Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông, khi tàu chiến Đức hiện diện

Biển Đông, khi tàu chiến Đức hiện diện

Biển Đông, chưa có hiện diện của tàu chiến Đức, đã khiến Bắc Kinh vô cùng khó chịu. Thời gian tới, nếu tàu chiến Đức hiện diện, cặp kè bên cạnh tàu chiến Mỹ và các “bộ tam”, “bộ tứ” đồng minh khác, chắc chắn, Trung Quốc lại có thêm lý do để giận giữ.

Một chiến hạm của Hải quân Đức trên Địa Trung hải

Cách đây hơn hai tháng, ngày 16/9, Bộ Ngoại giao ba nước Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, phản bác 7 công hàm của Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Công hàm chung nhấn mạnh: Các yêu sách đường cơ sở thẳng, “quyền lịch sử” Trung Quốc đưa ra là vô lý, căn cứ vào UNCLOS 1982.

Động thái công hàm của ba cường quốc Tây Âu nêu trên như một đòn nặng nề bồi thêm vào Trung Quốc sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ hầu hết các yêu sách lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông, cũng bằng cách vận dụng, giải thích UNCLOS 1982.

Ngày 18/9, sau đúng 2 ngày, ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh, cũng bằng cách gửi công hàm lên LHQ, phản pháo rằng: Trong công hàm chung, Anh, Pháp và Đức đã lập luận, diễn giải, áp dụng UNCLOS không chính xác “là có động cơ bí mật”. Đồng thời, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng, họ đang giải quyết tranh chấp với các bên một cách hòa bình và hữu nghị, cho dù, chẳng ai ngây thơ để còn tin vào lời khẳng định đó.

Cũng thời điểm trên, cùng với thông tin Cộng hòa Liên bang Đức thông qua chiến lược “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, trong đó, khẳng định mục tiêu mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á để hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã rộ lên thông tin về việc Đức sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông, với danh nghĩa, tham gia bảo vệ “tự do hàng hải” trong khu vực này. Lý do là: Đức có quyền lợi trong tuyến giao thương quan trọng bậc nhất trên biển này.

Hành xử của Berlin khiến Bắc Kinh điên tiết. Họ cho rằng, đây chỉ là sự “theo đuôi” Mỹ một cách hệ thống của Đức và các nước Tây Âu. Bởi lẽ: Đức quá xa Biển Đông; về mặt lợi ích, cho dù hằng năm, Đức vận chuyển khối lượng hàng hóa trị giá tới 117 tỷ đô la dọc theo tuyến đường này, hay hơn nữa, thì Trung Quốc cũng chưa từng một lần gây khó dễ, làm gì mà phải làm hoắng lên?

Bẵng đi vài tháng, chuyện tàu chiến của Đức sẽ hiện diện trên Biển Đông lại được hâm nóng trở lại trên nhiều phương tiện truyền thông phương Tây và Nga vào đầu tháng 11 vừa qua, khi đưa tin về cuộc hội thảo trực tuyến diễn ra tại Australia với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer.

Trong thông tin, cùng với nhấn mạnh rằng tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị đe dọa; đề cập khả năng Đức có thể điều một tàu khu trục đến Biển Đông vào năm 2021 để cùng tham gia các cuộc tuần tra và cử các sĩ quan Đức tham gia các đơn vị hải quân Australia, bà bộ trưởng quốc phòng Đức chẳng chút nể mặt “cường quốc đang trỗi dậy”, đã chỉ trích nặng nề, đích danh tham vọng của Trung Quốc và lên án các hành vi của nước này là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Chưa hết, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức còn cho rằng, để giải quyết vấn đề, cần có “cách tiếp cận đa phương”, và kêu gọi các nước thành viên NATO ủng hộ quan điểm, cách làm mà Mỹ đang triển khai bấy nay trên Biển Đông.

Biển Đông, chưa có hiện diện của tàu chiến Đức, đã khiến Bắc Kinh vô cùng khó chịu. Thời gian tới, với sự quyết đoán của một chính phủ đứng đầu là “người đàn bà thép” từng giữ vị trí quán quân nhiều năm liền trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, tàu chiến Đức sẽ cặp kè bên cạnh tàu chiến Mỹ và các “bộ tam”, “bộ tứ” đồng minh khác, chắc chắn, Trung Quốc lại có thêm lý do để mà giận giữ.

RELATED ARTICLES

Tin mới