Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrong chiến tranh hiện đại, tàu sân bay của Mỹ là mục...

Trong chiến tranh hiện đại, tàu sân bay của Mỹ là mục tiêu số 1

Với kích thước khổng lồ, các tàu sân bay Mỹ được cho là dễ trở thành mục tiêu của các loại vũ khí ngày càng chính xác và hiện đại.

Tàu sân bay của Mỹ đã chứng minh tính linh hoạt và hiệu quả trong gần 100 năm qua. Dự kiến chúng sẽ tiếp tục hoạt động vào nửa sau của thế kỷ 21. Do vai trò và khả năng không thể thay thế của tàu sân bay, nhiều quốc gia đã nghiên cứu các cách thức tiêu diệt những con tàu này, để giành lợi thế trong trường hợp xảy ra xung đột.

National Interest đã liệt kê một số “đối thủ đáng gờm” của tàu sân bay và cho đây là những gì mà đội ngũ thiết kế tàu sân bay thế hệ mới cần phải lo lắng.

Tàu ngầm không người lái

Tàu ngầm từ lâu đã trở thành mối đe dọa “chết chóc nhất” với tàu sân bay. Trong Thế chiến thứ 2, hầu như các hạm đội tàu sân bay đều phải chịu tổn thất lớn trước tàu ngầm. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã coi tàu ngầm của Liên Xô là vũ khí rất đáng lo ngại.

Trong bối cảnh các năng lực tác chiến chống ngầm ngày càng được hiện đại hóa và nâng cấp, khó khăn lớn nhất mà tàu ngầm phải đối mặt là tìm kiếm tàu sân bay, tiếp đến chọn vị trí khai hỏa (bằng ngư lôi hoặc tên lửa) trước khi máy bay hay tàu hộ tống của tàu sân bay có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.

Trong trường hợp bị tấn công, chỉ huy của tàu ngầm sẽ rất khó tìm đường thoát thân.

Những tàu ngầm không người lái sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Chúng có thể chờ đợi trong thời gian dài ở tuyến đường mà tàu sân bay có thể đi qua và khi phát hiện mục tiêu, chúng sẵn sàng di chuyển để tấn công. Hơn nữa, những tàu ngầm tự hành này sẽ không cần lo lắng quá nhiều về việc đồng đội của chúng sẽ ra sao nếu như chúng bị bắn hạ.

Khi được trang bị vũ khí, những tàu ngầm không người lái, hoạt động theo cơ chế đã được thiết lập trước, có thể “gây đau đầu” cho các tàu sân bay tương lai.  

Tấn công mạng

Tàu sân bay bao gồm một hệ thống kết nối cực kỳ phức tạp, từ bản thân con tàu đến các lực lượng hộ tống. Các tàu sân bay lớp Ford thậm chí sẽ mở rộng dàn phi cơ, chiến hạm, với một hệ thống vũ khí và cảm biến hiện đại, có thể bao quát khu vực trải dài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hải lý. Dù mạng lưới này được liên kết số hóa, tinh vi và có tính bảo mật cao nhưng không có gì đảm bảo chúng sẽ miễn nhiễm trước các cuộc tấn công.

Để vô hiệu hóa hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay, đối phương có thể tìm cách xâm nhập và phá hủy hệ thống máy tính vốn cho phép tàu sân bày phát huy tối đa sức mạnh.

Một cuộc tấn công mạng đối với tàu sân bay có thể gây ra những tác động khác nhau. Ở cấp độ nhẹ nhất, chúng sẽ khiến tàu sân bay bị “mù mắt”, khiến con tàu và các máy bay của nó khó thực hiện nhiệm vụ hơn. Ngoài ra, tin tặc cũng có thể nắm rõ vị trí của con tàu, khiến nó dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của tên lửa và tàu ngầm.

 Ở cấp độ nghiêm trọng nhất, một cuộc tấn công mạng có thể vô hiệu hóa các hệ thống trọng yếu, khiến tàu ngầm mất khả năng bảo vệ chính nó.

Phương tiện bay không người lái

Trong tiểu thuyết viễn tưởng “Hạm đội ma” của các tác giả Peter Singer và August Cole có chi tiết các máy bay không người lái của Mỹ phá hủy các tàu sân bay  Kuznetsov của Nga và Shandong của Trung Quốc ở giai đoạn cuối cuộc chiến tàu sân bay tại Bắc Thái Bình Dương.

Máy bay đã được sử dụng để tấn công tàu sân bay kể từ những năm 1940. Tuy vậy, những chiếc máy bay hiện đại, có người lái lại gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện công việc này, một phần do hệ thống phòng không hiện đại khiến chúng dễ bị bắn hạ khi tiếp cận mục tiêu. Các tên lửa hành trình giúp mở rộng tầm bắn, nhưng chúng cũng khó qua mắt được các hệ thống phòng không.  

Máy bay không người lái có thể sử dụng cả vũ khí tầm xa lẫn tầm ngắn, hoạt động một cách linh hoạt để khắc chế mạng lưới phòng không, mà không cần phải lo lắng về tính mạng của các phi công. Chúng có thể triển khai vũ khí ở những phạm vi khác nhau, sau đó áp sát mục tiêu và sử dụng thân mình để giáng đòn chí mạng vào tàu sân bay.

Vũ khí siêu thanh

Nga, Trung Quốc và Mỹ đều dành quan tâm cho hệ thống vũ khí siêu thanh, vốn tạo ra mối đe dọa tương tự như tên lửa đạn đạo. Song khác với tên lửa, vũ khí này có thể tấn công mục tiêu từ những quỹ đạo khó đoán định, khiến hệ thống phòng thủ khó nhận diện và bắn hạ. Chúng kết hợp khả năng sát thương của cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, chỉ cần một cuộc tấn công riêng lẻ cũng đủ gây thiệt hại cho tàu sân bay, thậm chí là tiêu diệt toàn bộ con tàu.

Vũ khí được thả từ không gian

Tàu sân bay không có khả năng tàng hình. Chúng không thể qua mắt được các cảm biến hoặc radar phát hiện mục tiêu như cách mà máy bay, tàu ngầm, thậm chí tàu mặt nước làm được. Nhược điểm của tàu sân bay là đối phương dễ nắm rõ được vị trí của nó nhưng ưu điểm là nó có thể sử dụng cả chiến thuật tấn công lẫn phòng thủ. Các tàu sân bay có thể tận dụng khả năng cơ động của chúng để khai thác triệt để khả năng “trinh thám” (hệ thống giám sát) và “hỏa lực” (hệ thống vũ khí dự phòng).

Tuy nhiên, vũ khí được thả từ không gian (hay còn gọi là “Cây gậy của Chúa”) có thể giải quyết vấn đề này. Các vệ tinh được trang bị hợp kim Vonfram hoặc những loại vũ khí cơ động, có thể vừa nhận diện và vừa tấn công tàu sân bay mà không gặp phải bất cứ tác nhân gây nhiễu loạn nào liên quan đến hệ thống liên lạc. Chỉ cần sử dụng động năng, chúng có thể tung ra cú đánh cực mạnh vào bề mặt mục tiêu, nhấn chìm hoặc vô hiệu hóa tàu sân bay.

Theo các nhà khoa học, nếu một vật thể rơi từ không gian đến bề mặt Trái đất, nó sẽ gây ra một vụ va chạm giống như vụ nổ. Ước tính, động năng từ vụ va chạm của thanh vonfram ở tốc độ 12.348 km/h tương đương với vụ nổ của 11,5 tấn TNT.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới