Ngày 19/1/2021, đại diện của Nhật Bản tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Antonio Guterres, cáo buộc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) ở Nam Hải (Biển Đông). Trong công hàm, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc đã hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Nam Hải.
Ngày 22/1/2021, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã biểu quyết thông qua Luật hải cảnh. Truyền thông Nhật Bản rất quan tâm đến điều này và thổi phồng rằng luật này sẽ cho phép lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn dựa vào Mỹ về an ninh và dựa vào Trung Quốc về kinh tế, sắc thái đầu cơ trong lời nói và hành động của họ ngày càng rõ rệt. Vào thời điểm tân Tổng thống Biden vừa mới nhậm chức, Nhật Bản một lần nữa tạo sự chú ý trong vấn đề hàng hải là nhằm động cơ gì?
Trang mạng “Người quan sát” đã phỏng vấn Trần Dương (-), nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Theo ông, vào thời điểm nước Mỹ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, động cơ nào khiến Nhật Bản bất ngờ gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc?
Khi Chính quyền Obama thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, Joe Biden đang là phó tổng thống, là một nước đồng minh của Mỹ, thời điểm đó Nhật Bản đã tích cực can thiệp và gây nhiều phiền phức trong vấn đề Nam Hải. Sau khi Biden lên cầm quyền, các giới ở Nhật Bản đều kỳ vọng Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao của Chính quyền Obama.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sau khi được truyền thông Mỹ xác định là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Biden tuyên bố rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, điều này có lẽ đã khiến Nhật Bản tự tin hơn trong việc tiếp tục can thiệp vào vấn đề Nam Hải. Đồng thời, việc Nhật Bản có động thái như vậy vào thời điểm này cũng có thể được hiểu là muốn thể hiện lòng trung thành với Chính quyền Biden.
Một bài báo trên trang Nikkei (Nhật Bản) gần đây cho rằng Biden từng phạm sai lầm về vấn đề Nam Hải trong thời gian giữ chức phó tổng thống, khi không thể ngăn chặn các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Nam Hải.
Sau khi lên cầm quyền, danh sách cam kết chính sách chính của Biden sẽ phải tập trung vào các vấn đề trong nước. Phải chăng Nhật Bản lo ngại Mỹ sẽ ít quan tâm đến châu Á, do đó mới có động thái nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ hoặc toàn bộ phương Tây?
Quả thực Nhật Bản đang lo ngại Chính quyền Biden sẽ ít chú ý đến các vấn đề ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ vẫn tương đối nghiêm trọng, kinh tế gặp nhiều khó khăn, và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tân tổng thống hiển nhiên là kiềm chế dịch bệnh, khởi động lại nền kinh tế và hàn gắn xã hội bị chia rẽ. Dự đoán năm 2021, Chính quyền Biden sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại.
Nhật Bản có lẽ cũng hiểu rõ điều này. Từ ba cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Suga và ông Biden vào tháng 11/2020, giữa Cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura và người đồng cấp Mỹ Jack Sullivan vào ngày 21/1/2021, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vào ngày 24/1/2021, có thể nhận thấy nếu không đề cập đến vấn đề quần đảo Điếu Ngư, thì Nhật Bản sẽ đề cấp đến ý tưởng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, mục đích là thông qua những vấn đề này để “ôm chặt” Mỹ, đề phòng nước này xem nhẹ các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tất nhiên, Chính quyền Biden cũng đã đưa ra một số cam kết đối với Nhật Bản, chẳng hạn như quần đảo Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Điều 5 Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật và tiếp tục thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do các vấn đề đối nội của Mỹ hiện đều tương đối phức tạp, những cam kết này của Chính quyền Biden mang tính thảo luận nhiều hơn là thực tế. Trong thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các vấn đề như quần đảo Điếu Ngư, Nam Hải để thu hút sự chú ý của Mỹ.
Ngày 22/1, Trung Quốc đã thông qua Luật hải cảnh, các phương tiện truyền thông Nhật Bản rất quan tâm đến việc luật này cho phép sử dụng vũ khí. Tại sao luật trong nước của Trung Quốc này lại gây ra một số phản ứng ở Nhật Bản? Nó có liên quan gì đến lịch sử và tình hình hiện nay hay không? Ông dự đoán tình hình thời gian tới sẽ diễn biến ra sao?
