Wednesday, November 20, 2024
Trang chủNước Việt đẹpĐộc đáo làng nghề truyền thống nặn ông Táo dịp cuối năm

Độc đáo làng nghề truyền thống nặn ông Táo dịp cuối năm

Cứ mỗi năm dịp cận Tết, làng nghề duy nhất làm tượng ông Táo (phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại tất bật với công việc.

Vì thu nhập thấp và giá cả sản phẩm rẻ nên còn ít hộ dân bám trụ theo nghề

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nơi đây là nơi duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế làm nghề này. Nghề nặn tượng ông Công ông Táo đã xuất hiện gần 40 năm qua với rất nhiều hộ gia đình làm nghề. Tuy nhiên hiện nay do kinh tế khó khăn, sản phẩm bán ra thị trường với giá rẻ, nghề chỉ còn được khoảng 4-5 hộ bám trụ.

Mục đích của việc nặn tượng là để phục vụ cho nhu cầu của người dân cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp hằng năm. Theo chia sẻ của những hộ dân làm nghề này thì không phải sát ngày mới bắt đầu công việc mà công việc này phải chuẩn bị từ tháng 5, tháng 6 âm lịch.

Đầu tiên là việc chuẩn bị nguyên liệu đất sét, đất sét phải là loại đất mềm mịn mua về để dự trữ vì lúc này thời tiết nắng ráo đất còn đẹp, nếu để qua tháng 8, tháng 9 thì rơi vào mùa mưa, đất lúc đó sẽ nhão và không đẹp để nặn tượng được.

Sau khi đã có đất, bắt đầu sẽ tiến hành nặn tượng. Đất sét sau khi chọn lọc sẽ được đưa vào khuôn để nặn tượng. Khuôn làm bằng gỗ lim nên rất chắc và chất lượng. Sau đó dùng dao gọt mặt sau của tượng rồi đem ra khỏi khuôn phơi nắng khoảng từ 2 đến 3 ngày là tượng khô.

Sau khi phơi khô, tượng sẽ đem vào lò nung để tượng được chắc. Nung xong, tượng sẽ được tô sơn để làm đa dạng màu sắc, có tượng thì màu đỏ, có tượng thì màu hồng.

Trong quá trình tô tượng người thợ rải thêm lớp kim tuyến để tượng bắt mắt hơn nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng. Sơn hoàn tất, tượng lại được đem ra phơi khô một lần nữa rồi mới đem bán ra thị trường.

Trung bình một ngày, mỗi hộ có thể làm ra khoảng 500 tượng . Được biết sau khi hoàn thành sản phẩm, số lượng bán ra mỗi bộ giá sỉ chỉ khoảng 500 đồng, nếu bán ra thị trường cũng chỉ khoảng được vài ngàn đồng nên thu nhập thấp và khó khăn và cũng chỉ làm khoảng đến ngày rằm (ngày 15 tháp chạp âm lịch) là kết thúc làm việc.

Theo chia sẻ của gia đình bà Lê Thị Vân (trú tại tổ 1 Địa Linh, phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà), thời gian gần đây số hộ dân còn giữ được truyền thống làng nghề này chỉ còn khoảng vài hộ dân. May mắn thay những hộ dân này vẫn luôn quyết tâm bám trụ theo nghề để kiếm thu nhập và cũng muốn gìn giữ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nói chung cũng như nghề nặn tượng ông Táo nói riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

RELATED ARTICLES

Tin mới