Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgô Sĩ Tồn nói ngược về tình hình Biển Đông năm 2020

Ngô Sĩ Tồn nói ngược về tình hình Biển Đông năm 2020

Học giả Ngô Sĩ Tồn nói các nước khu vực và bên ngoài gây bất ổn Biển Đông năm 2020 là vô lý. Chính Trung Quốc mới là đối tượng làm cho tình hình Biển Đông phức tạp hơn.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn ngày 5/1 đăng bài viết cho biết tình hình Biển Đông năm 2020 và dự báo năm 2021. Ngô Sỹ tồn cho rằng tình hình Biển Đông năm 2020 cực kỳ bất ổn và năm 2021 khó chuyển từ “hỗn loạn” sang “ổn định”. Ngô Sĩ Tồn cho rằng các nhân tố trong và ngoài khu vực có những hoạt động tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông với việc Mỹ đứng sau, tình hình chính trị của các nước như Việt Nam, Philippines và Mỹ có sự thay đổi về nhân sự từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến tình hình Biển Đông. Dự báo pháp lý và quy tắc là những xu hướng chính tại khu vực Biển Đông, các nước trong và ngoài khu vực tìm cách thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua các hoạt động đơn phương hoặc đa phương trong vấn đề hợp tác quân sự và thực thi pháp luật.

Lập luận của Ngô Sĩ Tồn là rất vô lý bởi vì Trung Quốc mới là nước đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn ở Biển Đông. Trung Quốc trong năm 2020 nhân lúc thế giới đang bận chống Covid-19 và Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch tiến hành nhiều biện pháp hung hăng để củng cố yêu sách ở Biển Đông.

Trung Quốc tăng cường biện pháp hành chính hoá

Trung Quốc tiến hành hàng loạt các biện pháp hành chính mới. Tháng 4/2020, Trung Quốc thành lập đơn vị hành chính cấp Quận thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thay đổi tên gọi vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam thành vùng biển “gần bờ”. Điều này vi phạm quy định giữ nguyên hiện trạng khuôn khổ DOC, tạo “sự đã rồi” để có lợi cho Trung Quốc trong đàm phán COC.

Cũng trong tháng 4/2020, Trung Quốc công bố cái gọi là tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát ven theo “đường chín đoạn”, vi phạm chủ quyền và thểm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Việc này còn tạo tiền đề tiến hành khảo sát các vùng biển khác trong đường chín đoạn, gây quan ngại cho cả khu vực.

Trước đó, Trung Quốc công bố dự luật Cảnh sát biển sửa đổi, trong đó cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí cầm tay để thực thi nhiệm vụ chấp pháp tại các vùng biển được gọi là “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc. Nếu dự luật này được thông qua sẽ tạo ra lo ngại cho các nước ven biển trong khu vực vì lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc vốn hung hăng giờ có thể thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn đe dọa đến tính mạng của thuyền viên các nước khác, và gây tâm lý lo lắng cho các tàu thuyền trong và ngoài khu vực đi qua Biển Đông.

Trung Quốc quân sự hoá và chèn ép mạnh hơn

Cục Hải sự Trung Quốc tăng cường thông báo các hoạt động quân sự, tiến hành nhiều hơn các hoạt động quân sự tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tăng cường điều máy bay quân sự, tàu chiến đến các đảo nhân tạo và không ngừng tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại các đảo đá này. Trong năm 2020, Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng gần 40 lần các hoạt động huấn luyện diễn tập quân sự tại Biển Đông, thậm chí đưa máy bay tuần tra tần suất cao tại eo biển Đài Loan và nhiều lần tiến vào không phận khu vực Đài Loan.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường hoạt động “vùng xám” rộng khắp Biển Đông, sẵn sàng va chạm và đối đầu với tàu cá, tàu khảo sát và tàu chiến của các nước hoạt động tại Biển Đông, tăng cường tuần tra, thực hiện biện pháp xua đuổi tàu chiến và tàu cá nước ngoài di chuyển qua vùng biển 12 hải lý tính từ những thực thể xây dựng của nước này. Điển hình là tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại Hoàng Sa, điều tàu HD-8 và các tàu hải cảnh hoạt động trong EEZ của Malaysia, tàu hải cảnh hộ tống tàu cá hoạt động trong vùng biển Bắc Nanuta của Indoensia.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh “tam chủng chiến pháp”