Việc các phương tiện truyền thông Nhật Bản chú ý nhiều đến Luật hải cảnh của Trung Quốc khiến tôi rất ngạc nhiên. Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông chính thống lớn của Nhật Bản đều đưa tin và bình luận về vấn đề này, đây là điều tương đối hiếm thấy.
Khi đưa tin về Luật hải cảnh, các phương tiện truyền thông Nhật Bản thường gắn luật này với quần đảo Điếu Ngư, cho rằng sau khi luật có hiệu lực, Trung Quốc sẽ tăng cường tuần tra đối với quần đảo này và sau này Nhật Bản có thể sẽ khó đối phó hơn.
Cảnh sát biển (hải cảnh) là lực lượng thực thi pháp luật hành chính quan trọng của Trung Quốc. Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh là nhằm làm rõ vị trí chức năng, quyền hạn và giám sát của cơ quan cảnh sát biển, đảm bảo lực lượng cảnh sát biển có thể thực thi pháp luật khi bảo vệ quyền lợi và có căn cứ pháp lý khi hợp tác với bên ngoài.
Điều này sẽ giúp lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo các hiệp ước quốc tế và duy trì trật tự hàng hải. Trừ khi Nhật Bản cố tình muốn kích động tranh chấp, nếu không hoàn toàn không cần phải quá lo lắng về Luật hải cảnh của Trung Quốc.
Do Chính phủ Nhật Bản luôn tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư, cộng với việc các phương tiện truyền thông nước này thổi phồng về Luật hải cảnh, nên Chính phủ Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng cường lực lượng tuần tra trên biển trong thời gian tới.
Hiện nay Nhật Bản cơ bản đều hoạt động phạm vi vùng biển của mình, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chịu trách nhiệm về sự an toàn của nhân viên hàng hải, tài sản và giám sát các tàu bất hợp pháp. Đây là cơ quan hành chính thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản, không có nhiều quyền hạn và trách nhiệm.
Cùng với việc Luật hải cảnh có hiệu lực vào ngày 1/2, dự đoán Nhật Bản có thể sẽ tăng cường đối phó trên biển, đặc biệt là trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư, có khả năng sẽ cử Lực lượng phòng vệ trên biển và trên không tham gia.
Nếu vậy, rất có thể sẽ làm tăng va chạm trên biển giữa hai bên, từ đó dễ xảy ra xung đột quân sự. Do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải đẩy nhanh và hoàn thiện việc thiết lập cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không giữa hai nước để tránh có những đánh giá sai lầm chiến lược không đáng có.
Nếu tình hình thực sự phát triển theo chiều hướng gia tăng va chạm, thì đây chắc chắn đây sẽ là một phép thử đối với cam kết Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật có hiệu lực với quần đảo Điếu Ngư. Có thể hình dung rằng trong bối cảnh lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, ngay cả Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật cũng khó có thể chống lại được quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Liệu các biện pháp ngoại giao và dư luận này của Nhật Bản hiện nay có đồng nghĩa với việc đặt ra một vấn đề nan giải đối với Mỹ?
Có thể nói những biện pháp này và sự tuyên truyền dư luận của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế, trên thực tế cũng đã đặt ra một vấn đề nan giải đối với Mỹ và Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Tất nhiên, từ góc độ của liên minh Mỹ-Nhật và Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản, nhưng nếu đặt dưới góc độ quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nhật và lợi ích của Mỹ, thì nước này không hy vọng, hoặc có thể nói là sẽ không xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc vì vấn đề quần đảo Điếu Ngư.
Một là, đối với Mỹ, quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ song phương quan trọng nhất, và Nhật Bản chỉ là một thành viên bình thường trong nhiều đồng minh của Mỹ; hai là, tâm lý phản đối và chán ghét chiến tranh ở trong nước Mỹ; ba là, ngay cả Nhật Bản cũng không có đủ tầm quan trọng để buộc Mỹ phải chiến đấu vì nước này. Do đó, đến nay Chính phủ Mỹ cho vẫn chỉ đưa ra các cam kết suông trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư nhằm làm yên lòng Nhật Bản và đóng vai trò răn đe.
