Dẫn đầu doanh thu trong ngành đồ gỗ thuộc về Wanek Furniture, năm ngoái thu về gần 18.300 tỷ đồng, bỏ xa các đơn vị xếp sau.
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm nay, ngành kinh doanh này tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sau 11 tháng đạt 10,88 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. 5 thị trường xuất khẩu trong điểm của Việt Nam theo thứ tự gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng vượt trội với khoảng 55% tổng kim ngạch, gấp 5 lần so với Nhật Bản đứng thứ 2.
Theo cơ cấu sản phẩm, đồ gỗ và ghế ngồi chiếm lần lượt 44% và 21%, tăng rất mạnh trong năm qua (tăng 28%). Ở vị trí thứ ba, dăm gỗ đang chiếm khoảng 14% giá trị xuất khẩu ngành của Việt Nam (giảm 10%).
Các con số về tăng trưởng hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh COVID-19 cho thấy nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên theo giới quan sát, xuất hiện tín hiệu rủi ro gian lận thương mại ở một số mặt hàng, nhất là khi xuất khẩu sang Mỹ tăng rất mạnh. Trong khi đó, nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc cũng đang đồng pha (bộ phận đồ gỗ tăng 134% sau 9 tháng), tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Mặt khác, làn sóng đầu tư nước ngoài cũng đã ồ ạt đổ vào ngành gỗ Việt Nam trong năm nay. Trên thực tế, chế biến gỗ xuất khẩu có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp FDI, nhất là kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu.
Tính đến hết năm 2019, gần 1.000 doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành gỗ với tổng mức vốn 6,3 tỷ USD. Dẫn đầu danh sách là cách doanh nghiệp Đài Loan (1 tỷ USD), Hồng Kông (952 triệu USD), Trung Quốc (651 triệu USD), Hàn Quốc (650 triệu USD), British Virgin Islands (894 triệu USD). Tuy chỉ chiếm 15% trong tổng số doanh nghiệp ngành gỗ tại Việt Nam, nhưng nhóm FDI đóng góp tới 48% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, giá trị 4,95 tỷ USD năm 2019.
Dữ liệu của chúng tôi về các doanh nghiệp đồ gỗ kinh doanh tốt nhất Việt Nam năm 2019 cho thấy đa phần họ là nước ngoài, trừ trường hợp của Gỗ An Cường.
Dẫn đầu danh sách là Wanek Furniture (hay còn gọi là Gỗ Hoa Nét) doanh thu gần 18.300 tỷ đồng, họ lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng. Hoa Nét được thành lập tại Việt Nam từ năm 2008 là một công ty của Mỹ. Các nhà máy và kho của họ đặt tại Bình Dương và Quảng Ngãi, với quy mô nhân sự trên 12.000 người.
Hoa Nét lớn vượt trội so với các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ khác, An Cường của Việt Nam xếp thứ hai thu về 4.435 tỷ đồng, lãi sau thuế 486 tỷ đồng. Hay như Nitori Furniture (Nhật Bản), doanh thu của họ gần 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 616 tỷ đồng.
Danh sách các doanh nghiệp đồ gỗ nội thất doanh thu từ 2.000 – 3.000 tỷ đồng vắng bóng những cái tên nội. Có thể kể đến như Shing Mark Vina, RK Resources, Kaiser 1 Furniture, Rochdale Spears, Poh Huat… Lợi nhuận của nhóm này dao động từ vài chục đến hơn một trăm tỷ đồng.
Trong các lĩnh vực chế biến gỗ khác như dăm gỗ, ván gỗ xuất hiện nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam, với các yêu cầu về kỹ thuật thấp hơn, thay vào đó yếu tố tài nguyên chính rừng trong nước là lợi thế.
MDF Dongwha – liên doanh của Tập đoàn Cao su (VRG) và Dongwha International Hàn Quốc, họ chuyên sản xuất gỗ ép sử dụng nguồn nguyên liệu cây cao su dồi dào từ tập đoàn của Việt Nam. Năm ngoái doanh thu của họ đạt hơn 3.330 tỷ đồng, lợi nhuận ròng ấn tượng 538 tỷ đồng. MDF Quảng Trị thuộc VRG cũng có quy mô doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp Hào Hưng Quảng Ngãi và Hào Hưng chuyên xuất khẩu dăm gỗ làm nguyên liệu giấy, đem về lần lượt 2.344 tỷ đồng và 1.370 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên lợi nhuận của hai công ty này chỉ mang tính chất tượng trưng, vài tỷ đồng.
Vijachip là liên doanh của Vinafor (Việt Nam) và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cũng chuyên sản xuất nguyên liệu giấy sở hữu nhà máy Vijachip Cái Lân doanh thu gần 2.000 tỷ, Vijachip Vũng Áng doanh thu 430 tỷ đồng.
Trường hợp của Hoàng Đại Vương kinh doanh ván ép và viên nén gỗ ghi nhận mức doanh thu gần 1.200 tỷ đồng…