Mỹ muốn sử dụng “sự kiên nhẫn chiến lược” trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và phát đi nhiều tín hiệu cứng rắn dưới thời ông Biden.
Mỹ thong dong, Trung Quốc sốt sắng
Tờ Thời báo Nhật Bản cho rằng Trung Quốc dù đã lên tiếng chúc mừng nhưng ngày càng mất kiên nhẫn khi Washington dưới thời tân Tổng thống Joe Biden vẫn chưa công bố một chính sách mới đối với Trung Quốc.
Tờ báo Nhật Bản nêu ra một chi tiết đáng chú ý cho thấy ông Biden dường như không mảy may nghĩ đến Trung Quốc và thậm chí không đề cập đến Trung Quốc trong diễn văn nhậm chức.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức sau lễ nhậm chức của ông Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Khi dõi theo màn pháo hoa và nghe tiếng cổ vũ của người dân Mỹ tại lễ nhậm chức, tôi cảm thấy xốn xang. Chúng tôi chúc Tổng thống Biden đạt được mọi thành công trong công tác điều hành và quản trị nhà nước”.
Trong một bài phát biểu hôm 27/1 vừa qua tại Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải nói rằng mặc dù Trung Quốc mong muốn Mỹ sẽ “thành công trong nỗ lực hàn gắn, khôi phục và xây dựng đoàn kết” song Bắc Kinh cũng “hy vọng rằng sự chính trực, vô tư, tôn trọng và tầm nhìn sẽ trở lại đối với chính sách của Mỹ về Trung Quốc”.
Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 26/1 nói rằng “chính quyền ông Trump đã phạm phải sai lầm lớn” khi coi Trung Quốc là một “đối thủ chiến lược” và thậm chí là một “mối đe dọa”.
Ông Triệu nói thêm: “Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ rút ra được bài học từ những chính sách sai lầm của chính quyền Trump đối với Trung Quốc”, đồng thời kêu gọi chính quyền mới tập trung vào hợp tác, xử lý những bất đồng và đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại đúng hướng với sự phát triển tốt đẹp và ổn định.
Theo tờ báo Nhật Bản, Bắc Kinh dường như không thấy được trách nhiệm trong các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, căng thẳng biên giới với Ấn Độ hay việc xử lý và đối phó trong thời kỳ đầu diễn ra dịch bệnh COVID-19 vốn hiện làm hàng triệu người thiệt mạng trên toàn cầu…
Trong quan điểm của mình, có vẻ như Bắc Kinh cho rằng bất kỳ mối quan hệ song phương nào đi chệch hướng đều do lỗi của phía bên kia, còn Bắc Kinh thì luôn đúng.
Tời Thời báo Nhật Bản đánh giá, với cách nhìn nhận đó, Trung Quốc sẽ không chịu thỏa hiệp trong bất kỳ đàm phán nào, chỉ có phía bên kia ở vị thế nhún nhường phải chịu thỏa hiệp đối với Bắc Kinh.
Mặc dù ông Biden đã nhanh chóng đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm, như việc đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới, song chính quyền của ông Biden vẫn chưa công khai cách thức xử lý quan hệ với Bắc Kinh.
Điều này không có nghĩa là quan điểm của chính quyền ông Biden đối với Trung Quốc không rõ ràng. Trên thực tế, nỗi bất bình và quan ngại của chính quyền Biden đối với Trung Quốc đã được thể hiện rõ thông qua tuyên bố của Ngoại trưởng Anthony Blinken và một số quan chức chủ chốt khác của Mỹ.
Tín hiệu cứng rắn
Có lẽ, Trung Quốc càng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi tân Tổng thống Mỹ Biden đã miêu tả Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” đối với Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, trong đó gồm vấn đề sở hữu trí tuệ và chính sách kinh tế.
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao, ông Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ đương đầu trước những hành động lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, đối phó trước những hành động mang tính quyết đoán và chèn ép của Bắc Kinh, đồng thời chống lại hành động công kích của Trung Quốc”.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, ông Biden đã vạch ra đường hướng chính sách đối lập với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” vốn từng là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump. Khi nhấn mạnh vào việc củng cố sức mạnh trong nước trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, làm mới vai trò của Mỹ ở các thể chế quốc tế và giành lại uy tín của Mỹ cũng như quyền lực đạo đức, ông Biden khẳng định: “Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác”.
Mặc dù cam kết sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước những hành động của họ, song ông Biden nói rằng Washington cũng sẽ sẵn sàng “hợp tác với Bắc Kinh khi phù hợp với lợi ích của Mỹ”.
Ngay từ những ngày đầu ông Biden bước vào Nhà Trắng, Mỹ đã có những động thái đáng chú ý đối với Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương, Đài Loan. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 tiết lộ rằng chính quyền ông Biden muốn trước tiên đảm bảo “tập hợp” được đồng minh trước khi can dự với Bắc Kinh.
Sự lựa chọn của ông Biden đối với hai vị trí ngoại giao hàng đầu của Mỹ là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã phát đi tín hiệu cho thấy chính quyền của ông sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn và đa phương để thách thức những hành động của Trung Quốc.
Đáng chú ý, hôm 4/2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua đề cử của Linda Thomas-Greenfield người tuyên bố sẽ chống lại “chương trình nghị sự” của Trung Quốc tại Liên hợp quốc.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định ưu tiên của chính quyền ông Biden đối với chính sách thương mại của Trung Quốc không nhắm đến việc tìm cách để cho các tập đoàn đầu tư đa quốc gia của Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc, mà là nhằm “đối phó với những thực tiễn thương mại thiếu công bằng của Bắc Kinh vốn đang lấy đi công ăn việc làm của người lao động Mỹ”.