Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lại leo thang căng thẳng!

TQ lại leo thang căng thẳng!

Mấy tháng nay tình hình Biển Đông xem chừng êm ả. Mọi chú ý của dư luận thế giới đều hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vậy nhưng đầu tháng 12 này Trung Quốc bất ngờ gây căng thẳng bằng việc “hâm nóng” Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Cụ thể là sau gần một năm im lặng, Trung Quốc cùng lúc tiến hành khôi phục du lịch ở Hoàng Sa và đưa tàu bệnh viện đến Trường Sa. Hôm 1/12, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, loan tin do dịch bệnh Covid-19 đã tạm lui cho nên tỉnh này bắt đầu nối lại các chuyến tàu du lịch ra quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam).

Theo kế hoạch, từ ngày 9 đến 10/12, hai tàu du lịch của Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại. Tour du lịch biển kéo dài 4 ngày 3 đêm, khởi hành từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, đến đảo Ba Ba thuộc Hoàng Sa.

Không chỉ có tàu du lịch, dịp này Hải quân Trung Quốc còn tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Hôm 30/11, tàu bệnh viện Nanyi 13 được quân đội Trung Quốc triển khai tại Đá Chữ thập.

Trước hành động ngang ngược này, Hà Nội đã kiên quyết phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 3/12: “Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt mọi hoạt động có thể gây leo thang căng thẳng”.

Phản đối là việc của Việt Nam. Lần nào cũng chỉ ngần ấy chữ, nhưng biết nói sao hơn trong điều kiện “vừa đấu tranh vừa hợp tác”. Việc của Trung Quốc là cứ xua người, xua quân tràn ra Biển Đông bằng mọi giá.

Hà Nội không lạ gì kế hoạch đưa dân ra sống ngoài Biển Đông của Trung Quốc. Kế hoạch này đã được xây dựng từ năm 2012. Hồi đó“Thành phố Tam Sa”, trung tâm hành chính cho các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, được nâng cấp từ “huyện cấp thị”(cấp quận) lên “địa cấp thị” (thành phố cấp địa khu).

Nhà cầm quyền Bắc Kinh tính toán, sẽ tái định cư cộng đồng ngư dân ở Tam Sa thành các khu dân cư hiện đại, xây dựng trường tiểu học, ngân hàng, bệnh viện và lắp hệ thống liên lạc viễn thông. Nhất cử lưỡng tiện, vừa xây dựng đô thị, chuẩn bị hạ tầng tốt sẵn sàng cho chiến tranh, vừa phục vụ du lịch. Khách du lịch sẽ tới thăm đảo này trên những chuyến du thuyền.

Kế hoạch này chuyển qua giai đoạn 2 từ tháng 4/2019. Khi đó Trung Quốc thiết lập thêm hai khu vực hành chính cấp quận trực thuộc “thành phố Tam Sa”, trong đó có việc lập chính quyền Nhân dân Quận Nam Sa, có trụ sở tại Bãi đá Chữ thập. Chính quyền quận sẽđiều hành tất cả các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa (trong vòng sáu năm), theocác hình ảnh quan sát từ trên không và vệ tinh, một trong những nỗ lựclớn của Bắc Kinh là xây dựng khuquân sự và thiết kế hàng hải lớn nhất trên thế giới.

Đi liền với các khu dân hiện đại – các tòa nhà hành chính mái ngói xanh lam, các bệnh viện, trung tâm thể thao trên các hòn đảo bồi đắp –là sân bay, bến cảng, kho chưa vũ khí, nguyên liệu. Viện khoa học Trung Quốc đã mở Trung tâm Nghiên cứu Đại dương ở Bãi đá Vành khăn vào tháng 1/2019.

Bằng ấy sự việc nêu trên là bằng ấy lần Việt Nam kịch liệt phản đối. Nhưng không bao giờ nhận được bất kỳ hồi âm nào từ “đồng chí tốt” Trung Quốc. Người láng giềng này hiện nguyên hình là kẻ xâm lược với cái áo khoác lòe loẹt mang tên hòa bình-hữu nghị.

Không chỉ có Việt Nam. Các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia… cũng luôn bị Trung Quốc bắt nạt, tìm cách thôn tính từng bước. Với chiêu trò khôi phục du lịch lần này, đương nhiên không chỉ là tính toán kinh tế. Thực chất là kinh tế gắn với quốc phòng, là sự khẳng định chủ quyền một cách trắng trợn.

Những đoàn khách du lịch Hoàng Sa, Trường Sa không phải mang đến những cơn gió lành mà đang reo giắc tai họa và chiến tranh trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới