Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngĐầu năm, TQ đưa máy bay siêu vận tải Y-20 ra đá...

Đầu năm, TQ đưa máy bay siêu vận tải Y-20 ra đá Chữ Thập

Theo South China Morning Post, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bay phi pháp vận tải cơ Y-20 tới Đá Chữ Thập ở Biển Đông vào ngày 25/12.

Theo South China Morning Post, máy bay này được nhìn thấy trên đá Chữ Thập, nhưng không được quan sát thấy đang bốc dỡ hàng hóa. Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép.

Những hình ảnh được Ken Joyce, giám đốc quản lý sản phẩm của Maxar Technologies, một công ty công nghệ vũ trụ của Mỹ, đăng trên LinkedIn hôm 29/12/2020.

“Quan sát thấy vận tải cơ Y-20 tại đá Chữ Thập. Do DeepCore AI/ML phát hiện”, anh nói. DeepCore AI/ML là một công nghệ phân tích hình ảnh.

Theo SCMP, một nguồn tin quân sự Trung Quốc xác nhận hoạt động và cho biết đây là lần đầu Y-20 được triển khai đến Trường Sa, để kiểm tra khả năng vận hành. 

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết Y-20 có khả năng mang theo các thiết bị quân sự hạng nặng như phương tiện bọc thép và bệ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, theo ông, không có thêm thông tin về hàng hóa, thì chỉ có thể suy đoán về hoạt động mà vận tải cơ này đã thực hiện.

Tháng 5/2020, công ty vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) công bố ảnh vệ tinh cho thấy sự xuất hiện của máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KJ-200 cùng một trực thăng Z-8 của Trung Quốc tại đá Chữ Thập. Trước đó, theo Đa chiều, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay KJ-200 của Trung Quốc cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập.

Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích các hành vi quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Việt Nam cho rằng, hoạt động của các nước tại khu vực cần phải tuân thủ các quy định liên quan của quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới