Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt – Trung – Mỹ: Gần và xa

Việt – Trung – Mỹ: Gần và xa

Giãn cách Trung Quốc ra và Tiến gần hơn tới Mỹ là giấc mơ lâu nay của đại đa số người Việt. Nhưng dân xứ “Đông Lào” ta vốn rất bị hạn chế trong các khả năng chọn lựa, nhất là quyền lựa chọn về chính trị đối ngoại. Biết vậy, nên trong vòng chưa đầy một tháng, Mỹ đã cho mấy ông kẹ cấp tập sang Hà Nội để làm cái chuyện đã rồi. Đặt lộ trình cho quan hệ Mỹ – Việt tới đây sao cho các chính quyền mới, cả Washington lẫn Hà Nội, nếu rồi đây có bị ép, cũng khó bẻ lái sang hướng khác.

Bởi vì không chỉ Hoa Kỳ sắp có tân tổng thống, tân nội các, mà ngay sau quý I sang năm, Việt Nam cũng sẽ có một ê-kíp lãnh đạo mới, từ Đảng, Nhà nước đến Quốc hội. Thế nhưng, tư bản “giẫy chết” vốn không có được cái ưu việt của “tư duy nhiệm kỳ” như bên CSVN, nên dù ở Mỹ các phe phái đang tranh chấp quyết liệt về kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, hai ông Pompeo và O’Brien vẫn đôn đáo tiến hành “ngoại giao con thoi” vì quyền lợi quốc gia – dân tộc.

Động cơ chiến lược của Hoa Kỳ

Mà lợi ích chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ sau khi chính quyền “hậu bầu cử” tiếp quản Nhà Trắng là gì? Rất đơn giản. Không thể để cho Trung Quốc soán ngôi, xoá Trật tự được xây dựng từ sau thế chiến hai, dựa trên luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại trên các đại dương, kể cả Biển Đông (FONOP). Lợi ích này, về cơ bản vẫn đòi hỏi phải chống lại mọi tổ hợp trong cái đại sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI) và “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Nói cách khác, chiến trường của chính quyền mới – như “The Financial Times” ngày 25/11/2020 đưa lại phát biểu của ông Biden – sẽ phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, chứ không hề tính chuyện rút lui hay né tránh các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Tuy chưa có tuyên bố về các vấn đề cụ thể, nhưng qua chiến dịch tranh cử Tổng thống 2020, ông Joe Biden dường như đã định hình được các trụ cột chủ yếu trong chính sách đối ngoại.

Nổi bật theo đó, ông Biden được cho là sẽ cứng rắn đối với các chế độ độc tài. Suốt chiến dịch tranh cử, ông đã công khai cảnh báo những lãnh đạo chuyên quyền rằng ông sẽ có một thái độ hoàn toàn khác so với Trump trước đây. Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á – Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, nhận định: “Ông Biden sẽ dễ đoán định hơn, ngay cả khi ông ấy áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh nhiều hơn đến nhân quyền và dân chủ”.

000_Was8943981.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Hà Nội hôm 7/7/2015. AFP

Nhiều quốc gia vừa và nhỏ trên khắp năm châu đang ngóng đợi ông Biden sẽ quan tâm tới họ. Tân Tổng thống sẽ không coi châu Phi là lục địa của “những quốc gia đáng sợ” như ông Trump ca thán. Từng làm Phó Tổng thống, Biden đã đến châu Phi nhiều lần, điều mà Trump chưa từng làm với tư cách Tổng thống. Biden được cho là người theo chủ nghĩa toàn cầu, muốn Mỹ là trung tâm trong mọi vấn đề từ đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế đến chống khủng bố.

Bối cảnh quốc tế nói trên được giới nghiên cứu đánh giá là đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mấy năm trở lại đây, quan hệ Mỹ – Trung nói chung và tình hình Biển Đông nói riêng xấu đi nhanh chóng. Nhưng không thể vì thế mà lại đi đánh giá là “cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang leo thang căng thẳng với những luận điệu hiếu chiến và hành động quân sự, đẩy mối quan hệ song phương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan…”. Phân tích như vậy là một sự lộn sòng nguy hiểm.

