Sunday, July 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ “tiền hô”, Nhật, Ấn “hậu ủng”?

Mỹ “tiền hô”, Nhật, Ấn “hậu ủng”?

Ấn Độ và Nhật Bản cùng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng hành động cưỡng chế hoặc bất kỳ hoạt động nào làm leo thang căng thẳng nào trên Biển Đông; Đồng thời, nêu bật tầm quan trọng của một trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền.

“Bộ tứ” cùng cảnh báo hành vi Trung Quốc trên Biển Đông

Không phải một thông tin rò rỉ, mà là một thông tin chính thức. Cụ thể, ngày 22/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ra một thông cáo, cho biết: Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi vừa có một cuộc điện đàm, trong đó, hai ông đã trao đổi quan điểm về tình hình khu vực, bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai nước phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng hành động cưỡng chế hoặc bất kỳ hoạt động nào làm leo thang căng thẳng nào. Họ cũng chia sẻ quan điểm phải nêu bật tầm quan trọng của một trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền; Khẳng định, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng trong thời gian tới.

Về phía Ấn Độ, dù không có thông cáo chính thức như đối tác Nhật Bản, tuy nhiên, trên trang cá nhân Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cũng phụ họa với người đồng cấp Nhật Bản rằng: Ông và ông Kishi đã bày tỏ sự hài lòng về hợp tác quốc phòng song phương hiện nay giữa Ấn Độ và Nhật Bản, và nhấn mạnh: “Ấn Độ cam kết nâng cao hơn nữa các cam kết với Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ đối tác Chiến lược và Toàn cầu Đặc biệt”.

Khác nhau về hình thức lan truyền, những thông điệp thì cùng thời điểm – rõ là là hai cường quốc Châu Á này không thể không bàn bạc “anh nói trước hay tôi nói trước”.

Một động thái như thế giữa hai, hay ba quốc gia khác không tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, có thể Bắc Kinh không coi là to chuyện. Thế nhưng, đây lại là hai cường quốc Châu Á từng nhiều bận “cơm không lành, canh không ngọt” với Trung Quốc.

Quan hệ Trung – Ấn, từ 60 năm nay chưa bao giờ thực sự yên ổn. Nó luôn âm ỉ như thùng thuốc súng. Chỉ trong năm 2020, hai vụ việc nóng đã xảy ra. Vào tháng 6, tại khu vực biên giới Trung-Ấn bao gồm địa điểm gần hồ Pangong ở Ladakh và một địa điểm gần biên giới giữa Sikkim và Khu tự trị Tây Tạng, đã xảy ra một vụ đụng độ giữa hai bên. Sự việc nghiêm trọng tới mức, cả hai cường quốc đều tăng cường lực lượng vũ trang tới khu vực này. Khói súng còn chưa tan hẳn, đầu tháng 9, lại một vụ nổ súng khác khiến hai binh sĩ Ấn Độ chết và bị thương khi lính biên phòng hai bên lao vào nhau. Căng thẳng leo thang khiến cả thế giới hồi hộp. Cả hai bên đều biết rõ một cuộc khủng hoảng quân sự quy mô lớn sẽ đưa đến kết quả gì, nên đã cùng nỗ lực cứu vãn. Ngòi nổ chiến tranh được tháo gỡ, nhưng giới chuyên gia quốc tế bình luận rằng: vụ việc đã khiến Trung Quốc tổn thất “một thế hệ” về kinh tế bởi các hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai này bị người Ấn “kỳ thị”, tẩy chay.

Với Nhật Bản, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Những cuộc đấu khẩu nhiều lần diễn ra giữa hai bên liên quan quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà cả hai bên đang tranh chấp ở biển Hoa Đông. Không chỉ đấu khẩu, cả hai bên, ăn miếng trả miếng, còn có những động thái quân sự để “đe” nhau. Cho dù chưa có nổ súng, nhưng Senkaku, theo giới chuyên gia, vẫn là một vấn đề gây trở ngại lớn cho quan hệ hai nước và còn lâu mới có thể giải quyết triệt để.

Thế nên, cái việc “nắm tay nhau” giữa Nhật Bản và Ấn Độ cùng thông điệp khó chịu nhằm vào Trung Quốc thời điểm này không làm dư luận ngạc nhiên.

Đó là chưa kể, ngoài việc có hiềm khích riêng với Bắc Kinh, Nhật Bản và Ấn Độ còn cùng là thành viên trong “bộ tứ kim cương” (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ), lại cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ. Một khi Mỹ đã “tiền hô”, thể hiện thái độ rõ ràng về vấn đề Biển Đông qua Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 13/7, bác bỏ hầu hết quyền lợi của Trung Quốc yêu sách trong cái gọi là “đường chín đoạn”, thì phận đồng minh, Nhật Bản và Ấn Độ không làm cái việc “hậu ủng” sao được?

RELATED ARTICLES

Tin mới