Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinVì sao quan hệ Mỹ-Trung ngày một căng thẳng

Vì sao quan hệ Mỹ-Trung ngày một căng thẳng

Theo giới phân tích, Trung Quốc cần xem xét lại các chính sách và hành vi mà họ đã thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với những phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: BBC.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tiếp cận quan hệ với Trung Quốc bằng “sự kiên nhẫn”, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm những ý tưởng mới và thay đổi chính sách để thiết lập lại quan hệ của nước này với Trung Quốc – vốn đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Bắc Kinh phải thừa nhận những sai lầm trong quan hệ với Mỹ

Cách sử dụng cụm từ “sự kiên nhẫn” của Nhà Trắng đã làm dấy lên cuộc tranh luận từ các quan chức Trung Quốc và các nhà phân tích về ý nghĩa thật sự của điều này. Một số người nhận định Tổng thống Biden cần phải đánh giá toàn diện chính sách của chính phủ tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Một số khác cho rằng, ưu tiên hàng đầu của ông Biden trong 100 ngày đầu lên nắm quyền sẽ là kiểm soát dịch bệnh Covid-19, hàn gắn một đất nước đang có nhiều chia rẽ sâu sắc. Vì thế, ông sẽ cần thêm thời gian để xây dựng cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc.

Trong khi chờ đợi Mỹ công bố cách tiếp cận mới, câu hỏi đặt ra với Trung Quốc là liệu nước này có nên có đánh giá nghiêm túc về các chính sách của họ với Washington hay không? Cụ thể hơn, liệu Bắc Kinh có nhận ra và rút bài học kinh nghiệm từ những sai lầm vốn góp phần tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ song phương hay không.

Theo giới phân tích, Trung Quốc cần xem xét lại các chính sách và hành vi mà họ đã thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế.

Chính quyền mới của Tổng thống Biden đã mang đến một cơ hội mà Bắc Kinh cần phải nắm bắt, để giảm căng thẳng giữa hai nước và tăng cường hợp tác với các nước phương Tây cùng những đối tác thương mại lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trung Quốc luôn tự nhận rằng, nước này là bên bị hại và đẩy “quả bóng trách nhiệm” về phía Mỹ. Trong một phát biểu đầy tính hình tượng ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc chính quyền Donald Trump, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã “đặt quá nhiều mìn, đốt quá nhiều ‘cây cầu’ và làm hư hại quá nhiều ‘con đường”’ suốt 4 năm qua. Chính quyền ông Trump đã đảo ngược chính sách truyền thống của Mỹ với Trung Quốc đan xen giữa hợp tác và kiềm chế, vốn định hình quan hệ giữa song phương suốt 4 thập kỷ qua, và đẩy hai nước vào con đường đối đầu và cạnh tranh quyết liệt.

Ở chiều ngược lại, cũng không ngạc nhiên khi Mỹ tin rằng “quả bóng trách nhiệm” đang nằm ở trên sân của Trung Quốc. Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định, dù không tán thành các hành động cụ thể của chính quyền ông Trump, nhưng nhìn chung họ vẫn ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, trong vài năm qua, “Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong xử lý các vấn đề trong nước cũng như quan hệ với các nước khác. Bắc Kinh đang thách thức an ninh, thịnh vượng và các giá trị của Mỹ và điều này đòi hỏi Wasshington phải đưa ra cách tiếp cận mới”.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, theo đuổi lập trường cứng rắn hơn trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông và tận dụng lợi thế về kinh tế để thúc đẩy chương trình nghị sự ở nước ngoài. Theo quan điểm của Bắc Kinh, các vấn đề Hong Kong, Đài Loan liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vì thế nước này sẽ không lùi bước trước những phản ứng dữ dội và sức ép ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc cần thay đổi

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc cần phải thay đổi để đạt được sự hiểu biết và tôn trọng từ cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất, Bắc Kinh nên thể hiện thái đội khiêm nhường hơn vào thời điểm thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn. Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, về cơ bản đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường và là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trái ngược với Trung Quốc, Mỹ vẫn đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người dân, tính đến thời điểm hiện tại. Thách thức này cùng cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã khiến Mỹ bị tổn thương sâu sắc. Tuy vậy việc giới chức Trung Quốc tin rằng “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy giảm” là điều quá sớm. Theo nhận định của tờ South China Morning Post (SCMP), tâm lý tự tin thái quá có thể dẫn đến những chính sách sai lầm và thiếu hiệu quả.

Thứ hai, Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường sự minh bạch trong các chính sách và hành động mà nước này thực hiện. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tránh một cuộc chiến tranh Lạnh mới, nhưng vẫn chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc đối phó dịch bệnh ở giai đoạn đầu, khi nước này thông báo ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán vào tháng 12/2019. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, việc cung cấp các thông tin rõ ràng và cởi mở là yếu tố quan trọng giúp xây dựng và củng cố các quan hệ quốc tế trong thời đại chủ nghĩa đa phương.

Về phần mình, Trung Quốc kiên quyết bác bỏ cáo buộc che giấu thông tin về đại dịch và cho biết nước này đã chia sẻ bản đổ gen của virus SARS-CoV-2 ngay khi giải mã thành công. Bắc Kinh cho rằng họ đã trở thành nạn nhân của chiến dịch bôi nhọ. Trước đó, Trung Quốc đã cách chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và Bí thư Thành ủy Vũ Hán, nơi là tâm điểm của dịch Covid-19 giai đoạn đầu.

Theo cây bút Wang Xiangwei của SCMP, nếu tự cho mình là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc cần phải làm tốt hơn trong lĩnh vực truyền thông để xứng đáng với vị thế đó. Ngoài ra, Bắc Kinh cần kiềm chế chính sách ngoại giao “chiến lang” và đưa ra phản ứng có chừng mực hơn đối với những quan điểm chỉ trích về sự trỗi dậy và tầm ảnh hưởng của nước này với phần còn lại của thế giới. Bởi lẽ, một chính sách ngoại giao kiên nhẫn và ôn hòa sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích hơn so với chiến lược ngoại giao “cưỡng ép” và đối đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới