Wednesday, May 1, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững tiếng nói bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông...

Những tiếng nói bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông tại các cuộc họp cấp cao ASEAN 37

Từ ngày 12 đến 15/11/2020, các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được diễn ra với hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Việt Nam, khép lại một năm đầy biến động, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay ngắt, vấn đề Biển Đông luôn là một đề tài nóng tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2020. Xung quanh Hội nghị cấp cao ASEAN 37 cũng vậy, vấn đề Biển Đông được đề cập ở hầu hết các cuộc họp với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) hôm 10/11 chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cơ bản nhất trí “Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực, nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung”; tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 cho mọi hoạt động trên biển. kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCOLS 1982.

Một điểm nhấn quan trọng trong ngày đầu tiên 12/11, khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 chính thức khai mạc là những tuyên bố nhấn mạnh cam kết xây dựng một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng hướng tới một khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương cởi mở và tự do. Tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam nhấn mạnh ASEAN đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bìnhvà ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra thông điệp quan trọng, khẳng định phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông “không thể bị phớt lờ bởi bất kỳ nước nào, dù nước đó có mạnh đến mức nào đi nữa”. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động gây quan ngại ở vùng biển này, ông Duterte một lần nữa kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh lập trường của nước này là những vấn đề liên quan Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và mang tính xây dựng, theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; ông Hishamuddin cho rằng các nước ASEAN cần giải quyết chuyện trong nhà với nhau về vấn đề Biển Đông trước khi đối mặt với các cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Tại Hội nghị với Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhìn nhận hiện nay, thế giới còn nhiều nguy cơ đang tiềm ẩn, đe dọa hòa bình, an ninh, và ổn định, bao gồm khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. ASEAN và Nhật Bản cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tương tự, trong thảo luận về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp với Hàn Quốc sau đó, lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Bắc Kinh luôn có những thái độ và hành vi gây hấn trên tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới qua Biển Đông, tại Hội nghị cấp cao hôm 12/11, các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thảo luận các vấn đề về Biển Đông và cùng khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, không quân sự hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; bày tỏ sẵn sàng cùng các nước ASEAN hợp tác, phấn đấu vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. 

Tại cuộc họp ASEAN – Mỹ ngày 14/11, ASEAN hoan nghênh đóng góp của Mỹ ở Biển Đông, mong muốn Mỹ ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phù hợp với UNCLOS 1982. Đại diện cho Tổng thống Trump tham dự Hội nghị, Cố vấn An ninh quốc gia O’Brien cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, ủng hộ các quốc gia ven biển thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên biển phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đánh giá những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông “đi ngược lại với luật pháp và xu thế cởi mở”. Ấn Độ bày tỏ quan ngại trước những “hành động” và “sự cố” đang phá hủy niềm tin ở Biển Đông; Ngoại trưởng Ấn Độ, S. Jaishankar nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền.

Lãnh đạo các nước tham dự Cấp cao Đông Á nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm đối với việc duy trì hòa bình ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.

Tổng thống Philippines Duterte một lần nữa nhắc lại phán quyết năm 2016 và nhấn mạnh “Chúng ta phải cam kết đầy đủ và mạnh mẽ đối với luật pháp. Đơn giản là không có nền tảng nào khác cho trật tự của khu vực có thể được chấp nhận ngoài luật pháp”; kêu gọi “Đừng để Biển Đông là một nơi của trò chơi sức mạnh. Đó là một trò chơi nguy hiểm và không có người chiến thắng. Hãy hạ nhiệt thay vì leo thang căng thẳng, xây dựng niềm tin thay vì nghi ngờ, lắng nghe và thấu hiểu thay vì đe dọa”.

Trong khi, ông Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc hối thúc các nước ASEAN hoàn thiện COC thì phát biểu tại Hội nghị EAS, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng song song với tiến độ “vẫn còn nhiều việc phải làm” để đạt được Bộ quy tắc ứng xử “hiệu quả và thực chất”.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Liên hợp quốc sáng 15/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ủng hộ việc đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Vì sao tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các cuộc họp liên quan, vấn đề thượng tôn pháp luật lại được đề cao như vậy có thể bởi các lý do sau:

Thứ nhất, năm 2020 căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang do các hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gay gắt. Việc Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang bận chống đại dịch Covid-19 để gia tăng các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hết sức bất bình và lo ngại.

Thứ hai, được khởi nguồn từ tháng 12/2019 khi Malaysia đệ trình Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa phía Bắc lên Liên hợp quốc, cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông ngày càng sôi nổi với sự tham gia của không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các nước ngoài khu vực. Việc Mỹ gửi văn bản chính thức lên Liên hợp quốc và Ngoại trưởng Mỹ ra Tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, khẳng định giá trị của phán quyết 12/7/2016 kéo theo nhiều nước khác như Úc, Anh, Pháp, Đức gửi công hàm lên Liên hợp quốc chính thức nêu lập trường pháp lý của mình đối với vấn đề Biển Đông. Điều này có ý nghĩa quan trọng khích lệ các nước ASEAN mạnh dạn hơn trong việc đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị liên quan của ASEAN.

Năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới. Nhận thức được lợi thế và nguy cơ đặt ra với khu vực, ASEAN trên tinh thần tự cường, cần tỉnh táo và kiên định tiếp cận cân bằng và hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm, không bị chao đảo, cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực. Để làm được điều đó, ASEAN cần đề cao luật pháp quốc tế trong tất cả các vấn đề, nhất là vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới