Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Bỏ thương, vương tội"

“Bỏ thương, vương tội”

Tham lam, tốn kém nhiều tiền của, công sức nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên Biển Đông, phục vụ mục tiêu biến vùng biển giàu có này thành “ao nhà” của mình, nhưng Trung Quốc đang ngày càng gặp khó.

Trung Quốc xây dựng công trình đồ sộ, trái phép ở quần đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh không công bố. Cộng đồng quốc tế, các chuyên gia cũng chẳng thể “mò” ra được Trung Quốc đã chi bao nhiêu tiền cho tham vọng ngang ngược của họ. Điều chắc chắn là, chỉ tính từ năm 2014 – thời điểm Bắc Kinh tăng cường nạo vét, bồi đắp, quân sự hóa các đảo, đá chiếm đóng trái phép như Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Gạc Ma, bãi Châu Viên…, trong đó, có cả những đường băng máy bay dân dụng hạng nặng, máy bay quân sự hiện đại có thể hạ cánh, số tiền không thể nhỏ, phải nhiều tỷ USD. Gần đây, việc Washington thông qua dự luật chi 18,5 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương để củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông, càng khiến Bắc Kinh lo ngại bởi thừa biết Mỹ nhằm vào ai cho cuộc chạy đua tốn kém này.

Nhiều tỷ USD đã vung ra có thể không thấm gì với GDP gần 20 nghìn tỷ/năm của nền kinh tế có quy mô thứ hai thế giới. Vấn đề là hiệu quả. Nghĩa là, nó có thật sự tạo ưu thế cho Trung Quốc trong tình huống xảy ra các cuộc đấu võ với các đối thủ, nhất là Mỹ?

Thế nên, Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc hơn trước khi “xuống tiền” cho các hoạt động quân sự hóa các đảo, đá họ đang kiểm soát, dù tham vọng hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của họ không hề suy giảm.

Là bởi, ban đầu thì lắc, nhưng tới nay, Trung Quốc không thể bỏ ngoài tai khuyến cáo của các cơ qan nghiên cứu, các chuyên gia quốc tế.

Nhà phân tích chiến lược và năng lực quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, ông Malcolm Davis, đã chỉ ra những vấn đề khác mà Bắc Kinh có thể gặp phải, đặc biệt là sự khác nhau trong khả năng phòng thủ của các đảo, nhấn mạnh với CNN rằng: “Điều kiện môi trường khắc nghiệt tại Biển Đông – nước biển ăn mòn, thời tiết xấu – khiến việc triển khai bất kỳ thứ gì để bảo vệ các căn cứ trên đảo đều trở nên bất khả thi”.

Diễn đạt cách khác, cả núi khí tài quân sự tối tân, đắt đỏ của Trung Quốc có thể thành sắt rỉ sau vài năm nếu không được bảo dưỡng đặc biệt bằng những biện pháp đặc biệt tốn kém. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đâu phải chỉ vài năm, mà là mãi mãi; thậm chí, mỗi năm một khốc liệt hơn. Thế nên, chạy đua với nó có mà cả đời, giàu có tới đâu, khỏe mạnh tới đâu cũng tới lúc còng lưng, đổ gục.

Đấy là nhận định của “người ngoài”.

Còn “người nhà” nói sao? Thì đây: vừa qua, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) đưa ra một bản đánh giá mang tính chỉ trích và dự báo về những điều có thể xảy ra đối với các căn cứ “biệt lập và xa xôi” – tức các đảo, đá trên Biển Đông mà Trung Quốc quân sự hóa bấy nay –  nói trên, nếu chiến tranh nổ ra. Báo cáo khẳng định: “Cho dù các tàu yểm trợ di chuyển với tốc độ nhanh nhất thì vẫn phải mất hơn 1 ngày mới đến nơi”.
Chiến tranh hiện đại, một ngày mới tới nơi thì còn mỗi việc “chở xác về”.

CSSC cũng đồng quan điểm với chuyên gia Viện Chính sách Chiến lược Australia, ông Malcolm Davis nêu trên, khi kết luận: “Nơi ẩn náu trên các đảo thiếu cây cối, đá sỏi tự nhiên và các địa hình che chắn khác, và độ cao so với mặt biển thấp, trong khi mực nước ngầm lại cao. Tài nguyên và con người rõ ràng không thể trú ẩn dưới mặt đất như vậy trong thời gian dài”; và gọi sự đầu tư tốn kém đó là “thiếu tính thiết thực”.

Thế nên, trong cuộc cạnh tranh trên Biển Đông, cậy giàu có mà đổ tiền, đổ của xây nên những căn cứ quân sự đồ sộ, hiện đại, rất có thể chỉ tạo nên những ưu thế nhất thời. Còn lâu dài, gánh nặng chi phí cho các công trình vô dụng đó sẽ khiến Trung Quốc lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội?”

RELATED ARTICLES

Tin mới