chung của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Đại dịch Covid-19, vốn bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu, gây hậu quả nặng nề ở Mỹ (làm hơn một chục triệu ca nhiễm và gần 300 nghìn người chết), khiến tâm lý thù hận Trung Quốc trong người dân Mỹ càng dâng cao. Trong bối cảnh đó, ông Biden khó có thể tỏ ra “mềm yếu” với Trung Quốc, đảo ngược lại các chính sách của ông Trump, bởi ông là đại diện cho nước Mỹ, hành động vì nước Mỹ, vì uy tín của đảng Dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng Biden sẽ cố gắng tiếp tục gây áp lực đối với Trung Quốc, một phần để chứng tỏ rằng đảng Dân chủ của ông có thể đủ cứng rắn để ngăn cản những ứng cử viên đảng Cộng hòa của Trump tranh cử chống lại ông vào năm 2024.

Ba là, với tư cách một chính trị gia lão luyện, ông Biden đủ kinh nghiệm để sử dụng các mối quan hệ đồng minh phục vụ mục tiêu duy trì vị trí độc tôn của Mỹ. Theo đó, liên minh của Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ “ít đối kháng hơn”, quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, châu Mỹ sẽ gắn bó hơn dưới thời ông Biden. Ông Biden cũng là người có thể tiến hành các cuộc nói chuyện không chính thức (khi cùng nhau uống cà phê) với các bên liên quan để “đưa ra chiến lược đẩy lùi” Trung Quốc. Đây là một thế mạnh của ông Biden có thể làm cho Bắc Kinh trở nên khó khăn hơn khi mà dưới thời ông Trump thì một mình Mỹ chống lại Trung Quốc, còn dưới thời ông Biden thì Mỹ cùng với các đồng minh phối hợp cùng nhau chống lại Trung Quốc.

Ngoài ra, với cách ứng xử khôn khéo hơn của ông Biden, các quốc gia trong khu vực sẽ ít phải chịu áp lực chọn bên trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Điều này giúp các nước trong khu vực mạnh dạn hơn trong việc tăng cường quan hệ mọi mặt với Mỹ, nhất là quan hệ hợp tác trên biển, khiến Washington dễ dàng hơn trong việc triển khai các chính sách ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Mặt khác, lập trường pháp lý trên vấn đề Biển Đông được chính quyền Trump đưa ra một cách chính thức và rất rõ ràng theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc làm này của chính quyền Trump đã kéo theo nhiều đồng minh như Úc, Anh, Pháp, Đức làm theo, do vậy trong bất cứ trường hợp nào chính quyền mới ở Mỹ không thể thay đổi được lập trường pháp lý này.

Giới quan sát cho rằng trên thực tế, trong quá trình tranh cử vừa qua, ông Biden đã thể hiện quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ. Ngay từ trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Bernie Sanders hôm 25/2/2020, ông Biden phát biểu về Trung Quốc: “Đây (ý nói ông Tập Cận Bình) là một kẻ côn đồ, kẻ trên thực tế đã đưa hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo, nghĩa là các trại tập trung”, đồng thời cho biết ông đã từng nói với Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ bất chấp vùng cấm bay của Trung Quốc ở Biển Đông và rằng “Mỹ đã điều máy bay ném bom B-1 bay qua đó”; khẳng định “Chúng ta sẽ làm rõ rằng họ phải chơi theo luật”.

Ngay cả giới cầm quyền Bắc Kinh cũng rất thận trọng và tỏ lo ngại việc ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ và ý thức được những khó khăn mà chính quyền mới ở Mỹ đặt ra. Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo thể hiện quan điểm chính thống của Bắc Kinh ngày 08/11 đã liên tiếng cảnh báo: “Trung Quốc không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào rằng việc Biden đắc cử sẽ làm dịu lại hoặc đảo ngược mối quan hệ Trung-Mỹ hiện nay”.

Nói về chính sách Biển Đông và chính sách khu vực của chính quyền Trump và chính quyền sắp tới ở Mỹ, một số nhà dự báo chiến lược còn cho rằng Tổng thống Trump đề cao chủ nghĩa đơn phương nên mặc dù Washington đã đưa ra ý tưởng về một liên minh chống Trung Quốc ở khu vực (hay có người gọi là “NATO phương Đông”) song chưa thể thực hiện được. Dưới thời của ông Biden với phương châm coi trọng các liên kết đa phương, Mỹ có hy vọng “bắt tay” với các nước đồng minh và các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong quá trình tập hợp lực lượng để đối phó với Trung Quốc.

Khi ông Biden điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 11/11/2020, hai người đã thảo luận về “cam kết chung nhằm củng cố liên minh Mỹ-Nhật như nền tảng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thịnh vượng và an toàn”. Đây là dấu hiệu cho thấy Washington sẽ thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật Bản dưới triều đại của ông Biden. Điều này có ý nghĩa trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới