Tàu ngầm năng lượng hạt nhân USS Ohio với dàn tên lửa Tomahawk mạnh mẽ và khả năng tác chiến ấn tượng, được xem là vũ khí uy lực nhất Mỹ triển khai để thể hiện sức mạnh ở Thái Bình Dương.
Được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, USS Ohio – tàu ngầm lớn nhất Mỹ từng đưa vào biên chế – đã bị loại bỏ các tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, con tàu này vẫn đang được xem là vũ khí linh hoạt và đáng sợ nhất của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết với các đồng minh về việc bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, Washington đã phát đi thông điệp bằng hệ thống vũ khí hải quân hùng hậu.
Mỹ đã đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường qua eo biển Đài Loan. Họ cũng điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông tập trận và đưa một khu trục hạm mới nhất tới Nhật Bản.
Tuần trước, Mỹ đã “khoe” về sự xuất hiện của tàu ngầm tên lửa dẫn đường Ohio phiên bản nâng cấp nặng 18 tấn trong cuộc diễn tập xung quanh đảo Okinawa của Nhật Bản.
Chuyên gia Sidharth Kaushal từ Viện Quân vụ thống nhất Hoàng gia Anh, mô tả USS Ohio cùng các tàu ngầm USS Michigan, USS Florida và USS Georgia, là công cụ giúp đưa tên lửa và binh sĩ tới sát lãnh thổ đối thủ của Mỹ.
USS sở hữu khả năng mang hỏa lực ấn tượng (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Dù USS Ohio không còn mang tên lửa hạt nhân, nó vẫn là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép nó có tầm hoạt động “không có giới hạn”.
Tàu ngầm này có thể mang tối đa 154 tên lửa hành trình “sứ giả chiến tranh” Tomahawk, nhiều hơn 50% so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường và hơn gần 4 lần so với tàu ngầm tấn công mới nhất được Mỹ phát triển.
Mỗi tên lửa Tomahawk có thể mang theo đầu đạn chứa hơn 450 kg chất nổ.
“154 tên lửa Tomahawk có thể mang tới những cú đấm khiến không đối thủ nào của Mỹ có thể bỏ qua”, Carl Schuster, giám đốc vận hành tại Trung tâm Tình báo Bộ chỉ huy liên hợp Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định. Ông Schuster nói rằng USS Ohio có thể mang rất nhiều hỏa lực với tốc độ cao.
Dù Hải quân Mỹ có thể điều động lượng khu trục hạm mang nhiều tên lửa hơn con số 154, nhưng việc các tàu ngầm lớp Ohio có thể tác chiến độc lập và khó bị phát hiện khi di chuyển âm thầm dưới lòng đại dương, mang lại cho nó lợi thế nhất định.
Uy lực hỏa lực của tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Mỹ được chứng minh vào tháng 3/2011 khi USS Florida nã gần 100 quả Tomahawk vào các mục tiêu ở Libya trong chiến dịch Bình minh Odyssey. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tàu ngầm mang tên lửa hành trình trực tiếp tham chiến.
USS Ohio hoạt động rất “êm” dưới lòng đại dương (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Khi USS Ohio vận hành ở Thái Bình Dương, việc dò tìm nó sẽ trở nên khó khăn vì nó hoạt động ở vùng nước sâu. Thêm vào đó, đối thủ chính của Mỹ ở khu vực, Trung Quốc, có lực lượng săn ngầm chỉ được thiết kế để hoạt động ở phạm vi gần bờ.
Mặc dù vậy, kể cả khi USS Ohio tiến vào gần bờ, nó vẫn có khả năng tàng hình, cho phép nó di chuyển yên ắng hơn các tàu ngầm tấn công và tạo ra thách thức thực sự với các lực lượng chống ngầm.
USS Ohio được đóng vào những năm 1970 và từng được xem là biểu tượng răn đe hạt nhân của Mỹ khi nó cùng 17 tàu ngầm cùng lớp khác có thể mang 24 tên lửa đạn đạo liên lục đại Trident, mỗi quả có 8 đầu đạn hạt nhân độc lập. Về mặt lý thuyết, năng lực hạt nhân của USS Ohio giúp nó có thể gây phá hủy lớn bằng một loạt bắn hỏa lực duy nhất.