Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChuyển giao quyền lực: Hà Nội cần ‘khéo léo’ trong quan hệ...

Chuyển giao quyền lực: Hà Nội cần ‘khéo léo’ trong quan hệ với Mỹ

Với việc Hoa Kỳ có một chính quyền mới khi tân Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng hôm 20/1 trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam sắp quyết định đường hướng lãnh đạo cho 5 năm tới tại Đại hội Đảng 13, một câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù sẽ đi theo chiều hướng nào và Việt Nam cần làm gì để tránh khả năng bị trừng phạt trả đũa mở ngỏ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump

Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vài ngày tới sẽ khai mạc để chọn ra những nhà lãnh đạo mới và đưa ra những chính sách cho 5 năm tiếp theo. Trọng tâm của đường lối chính sách của Hà Nội, theo các nhà quan sát, là đối phó với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà trong đó Việt Nam đã trở thành một đối tác chiến lược quan trọng.

Theo một số kịch bản được nhiều người nói tới và đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 15 vừa rồi mà Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết thì “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hội để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa” trong khi “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được sự ủng hộ trong Trung ương Đảng để ở lại tiếp để tiếp quản cương vị Chủ tịch nước.”

Theo dự đoán của TS Hiệp, dàn lãnh đạo của Việt Nam theo kịch bản này sẽ “vừa cũ vừa mới” khi có hai gương mặt mới trong tứ trụ – gồm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính được đề cử giữ chức thủ tướng trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đề cử vào chức chủ tịch Quốc hội.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, một nhà phân tích chính trường Việt Nam, cũng có nhận định tương tự về 4 vị trí cao nhất của dàn lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ được bầu chọn tại Đại hội Đảng 13, dự kiến diễn ra từ 25/1 đến 2/2.

Dù có thể có sự chuyển giao quyền lực sau Đại hội 13, theo TS Hiệp và GS Thayer, thì điều này cùng với sự thay đổi chính quyền của Mỹ sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới xu hướng phát triển của quan hệ song phương giữa hai nước, hiện đang gắn kết nhiều hơn về kinh tế và quốc phòng.

“Lý do cơ bản đấy là quan hệ song phương hiện tại đã được định hình chủ yếu bởi lợi ích quốc gia chứ không phải bởi các lợi ích đảng phái ở Mỹ hay bởi quan điểm của cá nhân lãnh đạo ở Việt Nam,” TS Hiệp nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có sự song trùng về lợi ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về chiến lược trong sự đối phó với Trung Quốc và xử lý tranh chấp trên Biển Đông.”

Việt Nam là một trong những quốc gia mà Washington muốn thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng, theo như Khung chiến lược kiềm toả của Mỹ vừa được giải mật, vì là một trong những nước Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm của khối ASEAN trong cấu trúc khu vực. Từ thời Tổng thống Barack Obama, Việt Nam đã trở thành một trọng tâm trong chiến lược Xoay trục về châu Á, mà sau này là Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Trump, trước sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc.

Nhận định về khả năng gắn kết của chính quyền mới của Mỹ với Việt Nam, GS Thayer cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ tuyên bố chung năm 2013 về quan hệ đối tác toàn diện được thông qua dưới thời Tổng thống Obama mà lúc đó ông Biden là phó tổng thống. “Chính quyền Trump đã đồng ý mở rộng quan hệ đối tác toàn diện và Chính quyền Biden sẽ làm theo,” GS Thayer nói.

Mở ngỏ trừng phạt

Cùng với sự song trùng về lợi ích ngày càng tăng cao giữa Hà Nội và Washington, quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng nồng ấm, nhất là từ khi Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi tới thăm Hà Nội năm 2016. Nhưng hai quốc gia cựu thù gần đây đã vướng vào những tranh chấp thương mại, được cho là xuất phát từ việc chính quyền Trump muốn giảm thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong khi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc gây ra đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, thì ban lãnh đạo của Đảng sắp tới phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của Mỹ và chính quyền mới trong Nhà Trắng, theo nhận định của giới quan sát.

Thâm hụt thương mại với Việt Nam của Mỹ gia tăng đáng kể và nhanh chóng dưới thời chính quyền Trump và Bộ Tài chính Mỹ đã coi Việt Nam là nước “thao túng tiền tệ”, làm tăng triển vọng áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam. Thâm hụt thương mại tăng lên 63 tỷ USD vào năm ngoái, so với 47 tỷ USD vào năm trước đó.

GS Thayer nhận định rằng một trong những trở ngại mà các lãnh đạo Việt Nam phải vượt qua là di sản của Tổng thống Trump để lại về nguy cơ bị áp thuế và các trừng phạt do thao túng tiền tệ.

Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới chính quyền ông đã đưa ra kết luận về điều tra thao túng tiền tệ đối với Việt Nam nhưng không đề xuất bất kỳ hành động trả đũa nào như những lo ngại trước đó. Tuy nhiên cơ quan này nói họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn hiện có trước những động thái và chính sách mà họ cho là “không công bằng” của Việt nam “gây thiệt hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ.”

“Việc Chính quyền Trump, cụ thể ở đây là Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận Việt Nam có thao túng tiền tệ nhưng chưa có hành động trừng phạt cụ thể thì tôi nghĩ đây là một hành động khôn ngoan,” TS Hiệp nói. “Nếu Mỹ có các biện pháp trừng phạt Việt Nam ngay lập tức thì nó sẽ gây tổn hại quan hệ song phương và điều này không có lợi trong bối cảnh Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam vì các mục tiêu chiến lược đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc và kiểm soát sự gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, trong đó có Biển Đông.”

Việt Nam hôm 16/1 đã lên tiếng “hoan nghênh kết luận” của USTR đồng thời cho rằng quyết định này “có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương.”

Tuy nhiên TS Hiệp cho rằng việc USTR đưa ra kết luận và để ngỏ khả năng sẽ có một số hành động nào đó trong tương lai sẽ “trao cho Hoa Kỳ một đòn bẩy để đàm phán với Việt Nam không những chỉ trong vấn đề kinh tế thương mại mà cả những lĩnh vực khác nữa.” Theo nhà nghiên cứu của ISEAS, điều này có thể tạo ra áp lực “khuyến khích Việt Nam đáp ứng một số yêu cầu hoặc mong muốn của phía Hoa Kỳ.”

Chính quyền Biden giờ đây sẽ có toàn quyền quyết định giải quyết các tranh chấp thương mại này. Mặc dù chậm trễ trong việc công nhận ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ sau chiến thắng trước ông Trump nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhanh chóng chúc mừng ông ngay sau khi vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ nhậm chức hôm 20/1.

“Trong thời gian tới Việt Nam cần phải có những đối sách phù hợp đối với vấn đề này, làm sao vừa để duy trì được quan hệ tốt với Hoa Kỳ để phục vụ các lợi ích về mặt kinh tế cũng như chiến lược, vừa có thể tránh được một số sức ép từ phía Hoa Kỳ mà có thể họ muốn đặt ra những đòi hỏi mà Việt Nam khó có thể đáp ứng được,” TS Hiệp nói. “Điều đó đòi hỏi một sự khéo léo trong việc ứng xử của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.”

RELATED ARTICLES

Tin mới