Đánh tráo Lý Thông với Thạch Sanh, đánh đồng kẻ đang rắp tâm gây ra bao hiểm hoạ cho Việt Nam với người “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, có thiện ý làm “đối tác toàn diện” với Việt Nam, vì lợi ích tương hỗ cho cả hai – là cái nhìn nông cạn chết người. Hẳn nhiên, Mỹ không thể và không bao giờ lại đứng ra làm thay các trách vụ của giới lãnh đạo Ba Đình hay của các thủ lĩnh ASEAN. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, thay đổi số phận của mỗi dân tộc, trước hết phải do quốc gia – dân tộc ấy là chính.

Đấu khẩu FB Trung – Mỹ giữa Hà Nội

Từ lâu, Hoa Kỳ hơn một lần từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở đây (tức hiểu là ở Đông Nam Á và châu Á). Chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một khu vực ‘Ấn Thái Dương tự do và rộng mở’ (FOIP) với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi” (Họp báo trực tuyến của Cố vấn B’Rien từ Manila hôm 23/11).

Trước đó một ngày tại Hà Nội, hôm 22/11/2020, trực tiếp nói chuyện với các sinh viên thuộc Học viện Ngoại giao ngay tại Nhà khách Chính phủ, ông O’Brien đã truyền đi thông điệp từ trái tim đến trái tim: “Từ Biển Đông đến Lưu vực sông Mekong, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu các bạn… Quyền thừa kế những nguồn tài nguyên này không thể bị tước đoạt, chỉ đơn giản vì một nước láng giềng to xác hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.

dsqtq111.jpeg

Ảnh chụp màn hình trang FB của Đại sứ quán Trung Quốc và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Việt Nam hôm 24/11/2020

Và hôm 25/11, hàng trăm Facebooker đã nhất loạt để lại vô số các bình luận xác đáng ngay bên dưới một bài đăng trên Facebook từ Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Vốn dĩ trước đó, bài của Sứ quán Trung Quốc viết: “Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien trong thời gian thăm Việt Nam đã ác ý làm nóng vấn đề Biển Đông và sông Mê Kông, phát đi tín hiệu công kích Trung Quốc, các ngôn luận này hoàn toàn đi ngược lại sự thật khách quan, chứa đầy tư duy chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ” (!?)

Đáp lại là gần hàng ngàn comment của cư dân mạng, hầu hết đều kịch liệt phản đối bài viết nói trên của ĐSQ Trung Quốc. Facebooker Phú Điền bình luận: “Dân Việt Nam không dám nhận làm láng giềng tốt, anh em tốt với các vị đâu, ngán đám tiểu nhân, lưu manh lắm”. Độc giả Nguyễn Nguyễn nêu ý kiến: “Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu chính xác quá. Trung Quốc hãy bớt tham, bớt bạo ngược với Việt Nam đi thì chả mấy chốc sẽ làm bá chủ thế giới. Nhưng các vị tham bát bỏ mâm. Ỷ mạnh hiếp yếu. Rất không trượng nghĩa”.

Trước đó, cũng lại có một bài khác trên Facebook của ĐSQ Trung Quốc với nội dung công kích ĐSQ Mỹ ở Hà Nội. Sự việc cho thấy dường như Cơ quan đại diện của Bắc Kinh không rút kinh nghiệm mỗi khi chỉ trích Mỹ bằng tiếng Việt, rằng trong các vụ tranh cãi, phần đông dân Việt Nam sẽ đứng về phía Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, trong cả hai vụ việc, Facebook của ĐSQ Mỹ ở Việt Nam không hề lên tiếng bác lại các phản pháo của ĐSQ Trung Quốc và cũng chẳng màng gỡ bài viết gây tranh cãi.

Đến nay, dễ hiểu là Bộ Ngoại giao CSVN giữ im lặng về cuộc đấu khẩu trên FB giữa hai Đại sứ quán của hai cường quốc hàng đầu thế giới ngay trong lòng Hà Nội. Điều ly kỳ được dân mạng phát hiện, với bài đăng mới nhất chỉ trích Mỹ bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, Sứ quán Trung Quốc đã hạn chế thị trường xem bài, chứ không để chế độ “public” như các post khác. Nghĩa là đối tượng “các đồng chí” Trung Quốc nhắm đến là người Tàu và người Việt chứ không phải dân từ xứ Cờ hoa.

“Nhu” nhưng quyết không “nhược”

Không chỉ trong lòng Hà Nội, mà trên Biển Đông, Hoa Đông và khắp hoàn cầu, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đã nghênh chiến và tuyên bố sẵn sàng đáp trả và chưa bên nào sẵn lòng lùi một bước để giảm căng thẳng, khiến bang giao đang “rơi tự do” hàng ngày. Đúng! Nhìn bề ngoài là như thế, nhưng bản chất của các hành động cũng như các tuyên bố của Mỹ lẫn Trung Quốc lại khác xa nhau về chất. Trên thực tế, Trung Quốc còn được cho là đang dự tính và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Cảnh báo cho Hà Nội về một số nguy cơ nhãn tiền trong quan hệ với Tàu có thể là mục đích chính yếu của hai chuyến thăm, kèm theo những thông điệp mà ông Pompeo và ông O’Brien mang đến. Tái khẳng định chính sách đối với Biển Đông là Mỹ cùng các quốc gia khác sẽ chống lại yêu sách lãnh thổ và biển đảo vô thiên vô pháp của Trung Quốc. Hai chuyến thăm vào phút chót của các quan chức Mỹ nhằm định vị di sản của Trump về chiến lược FOIP và biến tầm nhìn ấy thành “chuyện đã rồi” đối với cả Biden lẫn dàn Lãnh đạo tương lai ở Hà Nội.

Ngoài lý do sợ ông Trump “lật kèo” thành công và có thể ngại “bị trã đũa” kinh tế là điều khiến ông Nguyễn Phú Trọng chưa gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nhấn mạnh đến “nguy cơ kép” ở Biển Đông, trên sông Mekong và bị thọc sườn từ phía Tây, Robert O’Brien hẳn đã khẳng định với Hà Nội là Mỹ sẽ chống lại các hành động cưỡng chế và bắt nạt của Trung Quốc trên biển đảo, đất liền và lưu vực Mekong. Để đổi lại, Mỹ có thể muốn Việt Nam trở thành thành viên “theo sát hoặc đồng hành” (shadow member) của FOIP.

Nếu sự kết nối của Hà Nội đối với toàn bộ chiến lược FOIP có thể làm Bắc Kinh nổi giận, “Bộ Tứ” sẵn sàng chấp nhận cấp độ thấp hơn – một kết nối “thuần tuý” về kinh tế – mà không nhấn mạnh công khai khía cạnh hợp tác an ninh. Đó là tham gia “Mạng lưới các quốc gia thịnh vượng”, một dạng thức mở rộng của “Bộ tứ +”, rồi đây không chỉ Việt Nam mà một số nước châu Á khác cũng có thể dự phần.

Mỹ quá hiểu tình thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” của Hà Nội, nhất là vào thời điểm cuộc chia ghế ở Ba Đình đang vào hồi gay cấn. Chính vì thế bao lâu nay, các yếu nhân Hoa Kỳ, từ tổng thống đến các quan chức hàng đầu trong chính quyền, mỗi lần sang xứ “Đông Lào” này đều láy đi láy lại một ý tưởng nhất quán. “Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực…” (O’Brien nói với Phạm Bình Minh như thế trong hội đàm hôm 21/11 tại Hà Nội).

Trước nay nhìn chung, nhân loại có lương tri thường ủng hộ bên yếu thế chống lại kẻ cường quyền, dù ở quy mô quốc gia hay quốc tế. Ủng hộ bên yếu, chứ không thể ủng hộ kẻ nhu nhược. Với một Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông”, Việt Nam buộc phải lấy “nhu thắng cương”. Điều này thế giới hoàn toàn cảm thông. Tuy nhiên, ngày nay chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh thời đại khi Việt Nam biết cách giảm dần sự lệ thuộc vào Bắc Kinh, giãn cách Trung Quốc ra và tiến gần hơn tới Mỹ. Cần thì “nhu” nhưng quyết không được “nhược”!

RELATED ARTICLES

Tin mới