Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhiều thế kỷ thăng trầm ở Myanmar

Nhiều thế kỷ thăng trầm ở Myanmar

Xuyên suốt lịch sử Myanmar, sự xung đột giữa các dân tộc tại nước này luôn tồn tại, ngay cả trong giai đoạn là vương quốc lớn mạnh bậc nhất Đông Nam Á.

Suốt nhiều thế kỷ, Myanmar là vùng đất có nhiều vương quốc do các dân tộc khác nhau kiểm soát. Mãi đến thế kỷ 11, người Miến lần đầu tiên thống nhất được các vùng lãnh thổ và lập ra vương triều Pagan, theo tài liệu của BBC.

Các vương triều hùng mạnh

Thời đó, Pagan là vương quốc đa dạng sắc tộc và tôn giáo, trong đó người Miến và Phật giáo Theravada (Phật giáo Nam tông) chiếm đa số. Trong thời gian trị vì, các vị vua Pagan không ngừng mở rộng lãnh thổ ra các khu vực khác của lục địa Đông Nam Á.
Theo sử gia Victor Lieberman chuyên về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Michigan (Mỹ), Pagan và Khmer là 2 đế quốc chính tại lục địa Đông Nam Á giai đoạn đầu thế kỷ 13. Tuy nhiên, Pagan bị suy yếu và cuối cùng sụp đổ vào năm 1287 sau nhiều đợt xâm lược của quân Nguyên Mông. Sự sụp đổ của Pagan được tiếp nối bằng giai đoạn chia cắt và kiềm tỏa giữa các lực lượng tại Myanmar mãi đến thế kỷ 16, theo cuốn A History of Burma (Lịch sử Burma) của sử gia Htin Aung, cựu Đại sứ Myanmar tại Sri Lanka.
Đến năm 1531, vương triều Toungoo với sự giúp đỡ của Bồ Đào Nha đã tái thống nhất Myanmar. Nông nghiệp và thương mại dưới triều Toungoo được cho là phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên và địa thế chiến lược, thu hút nhiều nhà buôn châu Âu.
Về quân sự, Toungoo trở thành vương quốc hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á khi liên tục mở rộng bờ cõi và chinh phạt thành công nhiều vùng đất như Ayutthaya (Thái Lan) hay Lan Xang (Lào)… Tuy nhiên, sự phân tán nguồn lực khiến Toungoo không thể kiểm soát lâu dài các vùng đất xâm chiếm, cùng với sự nổi loạn từ bên trong đã khiến vương triều dần suy yếu. Giữa thế kỷ 18, vương quốc Hanthawaddy của người Môn ở phía nam tiến quân lên phía bắc và chiếm được kinh đô Ava của Toungoo.
Sự sụp đổ của Toungoo được tiếp nối bằng việc thành lập triều Konbaung vào năm 1755. Dưới sự cai trị của triều Konbaung, Myanmar đã tái thống nhất và tiếp tục trở thành một vương quốc lớn mạnh bậc nhất ở Đông Nam Á, xâm chiếm nhiều láng giềng từ Manipur, Assam (Ấn Độ) cho đến Ayutthaya (Thái Lan) và 4 lần đánh bật sự xâm lược của nhà Thanh (Trung Quốc).
Đến thế kỷ 19, người Anh dần dần xâm chiếm lãnh thổ Myanmar sau 2 cuộc chiến tranh Anh – Miến. Năm 1885, Anh thôn tính hoàn toàn Myanmar rồi sáp nhập vào Ấn Độ thuộc Anh trong cuộc chiến tranh thứ 3. Năm 1937, Anh tách Myanmar khỏi Ấn Độ và biến nước này thành thuộc địa riêng.
Thịnh suy Myanmar: Nhiều thế kỷ thăng trầm1

Toàn quyền Anh Hubert Elvin Rance (trên bục, trái) và Tổng thống đầu tiên của Myanmar Sao Shwe Thaik trong lễ quốc khánh ngày 4.1.1948

