Thursday, May 9, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSắc lệnh Buy American: TQ chịu ảnh hưởng lớn?

Sắc lệnh Buy American: TQ chịu ảnh hưởng lớn?

Chính sách “Buy American” có thể khiến một số đối tác thương mại của Mỹ phải lo ngại, trong đó có Trung Quốc.

Ngày 25/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp “Buy American” (Mua hàng Mỹ) nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông đã vận động hồi năm ngoái nhằm tăng cường mua sắm liên bang đối với hàng hóa và dịch vụ do Mỹ sản xuất.

Sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan tăng cường mua sắm các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang xem lại quy định nguồn gốc xuất xứ, ngăn các công ty nhập khẩu phần lớn linh kiện và chỉ gia công đơn giản để bán như là hàng của Mỹ.

Bình luận về động thái của tân Tổng thống Mỹ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét, sắc lệnh “Buy American” của Tổng thống Joe Biden mang tính chất bảo hộ cho nền sản xuất nội địa và đây là biện pháp nhiều quốc gia đã thực hiện từ lâu.

Đơn cử như từ mấy chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục liên tục thực hiện các chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, trọng tâm là công nghiệp gang thép và ôtô. Theo đó, từ đầu những năm 1970, chính phủ nước này công bố danh mục sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa và cấm nhập khẩu các sản phẩm cùng loại, gắn với đó là hỗ trợ vốn, công nghệ, kỹ thuật.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hiệp định thương mại có yêu cầu việc mua sắm công của các quốc gia phải thực hiện đấu thầu quốc tế, không có sự phân biệt hàng hóa của các quốc gia.

Vì lẽ đó, sắc lệnh “Buy American” của Tổng thống Biden là động thái khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nó đã đi ngược lại với trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo vị chuyên gia, cần thẳng thắn rằng, những động thái chính sách đầu tiên khi Tổng thống Biden lên nắm quyền cho thấy nước Mỹ bắt đầu có những thay đổi cơ bản trong hoạt động hợp tác quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề chung của quốc tế. Chẳng hạn, Tổng thống Biden đã quyết định đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Tổng thống Trump đã rút vào năm ngoái; hủy bỏ động thái rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) của người tiền nhiệm…

Còn với chính sách “Buy American”, Tổng thống Biden mới chỉ khuyến khích các cơ quan công quyền Mỹ mua hàng hóa Mỹ nhiều hơn dựa trên sự so sánh về chất lượng, giá cả… Sự ưu tiên này không có nghĩa là bắt buộc.

Đối với việc cầu các cơ quan liên bang Mỹ xem lại quy định nguồn gốc xuất xứ, ngăn các công ty nhập khẩu phần lớn linh kiện và chỉ gia công đơn giản để bán như là hàng của Mỹ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét, nó cũng giống như việc Việt Nam đang làm, đó là chống gian lận đội lốt xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu.

“Đây là việc là bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm, và ở đây, Tổng thống Biden ra hẳn một sắc lệnh yêu cầu cơ quan công quyền làm việc đó”, ông Thịnh nói.

Đánh giá về tác động của sắc lệnh “Buy American”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nó chắc chắn gây ảnh hưởng lớn đến các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đồng thời  ngăn cản các thiết bị, linh phụ kiện của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, gia công, lắp ráp đơn giản rồi trở thành hàng Mỹ và được bán với phẩm cấp của Mỹ.

Nhìn rộng ra mối quan hệ Mỹ-Trung, vị chuyên gia cho rằng mối quan hệ này ra sao không chỉ phụ thuộc vào ông Biden mà phụ thuộc vào lưỡng viện Mỹ và ý chí của các nhà thương mại Mỹ, ông Biden chỉ là người cụ thể hóa trào lưu đó mà thôi.

“Đang có hẳn một trào lưu chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đó là thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ, sự xâm nhập của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cao, an ninh của nước Mỹ…

Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu này bằng những biện pháp cứng rắn và “cú đấm’ thẳng, còn Tổng thống Biden có thể có biện pháp dịu nhẹ và từ từ hơn, nhưng không thể cưỡng lại trào lưu chung đó được.

Cuộc chiến Mỹ-Trung chưa dừng lại và không dừng lại, dù ai là tổng thống nước Mỹ, chỉ có điều cách thức thể hiện có thể khác nhau”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét và dẫn chứng bằng tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng hôm 25/1 cho biết, Tổng thống Biden sẽ tiếp cận nhiều phương diện để tương tác với Trung Quốc, bao gồm việc đánh giá các mức thuế đang được áp dụng.

Hiện Nhà Trắng đang tiến hành các cuộc đánh giá toàn diện về các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Trump ban hành. Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng tuyên bố “Tổng thống Biden cam kết ngăn chặn các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực và cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó là thông qua việc hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới