Friday, November 8, 2024

“Ma ăn cỗ”

Khi cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc còn tiếp diễn, bất cứ dự án nào được xây dựng có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc – nơi từng sinh ra Tào Tháo, với Mỹ, đều đáng nghi ngờ. “Ma ăn cỗ”, ai mà biết được?

Liên tiếp các công ty Trung Quốc dính đòn của Mỹ

Cú đòn nặng nề về công nghệ bắt đầu bằng việc tháng 5 năm 2020 đưa Huawei vào vào danh sách thực thể, dẫn đến việc Google cắt đứt mối quan hệ hợp tác với tập đoàn viễn thông này. Theo đó, các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Android được sản xuất bởi Huawei và Honor (công ty con của Huawei) không còn được cài đặt sẵn các ứng dụng và dịch vụ của Google.

Chưa dừng lại, tháng 8 năm 2020, chính phủ Mỹ lại công bố lệnh trừng phạt bổ sung với Huawei, cấm các doanh nghiệp cung cấp chíp bán dẫn được sản xuất bằng trang thiết bị, công nghệ, thiết kế của Mỹ cho Huawei khi chưa được Washington phê chuẩn. Không ai không biết, trong thực tế, thị trường chíp bán dẫn, hầu như không có lĩnh vực nào là không sử dụng tới công nghệ của Mỹ, từ thiết kế, phần mềm, tới trang thiết bị sản xuất…Các đòn trừng phạt trên khiến Huawei thấm đòn bởi “Huawei là công ty quan trọng nhất đứng đầu chuỗi giá trị, là người dẫn dắt và trung tâm của ngành. Đó là đầu rồng của chúng tôi” – như một nhận định của một nhà nghiên cứu chính sách giấu tên.

Trong một báo cáo hiếm hoi được công bố bởi cục thống kê Thâm Quyến năm 2016, Huawei là công ty đóng góp lớn nhất cho GDP của thành phố, chiếm 7% tổng GDP, tương đương 143 tỷ nhân dân tệ (20,6 tỷ USD). Dù các cơ quan thống kê Trung Quốc giữ kín như bưng, nhưng, sau 5 năm, con số đó chắc chắn đã lạc hậu nhiều lần.

Người Trung Quốc mong và ngỡ, đòn trừng phạt bổ sung năm ngoái sẽ là chốt cuối cùng, để “Huawei còn có đất mà gượng”, cũng như để Trung Quốc, sau đại dịch Covid-19 có thêm cơ để mà phục hồi. Niềm hy vọng càng nhiều hơn, khi cuối năm, nền chính trị Mỹ chìm trong những rắc rối của cuộc bầu cử tổng thống cùng với việc nước này bị đại dịch covid-19 tiếp tục quần cho tơi tả với số ca ghi nhận, ca chết hàng nghìn, nhiều nghìn người /ngày.

Vậy mà điều đó đã không xảy ra. Những ngày cuối cùng của năm 2020, giới thạo tin phương Tây đã thập thò một thông tin chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh không thể thanh thản đón giao thừa trong tết cô truyền sắp tới. Đó là, từ tháng 7 năm ngoái, Washington đã gửi công hàm tới Liên bang Micronesia (FSM) – một đảo quốc để bày tỏ những quan tâm về chiến lược liên quan tới dự án xây dựng tuyến dây cáp Internet ngầm xuyên biển bởi vì có sự liên quan tới Huawei Marine. Washington giữ kín tin này bởi kinh nghiệm cho thấy, lộ ra, có thể Bắc Kinh sẽ tìm cách chạy chọt, hóa giải.

Về Huawei Marine, cho dù đã thoái vốn khỏi tập đoàn viễn thông Huawei và hiện thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc  khác,  tuy nhiên, vấn đề là Mỹ biết công ty này đã nộp hồ sơ dự thầu xây dựng một tuyến cáp quang ngầm xuyên biển cùng với Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở đặt tại Pháp, một phần của tập đoàn Nokia của Phần Lan và NEC của Nhật Bản, với giá 72,6 triệu USD.

Dự án được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc tới các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati. Tuy nhiên, là nói vậy. Các nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết, với danh nghĩa lợi ích dân tộc,  Huawei Marine hay bất kỳ công ty nào khác của Trung Quốc đều buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh khi được yêu cầu.

Vậy nên, với người Mỹ, thời điểm mà cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc còn tiếp diễn, bất cứ dự án nào được xây dựng có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc – nơi từng sinh ra Tào Tháo, đều đáng nghi ngờ. “Ma ăn cỗ”, ai mà biết được?

RELATED ARTICLES

Tin mới