ẢNH: CHÍNH PHỦ MYANMAR

Biến động thời hiện đại

Ông Aung San, cha của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, được xem là người cha lập quốc của Myanmar hiện đại. Ông đã xây dựng quân đội, với sự hỗ trợ của Nhật để chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh. Khi thế cuộc đảo chiều vào cuối Thế chiến 2, ông lại cùng người Anh (khi đó dưới danh nghĩa quân Đồng minh) giải phóng Myanmar khỏi sự chiếm đóng của đế quốc Nhật.
Sau đó, ông Aung San đàm phán để kêu gọi độc lập cho Myanmar, nhưng bị ám sát cùng nhiều lãnh đạo của đảng Liên minh tự do nhân dân chống phát xít (AFPFL) vào năm 1947, sau khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Ông U Nu, người giữ chức ngoại trưởng trong chính quyền dưới ách đô hộ của Nhật, được yêu cầu lãnh đạo AFPFL và chính phủ. Tháng 1.1948, Myanmar chính thức độc lập dưới tên gọi Liên bang Burma (Miến Điện), với Tổng thống Sao Shwe Thaik và Thủ tướng U Nu.
Tuy nhiên, cuộc nội chiến nhanh chóng nổ ra vào năm 1949 giữa chính phủ và một loạt lực lượng nổi dậy khác nhau. Thủ tướng U Nu cảm nhận sự yếu thế nên đã chia sẻ quyền lực cùng tướng Ne Win, người vươn lên chức tổng tham mưu trưởng quân đội từ năm 1949.
Đảng phái của ông U Nu giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc tổng tuyển cử năm 1960 nhưng những bất ổn và chia rẽ vẫn tồn tại. Việc ông U Nu chủ trương đưa Phật giáo làm quốc giáo và sự nương tay với lực lượng ly khai đã khiến quân đội bất bình, theo BBC. Năm 1962, tướng Ne Win chiếm giữ quyền lực sau cuộc đảo chính và bắt đầu chế độ độc tài quân sự trong hàng chục năm.
Năm 1974, hiến pháp mới được thành lập, chuyển giao quyền lực từ quân đội sang Hội đồng nhân dân nhưng vẫn do ông Ne Win và các cựu chỉ huy quân sự nắm giữ. Một thời gian sau đó, ông Ne Win nhường chức tổng thống cho tướng về hưu San Yu nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch đảng Cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa Miến Điện (BSPP) cầm quyền. Nền kinh tế suy sụp sau khi bị quốc hữu hóa đã khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó và dẫn đến phong trào biểu tình lớn, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn năm 1988 khiến ông Ne Win phải từ chức dù được cho là vẫn giữ tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều năm sau. Tướng Saw Maung thành lập Hội đồng khôi phục trật tự và luật pháp liên bang (SLORC), ban bố thiết quân luật nhưng cũng hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Cái tên Myanmar cũng chính thức được sử dụng vào giai đoạn này trở về sau. Lời hứa được thực hiện vào năm 1990 với việc đảng Liên minh Dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi lớn nhưng quân đội từ chối công nhận kết quả và không chuyển giao quyền lực.
Mãi đến năm 2008, sự chuyển tiếp dân chủ đích thực mới diễn ra khi hiến pháp mới được thi hành. Theo đó, quân đội chỉ giữ lại đủ quyền phủ quyết thông qua 25% số ghế quốc hội.
Nhóm phản đối chính biến ở Myanmar kêu gọi “phô diễn lực lượng”
Những người phản đối chính biến ở Myanmar ngày 17.2 kêu gọi biểu tình lớn hơn, để chứng minh quân đội đã sai khi tuyên bố việc bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi được đông đảo người dân ủng hộ. Reuters dẫn lời ông Kyi Toe, một thành viên cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, nói: “Hãy phô trương lực lượng của chúng ta để chống chính quyền quân sự đã phá hủy tương lai của giới trẻ, tương lai của đất nước chúng ta”. Trong ngày 17.2, hàng trăm ngàn người trên khắp Myanmar vẫn tiếp tục xuống đường để phản đối chính biến.
Cùng ngày 17.2, LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra bạo lực chống lại người biểu tình. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ và Anh kịch liệt phản đối việc truy tố bà Aung San Suu Kyi, vốn đang bị quản thúc tại gia. Cụ thể, bà Suu Kyi vừa bị truy tố với cáo buộc vi phạm luật Quản lý thảm họa thiên nhiên. Trước đó, bà đã bị truy tố tội nhập khẩu trái phép 6 bộ đàm và chuẩn bị hầu tòa vào ngày 1.3.
RELATED ARTICLES

Tin mới