Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc

Chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc

Ngày 15/12, Hãng tin Channel NewsAsia có bài phân tích về chính sách của ông Joe Biden sắp tới về Biển Đông. Bài viết của chuyên gia Collin Koh có nhiều quan điểm thẳng thắn, với những cứ liệu thuyết phục.

Ông Collin Koh là chuyên gia của Chương trình An ninh hàng hải, Đại học Nanyang (Singapore). Mở đầu ông nhận xét chắc nịch: Nhiều khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ kế thừa chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đối phó chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc.

Chính sách nào thì cũng phải hướng tới một Biển Đông hòa bình, các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển. Cần phải định nghĩa cho đúng khái niệm “quân sự hóa”. Việc mà Mỹ cùng các quốc gia liên quân cần làm đầu tiên là xóa bỏ những mơ hồ trong khái niệm “quân sự hóa”.

Theo thuật ngữ quân sự, quân sự hóa có thể là một chuỗi các hành động liên tục. Đó là việc bố trí một đội quân vũ trang hạng nhẹ, cho đến việc triển khai tên lửa có đầu đạn hạt nhân tại một địa điểm. Thế nhưng có những hành động ngang nhiên Trung Quốc đã và đang tiến hành trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép lại có những ý kiến khác nhau. Chẳng hạn: Xây dựng đường băng và bến cảng thì có phải là “quân sự hóa”?

Đường băng và bến cảng có tính “lưỡng dụng”. Trên một đường băng có thể hỗ trợ hoạt động bay của cả máy bay dân dụng và máy bay chiến đấu.

Dường như trong khi tranh luận, các nước đều né tránh trả lời câu hỏi này. Chỉ có Hà Nội là sốt sắng hơn cả. Theo các chuyên gia quân sự Việt Nam, “quân sự hóa” được hiểu là “lắp đặt, triển khai hoặc phát triển bất kỳ loại vũ khí nào có tính chất tấn công cho mọi mục đích”.

Về lý thuyết thì như thế, nhưng trên thực địa, rất khó xác định được điều gì dẫn đến “quân sự hóa”. “Vũ khí có tính chất tấn công” là vũ khí nào đây? Bởi hầu hết các loại vũ khí đều đáp ứng cả hai yêu cầu phòng thủ và tấn công? “Thủ” hay “công” là do người cầm quân, người sử dụng vũ khí quyết định.

Đến nay Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trái phép các tiền đồn ở Trường Sa. Trên các tiền đồn ấy có đủ đường băng, bến cảng, boongke, cùng các cơ sở hạ tầng lưỡng dụng khác. Ỷ thế mạnh, Bắc Kinh phớt lờ tất cả sự lên án, phản đối của các bên liên quan, liên tục bắt nạt, gây sức ép đối với các bên tranh chấp.

Chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc được vận dụng triệt để ở Biển Đông trong nhiều năm qua. Tại đá Subi và đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thật sự là “điểm dừng chân” lý tưởng, giúp tàu Trung Quốc không cần quay trở lại căn cứ trên đất liền để tiếp nhiên liệu. Đường băng trên đá Chữ Thập có độ dài hơn 3.000 m, đủ cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tiễu cất và hạ cánh. Từ đây chúng  có thể hoạt động liên tục lâu dài, nếu có thời gian gián đoạn cũng rất ngắn.

Vòng xoáy đối đầu và phản công quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai bên khó có thể đạt được một sự đồng thuận khi tranh luận về lý thuyết cũng như hành động quân sự hóa.

Để đối phó các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, Hải quân Mỹ hồi đầu tháng 7/2020 đã điều các nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan đến Biển Đông. Lập tức phía Trung Quốc tiến hành một loạt các cuộc tập trận tấn công trên biển, trong đó có vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM).

Việc ăn miếng trả miếng giữa hai “con hổ lớn” còn tiếp tục trong các tháng tiếp theo, với các loại vũ khí, khí tài hiện đại nhất

Sự thay đổi hướng tới một chiến lược toàn diện hơn trong vấn đề Biển Đông là điều dễ nhận thấy. Ông Mike Pompeo – Ngoại trưởng Mỹ  –  tuyên bố rằng “các tuyên bố của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật”. Còn trước tuyên bố thẳng căng này của Pompeo, chính quyền Donald Trump chủ yếu đối phó chiến lược “sự đã rồi” của Bắc Kinh thông qua cách tiếp cận quân sự. Tổng thống Trump cũng kín đòn, khi ông “khéo léo” thể hiện qua sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ và các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.

Do “khéo léo” như thế nên Mỹ đã không thành công trong việc ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục làm càn, cưỡng ép các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

Sắp tới, chính quyền ông Biden sẽ phải tiếp tục đối phó chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ sẽ khó có thể rút lại một số chính sách thời Tổng thống Trump. Bởi việc rút lại sẽ khiến các nước hiểu sai về cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực. Nhân đà đó, Bắc Kinh có thể sẽ hành động hung hăng hơn.

Khi Bắc Kinh cố tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, Washington cần xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Cùng với các công cụ pháp chế quân sự hóa, Mỹ phải gia tăng sức ép kinh tế, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Trung Quốc.

Thay vì áp dụng cách tiếp cận đơn phương, sắp tới, khi ngồi vào ghế nóng, chính quyền Biden cũng có thể tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Điều đó giúp cho các chính sách của Mỹ ở Biển Đông phù hợp với các mối quan tâm và lợi ích của các nước này.

Đấy cũng là cách hữu hiệu để Trung Quốc không đẩy thiên hạ vào cái bẫy “sự đã rồi”!

RELATED ARTICLES

Tin mới