Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ sẽ giúp Philippines nếu bị tấn công vũ trang ở Biển...

Mỹ sẽ giúp Philippines nếu bị tấn công vũ trang ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines áp dụng cho cả “các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các lực lượng vũ trang, tàu bè, máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, gồm Biển Đông”.

Hãng tin Bloomberg ngày 29-1 dẫn thông tin từ đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. của Philippines, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cam kết rằng Mỹ sẽ giúp Philippines nếu Manila bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.

Theo ông Jose Manuel Romualdez, Ngoại trưởng Blinken nói rằng Hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951 giữa hai nước “sẽ áp dụng với các cuộc tấn công có vũ trang nhắm vào Philippines”. Cuộc điện đàm trên được thực hiện hôm 27-1.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken dưới thời Tổng thống Joe Biden tương tự với cam kết trước đó của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm với ông Teodoro Locsin Jr., Ngoại trưởng Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước phòng thủ chung dành cho an ninh của hai nước và việc áp dụng hiệp ước này đối với các cuộc tấn công có vũ trang nhắm vào các lực lượng vũ trang, tàu bè, máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông”.

 Cam kết trên được chính quyền ông Biden đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông vẫn không nguội đi. Mới nhất, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại vụ Trung Quốc ban hành luật hải cảnh cho phép hải cảnh nước này bắn vào tàu nước ngoài.

Theo Luật hải cảnh được Trung Quốc thông qua hôm 22-1, “hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí” khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp.

Hôm 26-1, thượng nghị sĩ Richard Gordon của Philippines chỉ trích động thái của Trung Quốc là “ngoại giao pháo hạm” và Luật hải cảnh có thể dẫn tới “chiến tranh nóng” nếu nhân viên hải cảnh Trung Quốc yêu cầu kiểm tra tàu của nước khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới