Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựTQ 'châm ngòi’ vào mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan

TQ ‘châm ngòi’ vào mâu thuẫn Ấn Độ – Pakistan

Thủ tướng Pakistan Imran Khan gần đây thông báo ông cấp quy chế cấp tỉnh “tạm thời” cho Gilgit Baltistan, một bang bán tự trị mà Ấn Độ cũng đòi chủ quyền vì là một phần của vùng tranh chấp Kashmir.

Thông báo của ông Khan được đưa ra không lâu sau cuộc họp kín hồi tháng 9 giữa lãnh đạo quân đội Pakistan và lực lượng đối lập, làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc đã ngầm ủng hộ tuyên bố gây sốc này. 
Tổng chỉ huy quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa, tư lệnh lự lượng tình báo Faiz Hameed và các tướng quân đội khác có vẻ đã tư vấn cho người đứng đầu chính phủ về quyết định chắc chắn sẽ thổi bùng căng thẳng và có thể dẫn đến xung đột vũ trang với Ấn Độ. 
Thông báo của ông Khan, đưa ra hôm 1/11, không nêu ra mốc thời gian cho việc chính thức thành lập Gilgit-Baltistan thành một tỉnh của Pakistan. Bước đi này có thể bảo đảm cho dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD chạy qua trung tâm vùng tranh chấp. 
Chưa rõ Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao. Các nhà phân tích cho rằng New Delhi có thể chọn cách phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn để “tấn công phẫu thuật” vào khu vực này như từng làm vào tháng 9/2016 trên dọc đường kiểm soát ở Kashmir, sau đó bắn vào các bệ phóng tên lửa của lực lượng phiến quân. 
Đảng PRI của ông Khan định thành lập chính quyền ở Gilgit-Baltistan sau khi chiến thắng đảng Nhân dân Pakistan và Liên minh Hồi giáo Pakistan trong cuộc bầu cử cấp địa phương ngày 15/11. 
Từ lúc đó, các chính trị gia đối lập nói rằng vấn đề này nên được đưa ra thảo luận ở quốc hội trước khi quyết định vội vàng về việc thay đổi địa vị của Gilgit-Baltistan, bước đi mà một số người coi là ngược lại với quyết định mà Ấn Độ đưa ra năm 2019 về việc hủy quy chế đặc biệt của vùng Jammu và Kashmir. 
Những người chỉ trích cho rằng cuộc họp của lãnh đạo quân đội với các lãnh đạo đối lập trước khi ông Khan đưa ra thông báo cho thấy chính phủ và quân đội đang ngầm bắt tay nhau. Đáng nói là quân đội đang phụ trách dự án CPEC mà Trung Quốc đầu tư. 
Báo chí Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đang xúi Pakistan gộp vùng tranh chấp vào nhằm củng cố chỗ đứng của Bắc Kinh ở khu vực này. 
Những bài báo đó cho rằng Islamabad khó có thể cưỡng lại sức ép từ Bắc Kinh vì chính phủ đang phải tìm cách gia hạn cho khoản nợ 3 tỷ USD với Trung Quốc. 
Nếu Trung Quốc không gia hạn thỏa thuận vay, Pakistan sẽ cực kỳ khó trả nợ, một phần vì tình trạng tài chính khó khăn của đất nước, một phần vì quan hệ với các nước viện trợ giàu có truyền thống như Ả-rập Xê-út và UAE đang xấu đi. 

Trung Quốc lặng lẽ ‘đổ dầu’ vào mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan - ảnh 1 Vùng Gilgit Baltistan nằm gần vùng tranh chấp Jammu và Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan

Selig Seidenman Harrison, một nhà nghiên cứu về châu Á tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, nhấn mạnh trong bài viết gần đây rằng khoảng 7.000-11.000 binh lính Trung Quốc đang ở Gilgit-Baltistan để xây đường, đập thủy điện và các dự án hạ tầng khác. 
Ông Harrison viết rằng trước đây Trung Quốc muốn củng cố chỗ đứng ở Gilgit-Baltistan để xây đường bộ và đường sắt qua Pakistan nhằm kết nối với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, từ đó tránh tình trạng chỉ phụ thuộc vào các tuyến hàng hải có nguy cơ bị chặn nếu xung đột với Mỹ nổ ra. 
Theo bài viết của ông Harrison, các tàu chở dầu Trung Quốc mất từ 16-25 ngày để đến được vùng Vịnh, nhưng thời gian đó sẽ giảm xuống chỉ còn 48 giờ nếu sử dụng đường bộ và đường sắt nối từ Trung Quốc qua Gilgit-Baltistan đến các cảng của Pakistan ở Gwadar và những nơi khác. 
Ông Harrison từng viết trong một bài đăng trên New York Times rằng 22 đường hầm mà Trung Quốc xây dựng tại những vị trí ở Gilgit-Baltistan bí mật đến mức ngay cả binh lính Pakistna cũng bị cấm tiếp cận. Ông Harrison gợi ý rằng những đường hầm này có thể là “nơi cất tên lửa”, chứ không chỉ tạo ra các tuyến đường ống dẫn khí kết nối Iran với Trung Quốc. 
Những bài viết ban đầu của ông Harrison về hoạt động của Trung Quốc ở Gilgit-Baltistan được đăng trước khi sáng kiến Vành đai Con đường và CPEC được công bố. Tầm nhìn của Trung Quốc về khu vực này trở nên rõ ràng hơn sau khi BRI và CPEC được triển khai. 
Trung Quốc đến nay đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào các dự án năng lượng, đường sắt và đường bộ ở Pakistan. Trung Quốc cũng đầu tư 8,5 tỷ USD để làm nhà máy điện Diamer-Bhasha ở Gilgit-Baltistan. 
Tương lai của những khoản đầu tư lớn này ở Pakistan phụ thuộc vào ổn định chính trị ở Gilgit-Baltistan, vùng tiếp giáp với khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. 
Vùng Gilgit-Baltistan thường xảy ra nhiều xung đột nghiêm trọng giữa hai nhóm Hồi giáo Sunni và Shiite. Các nhóm địa phương khác cũng nhắm vào hoạt động và dự án của Trung Quốc ở vùng bán tự trị này.
Những mối đe dọa đó giải thích vì sao Trung Quốc muốn Pakistan kiểm soát tốt hơn vùng Gilgit-Baltistan bằng cách thành lập một tỉnh chính thức ở nơi này. 

Các nhà phân tích cho rằng đợt đụng độ chết người trên biên giới Ấn Độ – Trung Quốc hồi tháng 5 năm nay càng làm tăng tầm quan trọng chiến lược của Gilgit-Baltistan, đồng thời khiến Ấn Độ lo ngại về khả năng nổ ra chiến tranh trên hai mặt trận ở vùng núi cao mà họ cùng lúc phải đối phó.

RELATED ARTICLES

Tin mới