Hôm 5/2, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục USS John S. McCain đã đi gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) do Trung Quốc kiểm soát trái phép ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters cho hay, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1, đây là hoạt động đầu tiên của tàu chiến Mỹ tiến gần đến quần đảo Hoàng Sa. Chuyến đi này này nhằm khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong vùng lân cận của quần đảo Hoàng Sa, hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Được biết, cuối tháng 1/2021, tàu khu trục USS John S. McCain cũng đã đi qua eo biển Đài Loan. Sự xuất hiện của con tàu khủng này đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, cho rằng tân Tổng thống Mỹ Biden đã cố tình nắn gân Trung Quốc, bởi Biển Đông là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ – Trung.
Không phải chỉ lần này, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh đã nhiều lần tức giận khi Washington điều tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc móc san hô từ đáy biển bồi đắp lên. Nhiều lần nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố: Họ hoàn toàn có chủ quyền tại vùng biển này. Kẻ gây căng thẳng duy nhất và “to mồm” nhất trên Biển Đông chính là Washington (!)
Mặc những lời chỉ trích và đe dọa, ngay từ khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Biden đã rất cứng rắn. Hôm 2/2, Lầu Năm Góc thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ vừa được điều động từ Bộ Chỉ huy Trung tâm ở Trung Đông sang khu vực Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tuyên bố như thế chẳng khác nào nói rằng, tàu USS Nimitz sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và ở khu vực đó xuất hiện những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới ở Biển Đông.
Lịch trình tới đây của tàu USS Nimitz thế nào vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mục đích chính của ông chủ mới Nhà trắng là: Washington sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Đó là điều chắc chắn nhằm khẳng định uy thế và sức mạnh Mỹ, cũng là sự răn đe Trung Quốc.
Không chỉ có tàu khu trục USS John S. McCain và tàu USS Nimitz, hồi tháng 1/2021, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng tiến vào biển Đông thông qua eo biển Bashi, di chuyển giữa Đài Loan và Philippines. Tàu sân bay Mỹ xuất hiện cùng lúc Trung Quốc triển khai hàng chục chiến đấu cơ, trong đó có máy bay ném bom chiến lược đến eo biển Đài Loan. Điều này Bắc Kinh cho là Đài Loan đã bật đèn xanh cho Mỹ và sẽ trừng trị sự cứng đầu của Đài Bắc.
Nếu hai nhóm tác chiến tàu Mỹ tiến hành tập trận tại khu vực, đây sẽ là màn biểu dương lực lượng đầu tiên của hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, giữa lúc tình hình Biển Đông và eo biển Đài Loan vẫn hết sức căng thẳng.
Biển Đông vẫn sôi sùng sục trong những ngày giáp Tết Tân Sửu cổ truyền của người Châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc. Dịp Tết cũng là lúc các bên liên quan dễ mất cảnh giác và sơ hở nhất.
Nhưng nên nhớ Mỹ không phải quốc gia Châu Á, không ăn Tết nguyên đán. Việc liên tục xua những con tàu lớn ra Biển Đông vào dịp này của Washington chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên. Khi bức điện chúc mừng tân Tổng thống Mỹ Biden của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn chưa ráo mực, Mỹ đã ào ào đưa tàu hải quân áp sát Hoàng Sa. Hành động “ngông cuồng”, khoe mẽ của một siêu cường khiến Bắc Kinh giận tím mặt!
Nhưng xem ra Lầu Năm Góc cũng khó tìm được cách nào khả dĩ hơn. Bởi với Trung Quốc, xưa nay họ chỉ sợ kẻ mạnh hơn mình.