Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Philippines có động thái rắn với Mỹ?

Vì sao Philippines có động thái rắn với Mỹ?

Philippines tuyên bố Mỹ phải trả tiền nếu muốn duy trì Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA). Tại sao Manila lại gây sức ép với Mỹ vào lúc này?

Yếu tố Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/2 tuyên bố Mỹ sẽ phải trả tiền nếu muốn duy trì Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn tồn tại hơn 20 năm qua.

Phát biểu trước các binh sĩ Philippines sau khi thị sát những tài sản không quân vừa mới mua, Tổng thống Duterte nói: “Tôi muốn đưa ra một thông báo nếu có một điệp viên Mỹ có mặt ở đây… kể từ bây giờ trở đi, các ngài muốn duy trì VFA? Các ngài phải trả tiền… Đó là trách nhiệm chung, nhưng phần trách nhiệm của các ngài không phải là miễn phí, rốt cục, khi chiến tranh nổ ra, chúng ta đều phải trả giá”.

Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, ông Duterte cũng gây bất ngờ khi tuyên bố Mỹ phải chuyển giao ít nhất 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nếu không VFA sẽ bị chấm dứt sau 6 tháng ông thông báo về điều này. VFA được hai nước ký kết năm 1998, cho phép quân đội hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung trên đất Philippines.

Đầu năm 2020, ông Duterte đã công bố kế hoạch chấm dứt VFA sau khi Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa không được Mỹ cấp thị thực vào Mỹ. Hồi tháng 6/2020, ông Duterte đã đình chỉ việc chấm dứt VFA với lý do “những diễn biến chính trị và các diễn biến khác trong khu vực” và đã gia hạn thêm 6 tháng vào tháng 11/2020.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà lãnh đạo Philippines lại mang VFA ra để đe dọa và buộc Washington phải cung cấp vaccine? Vì sao ông lại tuyên bố về thách thức ấy trong một cuộc họp được phát trên sóng truyền hình thay vì gửi thông báo cho các phái viên của mình, những người có đủ kỹ năng và sự can đảm để tiến hành công việc này một cách thầm lặng?

Theo giới phân tích, những động thái này của Philippines đều có sự liên quan tới yếu tố Trung Quốc. Việc yêu cầu Mỹ trả tiền cho VFA được nhận định là sự ám chỉ đến Mỹ và động thái tăng cường các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, yêu cầu về vaccine được đưa ra trong bối cảnh Philippines cũng đã chọn mua loại do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

Trong cuộc họp với một số thành viên nội các và các chuyên gia khách mời, ông Duterte từng tiết lộ rằng một số binh lính của Philippines đã được tiêm phòng bằng vaccine của Sinopharm. Ông còn thẳng thừng tuyên bố: “Nếu Mỹ muốn giúp đỡ Philippines thì hãy gửi vaccine chứ đừng nói nhiều. Cái chúng tôi cần là vaccine chứ không phải những lời nói dài dòng”.

Phủ Tổng thống Philippines sau đó tiếp tục phát đi thông điệp bảo vệ tuyên bố của ông Duterte, khẳng định điều này phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập của cựu thị trưởng Davao. Người phát ngôn của tổng thống, ông Harry Roque cho hay ông Duterte chỉ đang nhấn mạnh sự cần thiết của việc các đồng minh hợp tác với nhau trong bối cảnh thế giới phải vật lộn với đại dịch.

Vi sao Philippines co dong thai ran voi My?
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian (phải) và Ngoại trưởng Philippines T. Locsin (giữa) trong một sự kiện Bắc Kinh trao viện trợ chống COVID-19 cho Manila

Trong một cuộc họp báo, ông Roque khẳng định: “Tổng thống nói rằng ông ấy sẽ thực sự hủy bỏ VFA nếu không có vaccine. Không có gì sai với điều đó. Đây không phải là tống tiền. Điều này mang ý nghĩa của chính sách đối ngoại độc lập. Chúng ta không bị cấm đoán, chúng ta không cho phép bất kỳ ai sai khiến chúng ta”.

Theo ông Roque, những gì Tổng thống Duterte đã tuyên bố đó là Mỹ và Philippines là những người bạn và hãy để những người bạn giúp đỡ lẫn nhau. Manila cần vaccine và Washington có vaccine để cung cấp cho đồng minh Đông Nam Á của mình. Mỹ cần lãnh thổ của Philippines cho VFA và Philippines sẽ đảm bảo điều này.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh nếu Mỹ không cung cấp vaccine cho Philippines, siêu cường này hãy ký kết VFA với các quốc gia được ưu tiên nhận vaccine.

Vị cựu luật sư nổi tiếng này còn công khai rằng nếu các nhà sản xuất phương Tây không thể cung cấp vaccine cho Philippines thì “người bạn và nước láng giềng Trung Quốc có thể cung cấp vaccine”.

Thế kẹt của Manila

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng Philippines có thể được hưởng lợi nếu chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đến châu Á. Theo ông Lorenzana, năm 2021 “hứa hẹn sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ-Philippines” dưới sự lãnh đạo của ông Biden.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: “Là một trong những đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Philippines có thể được hưởng lợi từ chính quyền ông Biden.

Vì vậy, chúng tôi đón chào với niềm lạc quan lớn về sự thay đổi lãnh đạo trong chính phủ Mỹ”. Ông Lorenzana nói rằng sự cạnh tranh địa chính trị lâu đời giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thử thách sự thành thạo của Philippines trong việc cân bằng giữa các mối quan hệ.

Vi sao Philippines co dong thai ran voi My?
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận chung “Vai kề vai”

Trước đó, ngày 27/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter rằng Philippines đã đệ trình một công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh. Bộ luật được thông qua hôm 22/1 trao quyền cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc thực hiện các hành động, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí.

Cùng ngày, Mỹ đã đưa ra cam kết hỗ trợ các đồng minh của mình liên quan đến các vấn đề ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Mỹ Blinken “tái khẳng định một liên minh Mỹ-Philippines mạnh mẽ là rất quan trọng đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ Chung Mỹ-Philippines với an ninh hai nước, cũng như việc áp dụng nó trong cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, giới phân tích khu vực tỏ ra hoài nghi về việc liệu Mỹ có thực sự thực hiện cam kết trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công như vậy hay không.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề đầu tiên, là ‘tấn công vũ trang’ được định nghĩa như thế nào và liệu việc Trung Quốc sử dụng vũ lực có tính chất dân sự hơn, chẳng hạn như các tàu tuần duyên trong vùng xám có thể gây phức tạp việc thực hiện cam kết như vậy hay không.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới