Wednesday, May 1, 2024

Đức phá lệ?

Đức có tiếng là “thận trọng” trong thể hiện quan điểm đối ngoại, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, nhất là với các hoạt động “ngoài khuôn khổ NATO”. Tuy nhiên, gần đây, Berlin dường như đã “phá lệ”.

Bà Kramp-Karrenbauer, bộ trưởng Quốc phòng Đức.

Ba cường quốc Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, hồi tháng 9/2020 từng khiến Bắc Kinh cả giận khi gửi công hàm chung tới Liên hiệp quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đã thế, cả ba còn giở giọng trịch thượng ngay từ đầu rằng: Họ lên tiếng với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh công ước này là “khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”.

Dù không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, nhưng lại xỉa xói vào  những điểm vô lý của Trung Quốc – các nước này còn quá “vạch mặt, chỉ tên” Trung Quốc trước thiên hạ.  

Trong “bộ tam” này, Pháp, Anh thì Bắc Kinh coi như đã “tường mặt”, lộ rõ kẻ “theo đuôi Mỹ” trắng trợn với nhiều bằng chứng. Tít tận đẩu đâu, liên quan gì tới Biển Đông mà thấy Mỹ đưa tàu chiến, máy bay vào khu vực này, Pháp cũng hoắng lên điều tàu hải quân tới. Năm 2020, vào cuối tháng 5, tàu tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, khiến “một vài tàu khu trục và tàu hộ vệ” của Trung Quốc đã phải “bám đuôi” các chiến hạm của Pháp. Ngoài việc chưa tầy đình, nhưng không thể coi thường trên, Paris còn cho máy bay vè vè trong khu vực Đông Nam Á sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “về nhu cầu cần phải bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khỏi “tham vọng bá quyền” được gọi là của “một số nước trong khu vực” – một hàm ý ám chỉ Bắc Kinh.

Anh “tử tế” hơn Pháp chút ít, nhưng cũng từ tháng 9 năm ngoái, nghĩa là 2 tháng sau khi Mỹ có tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, hạ viện nước này đã nhắc Bộ Quốc phòng Anh phải “mở to mắt trước những điều hiển nhiên”, cần “hành động ngay” và triển khai tàu sân bay đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó, từ năm 2017, Anh đã thúc đẩy chương trình tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ năm 2017 để tham gia các “cuộc tập trận tự do hàng hải’ ở khu vực”.

Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là ông Gavin Williamson, từng nói sẽ đưa tàu sân bay cùng chiến đấu cơ tàng hình đến khu vực “mà Trung Quốc đang hiện đại hóa sức mạnh quân sự”.

Thông tin ngay đầu năm 2021, hải quân Anh cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã đạt được khả năng vận hành ban đầu. Điều đó nghĩa là nhiều khả năng, nhóm tác chiến này sẽ tới  Biển Đông để hiện thực hóa những tuyên bố trước đó.

Sự im tiếng hoặc phát ngôn dè dặt của Đức gần đây như bị phá vỡ, khiến nhiều người nhận định, sau công hàm chung, Berlin dường như đang chịu tác động không chỉ của Mỹ, mà còn của Anh, Pháp trong vấn đề Biển Đông. Chẳng thế mà, trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản giữa tháng 12/2020, khi ông Nobuo Kishi bày tỏ hy vọng tàu chiến Đức sẽ tham gia các cuộc tập trận với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và đi qua Biển Đông, bộ trưởng quốc phòng Đức, bà Kramp-Karrenbauer nói: “Bất cứ ai cũng không được đặt gánh nặng lên người khác khi theo đuổi các tham vọng kinh tế và an ninh của mình”.

Ngôn từ của bà nữ bộ trưởng thật mềm mại, đầy tính ngoại giao. Tuy nhiên, ai cũng hiểu bà Kramp-Karrenbauer chỉ trích việc Bắc Kinh quân sự hóa các tiền đồn ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông; Đồng thời, “bênh” khéo Malaysia, Philippines, Việt Nam…đang bị Trung Quốc o ép, bắt nạt.

Đã thế, cũng trong cuộc họp trực tuyến này, bà Kramp-Karrenbauer còn khẳng định: “Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều tác động đến Đức và châu Âu. Chúng tôi muốn hợp tác để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cả năm đã chịu đựng những lời chỉ trích tứ phía đến điếc tai, “những ngày tận, tháng cùng” của năm 2020 vẫn còn phải nghe những lời khó chịu từ Berlin dội đến, Trung Quốc không tức giận sao được?

RELATED ARTICLES

Tin mới