Về Pháp lý chiến, Trung Quốc tăng cường diễn giải luật quốc tế theo quan điểm của họ, cho rằng UNCLOS không phải là toàn bộ các tiêu chuẩn pháp lý để xử lý vấn đề Biển Đông, đẩy mạnh tiến trình đàm phán COC có lợi cho Trung Quốc với quy định giữ nguyên trạng. Trung Quốc là quốc gia gửi nhiều công hàm nhất lên Liên hợp quốc, phản đối tất cả yêu sách của các nước trong khu vực; không ngừng nhấn mạnh chính sách “ba không” (không chấp nhận, không tham gia, không công nhận) của nước này về vụ kiện Tòa trọng tài Biển Đông.

Về dư luận chiến, Trung Quốc tăng cường tuyên truyền về các hoạt động của nước khác tại Biển Đông nhằm định hướng dư luận rằng Trung Quốc là một nước bị động và bị hại. Trung Quốc tăng cường các báo cáo hàng tháng về vấn đề ngư dân của Việt Nam và thông tin hằng ngày về hoạt động của máy bay Mỹ hoạt động trinh thám gần bờ biển của Trung Quốc tại Biển Đông bất chấp tính chính xác của số liệu thống kê chưa được kiểm chứng và bị phản bác. Ngoài ra Trung Quốc vẫn coi các hoạt động chấp pháp của các nước trong tranh chấp tại Biển Đông là các hoạt động “đơn phương” với sự bảo kê của Mỹ.

Về tâm lý chiến, Trung Quốc tăng cường các hoạt động bắt nạt các nước yêu sách khác như Malaysia, Philippines, Việt Nam, sử dụng tàu kích thước lớn uy hiếp đe dọa xua đuổi hoạt động của tàu thuyền nước khác từ đó nhằm làm giảm ý chí bảo vệ yêu sách của các nước, và dần dần thực hiện mưu đồ thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc cũng được tăng cường sau khi nước này khống chế ổn định dịch bệnh. Trong năm 2020, do chịu sự chỉ trích của quốc tế về trách nhiệm khi để dịch bệnh lan ra toàn cầu, Trung Quốc sau khi khống chế được tình hình dịch bệnh trong nước đã thực hiện chiến lược ngoại giao con thoi với những chuyến thăm EU, Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, tăng cường thực hiện lôi kéo các nước trong khu vực kiềm chế và tránh nhắc đến những vấn đề Trung Quốc không muốn như Phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông, nhắc nhở các nước không nên dựa theo Mỹ trong xu thế Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại đây, thúc đẩy kêu gọi cùng hợp tác để duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông đóng góp cho hòa bình ổn định của khu vực và thế giới.

Trung Quốc cũng thúc đẩy tiến trình đàm phán COC trong bối cảnh nước này đã có các ưu thế trên Biển Đông, điều này làm lo ngại cho các nước xung quanh khi việc COC được ký kết sẽ tạo ra nhiều dư địa hoạt động và tạo cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn trong các vấn đề tranh chấp và hoạch định vùng biển.

Năm 2021 phức tạp

Với những gì Trung Quốc đã thực hiện trên Biển Đông thời gian qua, nhất là trong năm 2020 và với tham vọng độc chiếm Biển Đông, chắc chắn rằng năm 2021, Trung Quốc sẽ có nhiều hành động đơn phương trên thực địa, gây căng thẳng tình hình, cũng như có khả năng sẽ thúc đẩy các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý để củng cố và hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn”.

Tóm lại, học giả Ngô Sĩ Tồn nói ngược về tình hình Biển Đông năm 2020 và dự báo năm 2021. Trung Quốc mới là thủ phạm làm bất ổn tình hình Biển Đông năm 2020 và tiếp tục làm phức tạp tình hình trong năm 2021.

Tuy nhiên, với việc nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Úc,… gần đây nhất là Nhật Bản mạnh mẽ lên tiếng phản đối các yêu sách, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, và sự đoàn kết của ASEAN, Trung Quốc sẽ không đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới