Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNguy cơ mới đổi với hệ thống ngân hàng TQ

Nguy cơ mới đổi với hệ thống ngân hàng TQ

Theo một tài liệu chủ nợ được Financial Times theo dõi, gần 70 ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài – cũng như các công ty tín thác, đã cho Huachen Automotive Group vay tổng cộng 33,5 tỷ CNY (5,1 tỷ USD) vào năm ngoái.

Financial Times cho biết, một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã vỡ nợ hàng tỷ USD, làm dấy lên mối lo ngại rằng những chấn động của thị trường trái phiếu có thể càn quét qua ngành ngân hàng.

Theo một tài liệu chủ nợ được Financial Times theo dõi, gần 70 ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài – cũng như các công ty tín thác, đã cho Huachen Automotive Group vay tổng cộng 33,5 tỷ CNY (5,1 tỷ USD) vào năm ngoái. Tiết lộ về tài liệu này được đưa ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ USD của đất nước này bị rung chuyển bởi những vụ vỡ nợ tại các công ty được chính phủ hậu thuẫn.

Các vụ vỡ nợ gần đây đã gây ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin lâu dài của nhà đầu tư về việc chính quyền địa phương Trung Quốc sẽ luôn cứu trợ các tập đoàn gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, tình trạng hiện tại cũng làm dấy lên mối lo ngại về “sức khỏe” của cả hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một số chủ nợ cho biết, họ đang đánh giá lại mức độ tiếp xúc với Huachen, sau khi công ty này vỡ nợ 1 tỷ CNY trái phiếu hồi tháng 10. Tập đoàn này sở hữu các công ty con bao gồm đối tác của BMW trong liên doanh sản xuất tại Trung Quốc. Huachen là công ty có trụ sở tại thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc, do chính quyền tỉnh Liêu Ninh kiểm soát.

Một nhân viên ngân hàng làm việc tại một trong những chủ nợ của Huachen chia sẻ với Financial Times rằng: “Chúng tôi đã thảo luận với Huachen, bởi đây là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất ở Liêu Ninh và chính quyền địa phương không đủ nguồn lực để tập đoàn này phá sản.”

Những ngân hàng cung cấp khoản vay cho Huachen có Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – 2 trong số 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất tại quốc gia này. Khoản nợ của Huachen với 2 nhà băng này lần lượt là 2 tỷ CNY và 642 triệu CNY, đã tính đến các khoản vay của tập đoàn này cho đến tháng 9 năm ngoái, theo tài liệu từ chủ nợ.

Trong khi đó, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Huachen là Ngân hàng DBS của Singapore, với khoản vay 779 triệu CNY.

Wei He – nhà phân tích tại Gavek al Dragonomics, cho biết sự bùng nổ của số lượng các vụ vỡ nợ gần đây có thể khiến chất lượng tài sản tại các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm. Hoạt động của các nhà cho vay này chịu ảnh hưởng lớn từ phía chính phủ và họ có tiềm lực lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước (SOE) địa phương. He nói thêm: “Đã qua rời thời điểm các ngân hàng Trung Quốc có thể đáo hạn nợ vô thời hạn, giúp cho báo cáo tài chính của họ trông ‘đẹp’ hơn.”

Hơn nữa, Huachen cũng đã vay tổng cộng 2,5 tỷ CNY từ 2 ngân hàng chính sách lớn do nhà nước kiểm soát, đó là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC). Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô vào trái phiếu của các ngân hàng chính sách Trung Quốc trong năm nay.

Bộ phận môi giới của CDB đã bảo lãnh phát hành 9 tỷ CNY trái phiếu của Huachen, bao gồm cả trái phiếu đã vỡ nợ. Riêng CDB Securities nắm giữ 1 tỷ CNY trái phiếu của Huachen.

Ngân hàng Jinzhou – một nhà cho vay nhỏ tại Liêu Ninh từng được ICBC “giải cứu” hồi năm ngoái, đã “ôm” khoản nợ 950 triệu CNY. Jinzhou là một trong 3 ngân hàng nhỏ đã đóng cửa hoặc tái cơ cấu vào năm 2019. Các ngân hàng nhỏ – vốn chịu áp lực ngày càng lớn trong những năm gần đây, chiếm hơn 30% các khoản nợ chưa thanh toán của Huachen.

Financial Times nhận định, các vấn đề về nợ của Huachen và các công ty khác trong thời gian gần đây có thể gây ra những tác động lớn hơn đến dòng chảy tín dụng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Các ngân hàng tại nước này thường ấn định hạn mức cho vay hàng năm đối với các tỉnh và thành phố. Khu vực công nghiệp do nhà nước kiểm soát của Liêu Ninh từ trước đến nay thường được các tổ chức tài chính nhà nước hỗ trợ, từ đó tạo niềm tin rằng khu vực này có được sự hậu thuẫn vững chắc từ chính quyền tỉnh.

Dẫu vậy, nhân viên ngân hàng tại một trong những chủ nợ của Huachen nói rằng, nếu các quan chức tỉnh không đưa ra một “giải pháp tốt” giữa tập đoàn này với các chủ nợ, họ sẽ phải cắt giảm đáng kể hạn mức cho vay của tỉnh Liêu Ninh.

Một trái chủ tiết lộ với Financial Times rằng Huachen và các quan chức tỉnh Liêu Ninh đã có quan điểm cứng rắn khi đàm phán với các chủ nợ. Người này nói: “Huachen và chính quyền địa phương nghĩ rằng các ngân hàng nên nhượng bộ để hỗ trợ nền kinh tế tỉnh này.”

Trong khi đó, DBS cho biết: “Việc không giải quyết được vấn đề về nợ của Huachen sẽ khiến niềm tin của các tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư toàn cầu bị lung lay, bao gồm cả DBS, vào môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế của Liêu Ninh, cũng như vùng đông bắc Trung Quốc.”

RELATED ARTICLES

Tin mới