Trên thực tế Nhật Bản luôn hiểu rằng liên minh Mỹ-Nhật không phải là mối quan hệ đối đẳng và việc Mỹ giữ chủ đạo, Nhật Bản phục tùng là hình thức chính của liên minh Mỹ-Nhật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Do đó, có thể nhận thấy bên cạnh việc nhiều lần nhấn mạnh phải củng cố liên minh Mỹ-Nhật và buộc Mỹ phải đưa ra cam kết trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư, các quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cũng bắt đầu thúc đẩy một số biện pháp cụ thể, như tăng cường tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư, tăng chi tiêu quân sự và đổi mới vũ khí. Điều này trên thực tế là sự ràng buộc đối với Mỹ, buộc Mỹ phải can thiệp vào vấn đề quần đảo Điếu Ngư hoặc nhượng bộ nước này ở các phương diện khác.
Phương diện khác ở đây có thể là kinh tế? Nhiều năm qua, quan hệ Trung-Nhật thường xuyên ở trong tình trạng “lạnh về chính trị, nóng về kinh tế”, nhưng Mỹ về khách quan không muốn đồng minh của mình bị quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, do Nhật Bản không xử lý tốt mối quan hệ giữa kiểm soát dịch bệnh và các hoạt động kinh tế, nên phải chịu áp lực kinh tế rất lớn. Đồng thời, Nhật Bản còn phải đối mặt với một vấn đề là liệu có thể tổ chức thành công Thế vận hội Olympic trong năm 2021 hay không, trong khi Trung Quốc là nước phục hồi kinh tế đầu tiên, rất có thể trên thực tế sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Liệu ông có thể đưa ra một vài nhận định và phân tích về sự trao đổi kinh tế Trung-Nhật?
Sau đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, Trung Quốc và Nhật Bản đã giúp đỡ và hợp tác với nhau để ứng phó với dịch bệnh. Điều đặc biệt đáng chú ý là hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước không những không bị cản trở bởi dịch bệnh, mà còn có xu hướng tăng lên. Theo Kyodo News, báo cáo thống kê thương mại năm 2020 do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 21/1/2021 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong năm 2020 là 68.400 tỷ yên, giảm 11,1% so với năm 2019.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ và Liên minh châu Âu đều giảm ở các mức độ khác nhau, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 2,7%, đạt 15.100 tỷ yên, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Ngoài ra, số liệu thống kê xuất khẩu trong tháng 12/2020 do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 21/1/2021 cũng cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.560 tỷ yên.
Trên thực tế, ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2020, các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng ít bị tác động. Ví dụ, số liệu thống kê xuất khẩu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố tháng 10/2020 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản từ tháng 4-9 giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 3,5%. Do đó, cho dù là từ số liệu kinh tế của cả năm 2020 hay từ số liệu kinh tế của một tháng, mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào nền kinh tế Trung Quốc đều đang tăng lên. Lý do là Trung Quốc giành chiến thắng trước tiên trong giai đoạn phòng chống dịch và là nước đầu tiên khôi phục sản xuất. Nền kinh tế Trung Quốc dần phục hồi và nhu cầu thị trường mở rộng cũng đã thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc.
Kết hợp kết quả trao đổi kinh tế thương mại Trung-Nhật trong năm 2020 và tình hình kinh tế trong nước của Nhật Bản hiện nay, dự kiến năm 2021, sự phụ thuộc của Nhật Bản đối với kinh tế Trung Quốc còn tăng lên. Tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn tương đối nghiêm trọng, mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch bệnh, nhưng hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Các ca mắc mới hàng ngày ở các khu vực như Tokyo vẫn đang tăng lên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản tạm thời khó có thể tái khởi động nền kinh tế và việc phục hồi nền kinh tế vẫn cần có thêm thời gian.
Do quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản tương đối bền chặt, và Trung Quốc vẫn là một trong số ít nền kinh tế đạt được tăng trưởng dương sau khi dịch bệnh bùng phát, nên đối với Nhật Bản, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc là chìa khóa để nước này khôi phục kinh tế.
Sự phụ thuộc về kinh tế và thương mại của Nhật Bản đối với Trung Quốc tăng lên và là nhu cầu cấp thiết. Điều này có nghĩa là quan hệ Trung-Nhật trong năm 2021 nhìn chung sẽ không có nhiều biến động, Nhật Bản chắc chắn sẽ tìm cách xây dựng quan hệ Trung-Nhật tiến lên trong ổn định, bởi nếu quan hệ hai nước rơi vào bế tắc, thì Nhật Bản hầu như không có khả năng có thể phục hồi kinh tế. Tất nhiên, với tư cách là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản chắc chắn sẽ có một số động thái liên quan đến vấn đề Nam Hải và ý tưởng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, nhưng dự đoán sẽ không cực đoan giống như Australia.